Cần đầu tư nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cơ sở

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/7/2014 | 10:18:25 AM

YBĐT - Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hệ thống đài truyền thanh cơ sở với lợi thế kịp thời, tiện ích, ít tốn kém vẫn giữ một vị trí không thể thiếu trong công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở.

Hệ thống truyền thanh cơ sở cần được đầu tư nâng cấp.
Hệ thống truyền thanh cơ sở cần được đầu tư nâng cấp.

Đây là kênh thông tin quan trọng để chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận các thôn bản, khu dân cư cũng như phản ánh các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên địa bàn. Đây còn là công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở.

Vai trò thiết thực

Thực tế cho thấy, ở Trấn Yên, đa số người dân ở các xã, thị trấn đều tham gia sản xuất nông nghiệp. Người dân ít có thời gian để đọc báo nên hầu hết các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều được tiếp nhận qua hệ thống phát thanh, truyền hình. Một trong những kênh thông tin quan trọng giúp bà con nông dân nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương là qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Ông Nguyễn Trọng Khôi - một người dân ở xã Việt Thành chia sẻ: “Chúng tôi lao động nông nghiệp nên điều kiện để xem ti vi, đọc sách báo rất hạn chế, chỉ có thể tranh thủ vào mỗi buổi tối mà lại chủ yếu là theo dõi phim truyện. Vì vậy, mọi thông tin quan trọng chúng tôi chủ yếu được nghe trên hệ thống loa truyền thanh của xã”.

So với các loại phương tiện truyền thông khác thì hệ thống đài truyền thanh có hạn chế song cũng có thế mạnh riêng là gần gũi với người dân, thông tin kịp thời hoạt động của địa phương như: các hoạt động hội họp, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, lịch thời vụ, giống cây trồng, dịch bệnh, tiêm chủng… Nhất là vào mùa mưa bão, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy thế mạnh, thông báo kịp thời diễn biến tình hình để người dân chủ động phòng tránh. Đặc biệt, hệ thống truyền thanh còn có tác động lớn tới công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở các xã. Nhiều hộ dân góp phần cùng với địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới bằng cách hiến đất của gia đình để xây dựng các công trình trên địa bàn.

Ông Trần Đức Học - Bí thư Đảng ủy xã Báo Đáp cho biết: “Hiện nay, hệ thống loa truyền thanh của xã được phủ sóng tới hầu khắp các thôn, khoảng trên 70% số hộ dân có thể thường xuyên tiếp cận kênh thông tin này. Chúng tôi thấy đây là hệ thống truyền thông hết sức quan trọng, không chỉ giúp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn hỗ trợ tích cực trong nhiều hoạt động tuyên truyền, chỉ đạo các hoạt động của địa phương như vận động bà con sản xuất mùa vụ, phòng chống thiên tai, chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thực trạng của hệ thống truyền thanh cơ sở

Do đặc thù của vùng nông thôn, địa bàn trải rộng, một số nơi dân cư sống không tập trung, phần lớn mỗi thôn, bản chỉ bố trí được một cụm loa nên độ phủ sóng của hệ thống truyền thanh cơ sở chưa rộng khắp. Cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở một số nơi còn thiếu hoặc kiêm nhiệm nhiều việc, phải thường xuyên luân chuyển và thay đổi, chưa có nhiều kinh nghiệm.

Một số xã, thị trấn chưa quan tâm nhiều đến công tác chỉ đạo, kiểm tra thực hiện ở lĩnh vực này nên việc vận hành, quản lý thiết bị thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hư hỏng chưa được phát hiện và sửa chữa kịp thời, hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Bên cạnh đó, Trấn Yên là huyện, kinh tế còn khó khăn, địa bàn phức tạp, nhiều khu dân cư không tập trung, nhất là các xã vùng cao; hay xảy ra giông bão, lốc xoáy… đã ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở.

Mặt khác, cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của đài truyền thanh cấp xã chưa thống nhất mô hình chung; cán bộ đài truyền thanh cấp xã không được biên chế, hoạt động bán chuyên trách, kiêm nhiệm nhiều công việc; không được đào tạo chuyên ngành; chế độ phụ cấp thấp, đời sống khó khăn. Hệ thống trang thiết bị hầu hết đã cũ và lạc hậu; hệ thống thiết bị ngoài trời hư hỏng nhiều, không đáp ứng yêu cầu hoạt động thông tin tuyên truyền.

Hiện nay, tổng số xã có đài truyền thanh cơ sở là 21/22 xã, thị trấn. Trong số này, có 13 đài cơ sở được bố trí phòng máy, còn lại 8 đài được bố trí tạm tại các phòng làm việc của các đoàn thể. Toàn huyện có 14 đài hữu tuyến và 7 đài vô tuyến; số cụm loa hiện có 142 cụm với tổng số 275 loa và được phân bổ, lắp đặt tại 139/233 thôn, bản, khu phố, đạt 59,6%. Do tới nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách sau đầu tư như: duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hợp lý đã khiến hàng loạt đài bị xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng thông tin truyền thông tại cơ sở. Hơn nữa, nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động thường xuyên của hệ thống đài hàng năm tại mỗi địa phương cũng không đảm bảo.

Cần những giải pháp đầu tư nâng cấp

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của công tác truyền thanh cơ sở, trong thời gian tới, huyện Trấn Yên tập trung vào một số giải pháp cơ bản như: đảm bảo việc duy tu, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống truyền thanh; tăng cường công tác bảo vệ tài sản hệ thống truyền thanh cơ sở: đường dây dẫn, loa đồng thời tăng mức đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, vật tư thiết bị, hoạt động đài truyền thanh cơ sở.

Việc đẩy mạnh công tác đưa thông tin về cơ sở đã làm tăng thêm hiệu quả và độ phủ sóng cho công tác tuyên truyền đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành. Trước tiên, cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực sự quan tâm và đánh giá đúng vai trò, tác dụng của hệ thống đài truyền thanh cơ sở.

Bên cạnh đó là chú trọng thực hiện công tác xã hội hóa huy động nguồn lực trong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân đầu tư đường truyền dây dẫn, loa đến tất cả các thôn, bản. Như vậy, người dân sẽ được tiếp cận và hưởng thụ thông tin kịp thời đầy đủ đồng thời giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở.

Thanh Tiến

Các tin khác
Sẽ không cho điểm trong đánh giá thường xuyên với học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Sau một năm thí điểm không cho điểm trong đánh giá thường xuyên ở lớp 1, năm học tới, Bộ GD&ĐT dự kiến triển khai với toàn cấp tiểu học để giảm áp lực học hành. Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ sẽ xin ý kiến đóng góp của dư luận trước khi có quy định chính thức.

Ảnh minh họa.

Cơ quan An toàn thực châu Âu vừa phát hiện một hóa chất có tên là acrylamide gây ung thư được tìm thấy trong bim bim, cà phê, khoai tây chiên, bánh mì nướng bị cháy, khoai tây chiên giòn…

Nhận thức của người dân vùng cao vẫn còn rất hạn chế trong việc phân biệt giữa hàng giả và thật.
Ảnh: Người dân đến mua sắm tại chợ Mù Cang Chải.

YBĐT - Không chỉ xuất hiện tại các khu vực thành thị, thời gian qua, các loại hàng giả, hàng kém chất lượng “len lỏi” ngày một nhiều đến các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Là một trong những địa phương thường xuyên nằm trong diện này, để kiểm soát thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Học sinh Trường THPT Văn Chấn - Phân hiệu Nghĩa Tâm biểu diễn tiểu phẩm trong chương trình ngoại khóa về giáo dục dân số, giáo dục sức khỏe vị thành niên, thanh niên.

YBĐT - Mô hình sinh hoạt ngoại khóa về giáo dục dân số-giáo dục sức khỏe vị thành niên (GDDS - GDSKVTN) trong trường trung học cơ sở (THCS), phổ thông trung học (PTTH) trên địa bàn tỉnh là chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện trong giai đoạn từ 2008 đến 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục