Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú:

Tác động tức thì, hiệu quả thiết thực

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/4/2014 | 2:33:26 PM

YBĐT - Dự kiến cuối năm nay, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) sẽ có thêm hai trường phổ thông chuyển đổi sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), đưa tổng số trường PTDTBD toàn huyện lên 16 cơ sở.

Phòng ở của học sinh bán trú vùng cao là một khó khăn cần giải quyết ngay.
Phòng ở của học sinh bán trú vùng cao là một khó khăn cần giải quyết ngay.

Quá trình triển khai thực hiện xây dựng các trường PTDTBT theo Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái (gọi tắt là Nghị quyết 22) đã khẳng định tính đúng đắn của một giải pháp cùng những chính sách hỗ trợ đi theo. Diện mạo và chất lượng giáo dục phổ thông ở Mù Cang Chải đang có những chuyển biến tích cực và làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng với sự nghiệp giáo dục vùng cao...

Trao đổi về việc xây dựng trường PTDTBT, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Trần Xuân Hưng coi đó là một giải pháp riêng cho vùng đặc thù như Yên Bái: miền núi, nhiều dân tộc sinh sống, nhiều xã khó khăn và có tới hai huyện trong diện 30a. Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 22 về xây dựng trường PTDTBT giai đoạn 2010 - 2015 đã khẳng định tham mưu của ngành và quyết sách của tỉnh là đúng đắn.

Ví dụ như Mù Cang Chải, hàng chục năm chật vật và loay hoay với bài toán huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp, chống bỏ học - nền tảng để tiến hành phổ cập giáo dục các cấp nhưng chỉ khi có giải pháp của ngành và quyết sách của tỉnh cùng các chính sách đặc thù thì bài toán trên mới có lời giải.

Con số so sánh, năm học 2010 - 2011, có 1.851 học sinh tới trường PTDTBT; năm học 2011 - 2012 tăng lên 2.631 em; năm học 2012 - 2013 tăng lên 3.768 em và năm học 2013 - 2014, tổng số học sinh ra trường PTDTBT là 3.791 em. Số trường phổ thông chuyển đổi sang trường PTDTBT ở Mù Cang Chải từ con số 9 trong năm học 2011 - 2012 đã tăng lên 14 trường năm học 2012 - 2013.

Theo kế hoạch, Trường THCS Cao Phạ và Trường Tiểu học La Pán Tẩn sẽ hoàn thành chuyển đổi vào cuối năm học này, đưa tổng số trường PTDTBT của huyện lên 16 đơn vị. Điều gì đã thu hút học sinh vùng cao ra lớp với tốc độ và số lượng ngày một lớn như vậy?

Ông Sùng A Chua, phụ huynh học sinh ở xã Lao Chải nói thật thà: "Có trường này, con cháu dân bản được học, được ăn đủ hơn ở nhà. Đi học được thầy giáo dạy chữ, được Nhà nước cho tiền, cho gạo để học. Chứ dân bản ta còn nghèo, còn phải làm nhiều, không có đủ nuôi các cháu đi học đủ, học cao lên đâu!".

Xây dựng trường PTDTBT ở vùng cao là một giải pháp lớn để phát triển giáo dục vùng cao. Tuy nhiên sẽ rất khó khăn nếu không có chính sách để thực hiện giải pháp này.

Nghị quyết 22 về xây dựng trường PTDTBD giai đoạn 2010 - 2015 đã xác định: "Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh sẽ thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, vốn xây dựng cơ bản tập trung của địa phương và nguồn tài chính hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho học sinh nội trú như: phòng ở, bếp ăn, nước sạch, công trình vệ sinh. Hàng năm, ngân sách tỉnh cân đối bố trí kinh phí hỗ trợ cho hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú để thực hiện nhiệm vụ đặc thù (quản lý và tổ chức các hoạt động cho học sinh nội trú). Kinh phí hỗ trợ cho các trường được xác định theo số học sinh nội trú dân nuôi. Mức hỗ trợ bình quân là 195.000 đồng/học sinh/năm học và mức hỗ trợ này được điều chỉnh tăng theo mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định”.

Với Mù Cang Chải, tạm tính, từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2013 - 2014, Nhà nước đã cấp trên 45,100 tỷ đồng cho học sinh các trường PTDTBD ở Mù Cang Chải. Con số này gấp hơn 3 lần số thu ngân sách của huyện trong ngần đó năm.

Để số trẻ trong độ tuổi ra lớp, ra trường bán trú ngày một đông không chỉ do tác động của chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà còn là một kỳ công thuyết phục, vận động của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, trong đó ngành giáo dục là nòng cốt. Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Mồ Dề năm học 2013 - 2014 ở 8 điểm trường của hai cấp đã có 31 lớp học với 700 học sinh; tỷ lệ huy động học sinh bậc tiểu học đạt 97%, THCS đạt 98%.

Không phải ở đâu cũng có thể tính toán, quy hoạch mở rộng diện tích khu phòng ở, lớp học, sân chơi... cho học sinh bán trú vì quỹ đất xây dựng ở vùng cao rất khó khăn. Khó có thể nói đến một chương trình phổ cập tiểu học, THCS và cao hơn nữa ở vùng cao Yên Bái, trong đó có huyện trong diện 30a như Mù Cang Chải, nếu không có quyết sách của tỉnh và chính sách của Nhà nước với một cơ chế, cách làm rất đặc thù và nhân văn, trách nhiệm.

Hiệu trưởng Hà Trần Hồng cho biết, để có tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở cả hai cấp cao như vậy, lãnh đạo nhà trường đã tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai công tác phổ cập, điều tra, nắm chắc và sát tình hình để tiến hành vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số.

Năm học 2012 - 2013, tỷ lệ huy động học sinh bảo đảm kế hoạch cấp tiểu học và THCS đều đạt 99% - một kết quả cao mà khoảng 4 - 5 năm trước đó khó có thể hình dung.

Học sinh thu hút ra lớp ngày một đông không chỉ do tác động của những chính sách hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí học tập mà còn có tác dụng của việc đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng khá toàn diện công tác giáo dục của các trường PTDTBT.

Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến cho biết cơ sở vật chất của các trường PTDTBT và trường có học sinh bán trú đã từng bước được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu về nơi ở, chỗ học của học sinh. Năm học 2010 - 2011, huyện đã có 17 phòng ở bán trú cho học sinh được đầu tư xây dựng; năm học 2012 - 2013, số phòng ở bán trú được đầu tư xây dựng lên tới 67 phòng.

Các nhà trường cũng đã tham mưu với chính quyền địa phương huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trên 346 triệu đồng để cải thiện bữa ăn, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của học sinh; hỗ trợ hiện vật bao gồm gạo, ti vi, chăn màn, thùng đựng nước, bát đĩa, nhà ở cho học sinh trị giá trên 2,6 tỷ đồng. Riêng năm 2013, hỗ trợ tiền mặt và hiện vật quy ra tiền lên tới 1,2 tỷ đồng.

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Mồ Dề là một đơn vị làm khá tốt công tác xã hội hóa. Năm học 2012 - 2013, đã huy động hàng trăm ngày công của nhân dân, cán bộ, giáo viên đóng góp tấm lợp, dây thép, tu sửa phòng ở bán trú. Riêng nhân dân bản Màng Mủ đã đóng góp dây thép đan rào toàn bộ cơ sở trường lẻ; các tổ chức từ thiện cũng ủng hộ hiện vật trị giá 194 triệu đồng.

Trong năm 2013, nhà trường còn san gạt tôn tạo sân chơi, xây dựng bờ kè ngăn cách với trường mầm non, tu sửa 2 phòng học, tiếp tục làm thêm 4 phòng học mới và 2 phòng ở bán trú cho học sinh cơ sở Nả Háng. Kỳ I năm học 2013 - 2014, nhà trường đã huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục trị giá 351,8 triệu đồng, xây dựng quỹ khuyến học 5 triệu đồng, “Kho thóc khuyến học” trên 1.250kg...

Đáng quan tâm, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện và ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo, tổ chức các hoạt động giáo dục theo chuẩn kiến thức kỹ năng; coi trọng bổ sung kiến thức về địa phương, văn hóa dân tộc. Đặc biệt là quan tâm rèn luyện tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; chú trọng các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng rèn luyện, học tập của học sinh bán trú.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Văn Đồng cho biết thêm: "100% trường học đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với học sinh bán trú. Nội dung dạy học chủ yếu tập trung nâng cao kiến thức cho học sinh đối với môn Văn - Tiếng Việt và Toán. Qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, học sinh đã hòa nhập, thân thiện với bạn bè, thầy cô giáo. Qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các em đã được giáo dục kỹ năng sống, bảo vệ môi trường, giáo dục tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc. Chất lượng hai mặt giáo dục của các trường PTDTBT đã được nâng lên".

Khẳng định sự đúng đắn của một quyết sách nhằm phát triển giáo dục vùng cao nhưng xây dựng trường bán trú ở vùng cao Yên Bái nói chung (trong đó có Mù Cang Chải) thời gian qua cũng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc rất đặc thù. Con số 67 phòng ở bán trú của học sinh các trường PTDTBT ở Mù Cang Chải đã là một nỗ lực lớn của địa phương, ngành giáo dục nhưng còn nhỏ bé so với nhu cầu.

Chúng tôi đã đến một số phòng ở của học sinh bán trú ở Mồ Dề, Lao Chải, Hồ Bốn, Chế Cu Nha. Khá giống nhau là rất nhiều phòng nội trú cho học sinh còn tạm bợ, chật hẹp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà bếp, bếp ăn, công trình nước sạch, nhà vệ sinh cho các em còn thiếu thốn.

 

Giờ học thể chất của học sinh Trường PTDTBT tiểu học và THCS Mồ Dề.

Không phải ở đâu cũng có thể tính toán, quy hoạch mở rộng diện tích khu phòng ở, lớp học, sân chơi... cho học sinh bán trú vì quỹ đất xây dựng ở vùng cao rất khó khăn. Khó có thể nói đến một chương trình phổ cập tiểu học, THCS và cao hơn nữa ở vùng cao Yên Bái, trong đó có huyện trong diện 30a như Mù Cang Chải, nếu không có quyết sách của tỉnh và chính sách của Nhà nước với một cơ chế, cách làm rất đặc thù và nhân văn, trách nhiệm. Và rất quan trọng là sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, nòng cốt là ngành giáo dục - đào tạo và nhân dân các dân tộc vùng cao.

Từ thực tế ở Mù Cang Chải, có thể khẳng định sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 22, diện mạo và chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông chuyển đổi sang PTDTBT ở huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản.

Nói một cách khác, bài toán khó cho giáo dục vùng cao đôi mươi năm trước nay đã có lời giải gọn gàng và có tầm chiến lược. Lộ trình xây dựng trường PTDTBD giai đoạn 2010 - 2015 theo Nghị quyết 22 sẽ kết thúc trong khoảng một năm rưỡi nữa. Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ở huyện Mù Cang Chải đang đem lại những kết quả căn bản, tích cực. Vấn đề hiện nay là làm sao thu hút ngày một nhiều và "hấp thụ" tốt các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp giáo dục, trong đó tập trung vào xây dựng, phát triển các trường PTDTBT.

 P.V

Các tin khác
Học sinh trung học phổ thông là đối tượng tư vấn nghề.
(Ảnh: T.B)

YBĐT - Mùa tuyển sinh năm 2014 bắt đầu khởi động và nỗi lo tuyển không đủ chỉ tiêu lại ùa về, khiến các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh Yên Bái đứng ngồi không yên.

Ảnh minh họa

Thời hạn này là dành cho những ngành học bị Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh cách đây 3 tháng và giờ được tuyển sinh trở lại.

YBĐT - Thời gian qua, BHXH Trấn Yên (Yên Bái) đã làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện có sự chỉ đạo chặt chẽ đối với việc thu nộp BHXH, BHYT và BHTN, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu an sinh xã hội.

Tay chân miệng đang vào mùa.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 28/4, trên cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục