Lũng Lô huyền thoại

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/5/2014 | 9:16:41 AM

YBĐT - “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”...

Bia tưởng niệm vừa được xây dựng tại đỉnh đèo Lũng Lô.
Bia tưởng niệm vừa được xây dựng tại đỉnh đèo Lũng Lô.

Đã 60 năm trôi qua nhưng những câu thơ trong bài “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu nói về tinh thần kiên cường, anh dũng của những dân công và thanh niên xung phong tham gia đảm bảo giao thông, vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng trong tâm thức bao thế hệ.

Những ngày đầu tháng 4, trong không khí cả nước đang nô nức chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi - những người được sinh ra sau chiến tranh vinh dự được đến và gặp những người từng tham gia làm và bảo vệ đường giao thông lên Điện Biên. Những cựu binh năm xưa giờ đây đã ngoài 80, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng khi nhắc đến những ngày tháng tham gia Chiến dịch thì họ sôi nổi như được sống lại quãng thời gian trai trẻ.

Năm 1953, Pháp chọn và thiết lập cứ điểm Điện Biên Phủ. Với cứ điểm quân sự kiên cố có một không hai này, ngoài bình định Việt Nam thì Pháp còn có tham vọng là chế ngự cả Đông Dương. Để bảo toàn vận mệnh của Tổ quốc, ta quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo quyết định của Trung ương, tuyến đường lên Tây Bắc được bí mật và củng cố lại để phục vụ cho chuyển quân, chuyển lương, chuyển khí tài cho chiến dịch. Và đèo Lũng Lô đã trở thành một trong những tuyến đường được đưa lên tầm quan trọng nhất. Để tránh hậu họa cho con đường tiếp viện Tây Bắc này, biết Lũng Lô là yết hầu, nếu làm tê liệt đoạn đèo dài 15km này thì Việt Minh sẽ rơi vào lúng túng, nên thực dân Pháp tập trung đánh phá mạnh.

Trong các ngày 2 - 5/5 vừa qua, huyện Văn Chấn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề “Đèo Lũng Lô - Con đường huyền thoại” tại xã Thượng Bằng La với nhiều hoạt động có ý nghĩa nhắc nhớ những năm tháng hào hùng của dân tộc gắn với địa danh đèo Lũng Lô, cũng là giáo dục cho các thế hệ truyền thống lịch sử địa phương và lòng tự hào dân tộc.

Theo thống kê, đoạn từ Yên Bái đến Phù Yên (Sơn La) địch đã ném xuống 11.778 quả bom các loại. Nơi bị máy bay địch đánh phá ác liệt nhất là bến đò Âu Lâu và đèo Lũng Lô. Hơn 200 ngày đêm, tuyến đường này không lúc nào ngừng tiếng bom. Các lực lượng cùng với nhân dân Thượng Bằng La không ngại khó khăn, không sợ hy sinh ngày đêm chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Hàng trăm nghìn tấn quân lương, vũ khí, đạn dược, hàng nghìn con trâu, bò, lợn, hàng chục tấn rau quả các loại được tập kết ở khu vực Thượng Bằng La chờ vượt đèo vào Chiến dịch được bảo vệ an toàn.

Hàng ba, bốn chục chuyến xe mỗi ngày qua cầu, vượt sình lầy đoạn từ cầu gỗ đến Lũng Lô đều thông suốt. Hang Thẩm Thóng thời kỳ này vừa là nơi che chở cho nhiều đợt cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội đi qua trú chân vừa là nơi cất giấu vũ khí, lương thực, thực phẩm.

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, ngày nay, Thượng Bằng La đang ra sức thi đua lao động sản xuất, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, hàng năm nhân dân trong xã gieo cấy hết 478ha lúa nước, phát triển mạnh về kinh tế đồi rừng, tập trung trồng các cây cho giá trị kinh tế cao như cam, quýt, ngô. Đời sống của nhân dân đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, thu nhập đầu người đạt 13,5 triệu đồng/năm. Năm 2000, Thượng Bằng La được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp”; đến năm 2011 xã vinh dự đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia đèo Lũng Lô.

Từng tham gia chiến đấu và mở đường trên đèo Lũng Lô - ông Hà Văn Chi - thôn Mỏ, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) bồi hồi nhớ lại: Ngày đó dân công địa phương cùng thanh niên xung phong và lực lượng công binh dù chỉ có những dụng cụ thô sơ nhưng vẫn không quản ngại khó khăn để nhanh chóng thông đèo Lũng Lô. Trên các cung đường, tiếng mìn phá đá và tiếng cuốc, xẻng rền vang suốt ngày đêm. Toàn dân Thượng Bằng La không phân biệt già trẻ, nam, nữ, mỗi người một việc đều bắt tay vào cuộc chiến đấu mới. Từ đầu tháng 11 năm 1953, Thượng Bằng La đã đón trên 5.000 bộ đội, dân công ở các nơi về tham gia chiến dịch mở đường 13A. Mặc dù mới ở nơi sơ tán về còn gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình nào cũng đón cán bộ, dân công về ở cùng.

Đoạn đường qua Khe Thắm, qua cánh đồng Mỏ dài 3km có 3 con suối lớn, có đoạn là bãi sình lầy dài hàng km. Nhân dân đã quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương, có nhà còn tình nguyện góp cả bộ cột nhà vừa mới chặt về để lót đường, bắc cầu thông xe. Hồi ấy, tuyến đường này không chỉ “dân công đỏ đuốc từng đoàn” mà còn là lộ hành để các văn nghệ sỹ đi thực tế Tây Bắc, viết lên những trang truyện, bài thơ, nốt nhạc sống động khích lệ tinh thần kháng chiến của quân và dân như câu thơ trong bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát”. 

Ông Hà Văn Chi cho biết thêm: Tại Thượng Bằng La, vào một đêm tối trời, sau cuộc hành quân dài đến nơi tập trung, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, hồi ấy là anh lính trẻ của Đại đội súng cối 267 thuộc Tiểu đoàn B08 đã bật trào cảm hứng sau những vất vả để viết nên bài hát “Hành quân xa” nổi tiếng đến tận bây giờ “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi…”.

 

Ông Hà Văn Chi - Thôn Mỏ, xã Thượng Bằng La cẩn thận cất giữ những chiếc huân chương được Đảng và Nhà nước tặng thưởng.

Hào sảng, nhiệt thành, bất chấp gian khổ, kể cả cái chết vẫn vô tư đã có một thời hiển hiện sống động bằng những ngày hào hùng mở đường qua đèo Lũng Lô này. Cố họa sỹ Tô Ngọc Vân cũng đã có mặt tại Lũng Lô, ngoài việc góp công sức mở đường, ông còn cho ra đời nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng, trong đó có bức “Qua đèo Lũng Lô, cũng là bức họa cuối cùng của đời ông khi ông hy sinh chính tại chiến dịch này.  

Năm nay đã  83 tuổi nhưng ông Hoàng Kim Tường - thôn Mỏ vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Ông bồi hồi nhớ lại những ngày tuổi trẻ. Vào đầu năm 1953, ông thuộc C86 Văn Chấn (bộ đội địa phương) được cấp trên giao nhiệm vụ bảo vệ đường dây thông tin dài khoảng 30km từ Ba Khe đến đỉnh đèo Lũng Lô. Ngày đó đường dây thông tin từ chiến trường về trung tâm chỉ huy được rải nổi ven đường quốc lộ nên bị quân địch liên tục phá hoại, ngoài việc hàng ngày cho máy bay ném bom, chúng còn tung việt gian ngày đêm lùng sục nhằm cắt đứt mạch máu thông tin.

Do vậy ông cùng 12 người trong tiểu đội chia nhau thành 6 tổ, 2 người một tổ đêm đêm đi kiểm tra đường dây và nối lại những chỗ bị bọn việt gian cắt đứt. Có hôm ông cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ từ chập tối tới gần sáng nhưng khi về lán nghỉ thì đường dây vẫn chưa thông. Ra bờ suối vục đầu vào dòng nước mát lạnh lấy lại tỉnh táo, ông cùng đồng đội đi kiểm tra phát hiện ra có nhiều đoạn đứt ở giữa đèo Lũng Lô và việt gian đã nối lại bằng dây rừng giống như đường dây thông tin, gây khó khăn cho công tác kiểm tra.

Hôm ấy trời tối đen như mực, ông cùng đồng đội đã bắt đom đóm thả vào lọ thủy tinh lấy ánh sáng nối lại đường dây, khi mạch máu thông tin thông suốt thì lúc đấy trời cũng sáng. Ông Tường cũng cho biết: Ngày đó gian khổ nhất là việc không đủ lượng thực phẩm để ăn uống hàng ngày. Những khi bị tắc đường hàng tuần trời, lương thực không chuyển lên kịp mọi người chỉ còn cách vào rừng đào củ mài về ăn thay cơm. Nhưng cũng chỉ được ăn đầu thừa đuôi thẹo vì củ tốt mọi người đều để dành cho thương binh hay những người đang ốm.

Tuy khó khăn, thiếu thốn đủ bề, sức khỏe không đảm bảo nhưng mọi người vẫn hăng say lao động với quyết tâm cao nhất để đảm bảo cho những chuyến xe đưa hàng ra mặt trận thông suốt.

Với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ, những con người tham gia mở đường, bảo đảm giao thông trên tuyến đường 13A đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Giờ đây, họ đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng những ký ức về một thời tuổi trẻ cống hiến hết mình vẫn không phai mờ. Tinh thần đó đã trở thành gương sáng cho thế hệ sau noi theo.

Quang Thiều

Các tin khác

Chương trình diễn ra liên tục từ 5h-14h ngày 7/5 trên Hệ Thời sự- Chính trị- Tổng hợp (VOV1).

YBĐT - Để tri ân công lao của CCB tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống thực dân Pháp và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, mới đây, đồng chí Ngô Thị Chinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đến thăm, tặng quà các CCB tại huyện Văn Chấn và thị xã nghĩa Lộ.

Đồng chí Hoàng Đức Quế - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái  tặng hoa cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Văn Chấn

YBĐT - Nhân dịp Lễ Phật đản năm 2014, (phật lịch 2558), trong 2 ngày (6 và 7/5), đoàn công tác của tỉnh Yên Bái do đồng chí Hoàng Đức Quế - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm Trường đoàn đã đến thăm, tặng quà cho giáo hội Phật giáo các địa phương và đại diện phật tử tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

YBĐT - Theo Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Văn Yên (Yên Bái), hàng năm, án thụ lý mới trên địa bàn huyện chuyển sang đơn vị lên tới 400 đến 500 việc. Đây là khối lượng công việc rất lớn đối với một cơ quan thực thi pháp luật ở cơ sở. Nhiều vụ việc, các chấp hành viên phải đi 50 đến 60 km tìm đến đương sự để giải quyết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục