“Thông tin liên lạc phải luôn luôn thông suốt”

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/5/2014 | 2:35:05 PM

YBĐT - Quê tôi ở xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, Phú Thọ - một làng thuộc miền trung du Bắc Bộ, bên dòng sông Thao tươi mát, khi lúc hiền lành, khi dữ dội. Tôi sinh ra và lớn lên đúng vào lúc đất nước trải qua thời kỳ cách mạng sôi động, từ các cuộc vận động cách mạng trước năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, rồi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1950, đến tuổi trưởng thành, tôi xung phong nhập ngũ, cuộc đời quân ngũ của tôi ngay từ đầu đã gắn liền với một công việc luôn luôn được gần gũi với các vị chỉ huy: nghề báo vụ. Với nghề này, tôi đã được đi phục vụ nhiều chiến dịch thời chống Pháp, rồi chống Mỹ, do đó tôi cũng được biết nhiều miền của đất nước, từ Tây Bắc, Việt Bắc, đồng bằng Bắc Bộ đến miền Nam.

Cuộc đời người lính để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Trong những kỷ niệm đó có một kỷ niệm đặc biệt, đó là việc tôi được tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt hơn nữa, trong chiến dịch này, tôi đã may mắn được một lần gặp Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Tháng Giêng năm Giáp Ngọ 1954, Đội thông tin liên lạc 101 chúng tôi đang ở An toàn khu Thái Nguyên, được lệnh lên đường đi phục vụ Chiến dịch Trần Đình. Lần đầu tiên trong đời người lính, chúng tôi được đi ô tô, suốt từ Đại Từ (Thái Nguyên) vượt Đèo Khế, qua thị xã Tuyên Quang, bến Hiên, thị xã Yên Bái, Âu Lâu, Lũng lô, Cò Nòi rồi đến Sơn La, Điện Biên. Từ Thái Nguyên đến Cò Nòi là đường 13A thời Pháp(1) đường Cò Nòi đến Điện Biên Phủ là quốc lộ 41 nay là các đường quốc lộ 6, quốc lộ 279.

Chúng tôi được đưa đến một khu rừng rậm rạp, đầy cây cổ thụ thuộc xã Mường Phăng huyện Điện Biên, ở đó các đồng chí công binh đã chuẩn bị cho chúng tôi những căn hầm khang trang, kín đáo và chắc chắn.. Tôi còn nhớ chúng tôi đã được ăn tết Giáp Ngọ 1954 tại đây.

Thế rồi, sau những cuộc chuẩn bị đầy gian nan và bề bộn, chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bắt đầu từ ngày 13/3/1954 đến 4/4/1954. Đợt tấn công thứ hai của ta kết thúc, phần lớn tập đoàn cứ điểm đã bị tiêu diệt, bộ đội ta bước vào chuẩn bị cho đợt tấn công thứ ba có tính quyết định để tiêu diệt  toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Tôi còn nhớ, vào ngày 25/4, tức là khoảng thời gian giữa hai cuộc tấn công của ta, hôm đó đất trời Điện Biên yên ắng lạ thường, giống như bầu không khí lặng yên trước một cơn bão lớn sắp ập đến vậy.

Buổi chiều hôm đó, trong căn hầm của chúng tôi, hai chiến sỹ quay gavono (máy phát điện quay tay) đang miệt mài quay máy để tôi phát một bức điện của chỉ huy, đột nhiên có một tiếng hô ngoài cửa hầm:

- Tất cả đứng dậy! Nghiêm! Chào! Hai chiến sĩ quay máy định rời tay quay đứng lên. Một phản ứng tự nhiên rất nhanh trong tôi, lập tức tôi nói gần như quát:

- Đứng cái gì! Quay đi!

Hình như cũng hiểu được tầm quan trọng của công việc, hai chiến sĩ lập tức nắm tay quay ngồi xuống quay tiếp, còn tôi thì tập trung sức lực gõ ma-níp truyền tín hiệu. Mặc dù vậy, lúc này tôi có linh cảm như có người bước vào đứng phía sau tôi, một giọng nói miền Trung nhẹ nhàng cất lên:

- Chú cứ tiếp tục làm đi!

Nói xong, người đó lại nhẹ nhàng quay ra. Phát xong bức điện, tôi thu máy, đứng dậy, đài trưởng Mai Huy Đạo đã đứng ngay đó, nói giọng đầy lo lắng:

- Chết rồi! Mày có biết ai vừa vào không? Đại tướng Tổng tư lệnh đấy!

Nói rồi, anh Đạo và chúng tôi vội đi ra ngoài cửa hầm, ở ngoài đó khoảng ba chục cán bộ và chiến sỹ của Đội thông tin liên lạc vô tuyến điện 101 của chúng tôi đang quây quần xung quanh Đại tướng. Tôi và hai chiến sỹ cũng đứng xen vào với mọi người.

Anh Diệp Đội trưởng Đội 101 đứng cạnh Đại tướng giới thiệu với chúng tôi hôm nay có Đại tướng đến thăm. Sau lời giới thiệu, Đại tướng nhẹ nhàng nói về ý nghĩa thắng lợi của hai đợt tấn công vừa qua của quân ta, nhiệm vụ của đợt tấn công thứ ba sắp tới là vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định cho việc tiêu diệt toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Về công tác thông tin liên lạc, Đại tướng nói, đại ý:

- Thông tin liên lạc có vị trí hết sức quan trọng, nó là mạch máu, là các sợi dây thần kinh của toàn cơ thể. Nó đứt thì thần kinh trung ương sẽ bị tê liệt, toàn bộ cơ thể sẽ tê liệt. Vì vậy thông tin liên lạc phải luôn luôn thông suốt, không được phép đứt. Dừng một lát, Đại tướng nói: - Chú làm việc ở trong hầm lúc nãy đâu?

Anh Đạo chỉ vào tôi: - Thưa Đại tướng, đây ạ, đồng chí ấy tên là Thiện.

Đại tướng bước đến chỗ tôi, vỗ vai thân mật nói: - Việc làm của chú lúc nãy là đúng. Thông tin không thể gián đoạn dù trong bất kỳ tình huống nào.

Nghe Đại tướng nói, tôi cảm thấy như trút được một gánh nặng lo lắng, trong lòng sung sướng, tuy câu nói của Đại tướng không có lời khen nào mà tôi thấy đó như một phần thưởng vô giá đối với việc làm của mình. Đại tướng nói xong, ông bắt tay từng người trước khi ra về và nói: - Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, làm tốt nhiệm vụ của mình!

Tiễn Đại tướng ra về, chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng, sung sướng và đầy lòng tin tưởng vào chiến thắng nay mai.

Từ năm Giáp Ngọ lần trước (1954), đến năm Giáp Ngọ lần này (2014), một chu kỳ của hệ can chi đã đi qua. Với lịch sử, đó là một thời gian không dài nhưng nó đã chứng kiến bao đổi thay của đất nước, của con người. Đối với một đời người, 60 năm đó không phải là ngắn, thời gian càng trôi đi, tôi càng thấy thấm thía giá trị kỷ niệm này. Được phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đã là một vinh hạnh, được gặp Đại tướng Tổng tư lệnh chính tại nơi đây lại là một vinh hạnh nữa. Hạnh phúc được nhân đôi, kỷ niệm sâu sắc này tôi giữ mãi trong tim và coi đó là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời của mình. Đại tướng đã ra đi vừa tròn nửa năm nhưng tấm gương và cốt cách của “người Anh cả” vẫn sống mãi trong tâm khảm của những người lính chúng tôi.

Nguyễn Văn Quang 

 (Ghi theo lời kể của Nguyễn Thiện (1): Đường 13A thời chống Pháp nay gồm các đoạn thuộc các đường quốc lộ 37, 270, 32, và tỉnh lộ 113 Sơn La.)

Các tin khác
Đoàn xe của bộ đội ta vượt đèo Lũng Lô tiến lên Điện Biên Phủ năm 1954.

YBĐT - Tiền thân của đường 13A được mở từ thời Lê - Nguyễn, là quan lộ nhưng chỉ là đường đất, hẹp vừa đủ đi ngựa, dọc đường có trạm giao liên và đội ngũ trang, sách, châu, huyện, lộ trông coi, tu bổ...

YBĐT - "Đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường, quyết chiến, quyết thắng" là 14 chữ vàng của Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 2. Với truyền thống đánh giặc hào hùng, Trung đoàn 174 là một trong những đơn vị anh hùng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh gặp mặt các cựu chiến binh tiêu biểu tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 29/4/2014.
Ảnh: P.V

YBĐT - Bài phát biểu của đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tại buổi gặp mặt các cựu chiến binh tiêu biểu tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 29/4/2014.

Bia tưởng niệm vừa được xây dựng tại đỉnh đèo Lũng Lô.

YBĐT - “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục