Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Tranh cãi và thách thức

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/11/2014 | 1:04:25 PM

Sáng nay, ngày 20/11, Quốc hội thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Là một vấn đề quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Đề án đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công luận với nhiều ý kiến trái chiều và nhiều thách thức được chỉ ra.

Chương trình, sách giáo khoa mới dự kiến áp dụng đại trà từ năm 2018.
Chương trình, sách giáo khoa mới dự kiến áp dụng đại trà từ năm 2018.

Ai sẽ viết sách giáo khoa?

Vấn đề được nhận được nhiều quan tâm nhất của Đề án là việc xã hội hóa viết sách giáo khoa. Theo đó, Bộ sẽ ban hành một chương trình thống nhất và trên cơ sở đó, Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách giáo khoa. Điều này nhằm huy động được nhiều trí thức viết sách, tạo thị trường phong phú cho sách giáo khoa, đáp ứng các yêu cầu khác nhau về tính linh hoạt của sách và tạo cơ hội lựa chọn đa dạng hơn cho giáo viên, học sinh.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ vẫn chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa nhằm đảm bảo sự chủ động khi triển khai chương trình mới.

Điều này khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi của chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách vì cho rằng, các tổ chức, cá nhân khác sẽ khó cạnh tranh với sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mặt khác, xã hội hóa sách giáo khoa cũng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nảy sinh như cơ chế xin-cho giữa cơ quan thẩm định là Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị viết sách, rủi ro tài chính khi viết sách nhưng chưa chắc đã được duyệt, vấn đề chọn sách vì ăn chia hoa hồng thay vì chất lượng thực sự…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần tiêu chí đối với người viết sách và đơn vị đứng ra làm sách vì việc này đòi hỏi những người có chuyên môn tốt.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, Bộ sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách như tập huấn, tạo điều kiện để thử nghiệm… Bộ cũng sẽ ban hành quy định cụ thể về việc chọn sách để tránh các tiêu cực có thể phát sinh.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng thừa nhận vấn đề đội ngũ tác giả viết chương trình, sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu xây dựng chương trình mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh là thách thức hiện nay.

Từ kiến thức khoa học phải gia công sư phạm để đưa vào chương trình, sách giáo khoa và mục tiêu cuối cùng là hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Vì vậy, tác giả phải là người hai “hai trong một”, vừa là nhà khoa học, vừa là nhà sư phạm. Trước yêu cầu giáo dục học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, phát triển tư duy phản biện, tư duy độc lập, năng lực giải quyết vấn đề của cuốc sống thì nhà khoa học lại cần am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau có liên quan, nhà sư phạm phải giỏi về tâm lý học, giáo dục học và phương pháp giảng dạy bộ môn…

“Những người như vậy ở nước ta hiện nay không có nhiều, có thể nói là rất hiếm,” Thứ trưởng Hiển nói.


Giáo viên và học sinh sẽ nhiều lựa chọn khi có đa dang sách giáo khoa.

Muốn viết sách, trước tiên phải có chương trình

Việc nhiều bộ sách giáo khoa gần như là nội dung nóng nhất được nhiều người quan tâm khi bàn đến Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, vấn đề cần quan tâm trước tiên không phải là viết sách mà là xây dựng chương trình bởi chương trình mới là cốt lõi, là bất biến, là cơ sở để viết sách.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam, cho rằng muốn có được sách giáo khoa, phải phân định rõ chương trình, xác định các tiêu chí kiến thức cơ bản tối thiểu cần đạt được đên đâu. Trên cơ sở chuẩn kiến thức tối thiểu đó mới đặt vấn đề thể hiện ở các sách giáo khoa cần biên soạn cho phù hợp.

“Điều quan trọng nhất hiện nay là căn cứ vào đòi hỏi, yêu cầu cao về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như Nghị quyết 29 của Đảng đã nêu ra, Bộ nên tập trung công sức huy động các nhà khoa học làm rõ chương trình cho các lớp, các đối tượng. Một khi chưa làm rõ chương trình thì đừng nói đến chuyện tổ chức biên soạn xuất, bản sách giáo khoa,” giáo sư Nguyễn Ngọc Phú nói.

Theo Đề án, chương trình giáo dục phổ thông mới gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học.

Chương trình tổng thể bao gồm mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình giáo dục của từng cấp học; những phẩm chất và năng lực chung của học sinh; chuẩn về phẩm chất và năng lực chung của học sinh đối với từng cấp học; sơ đồ quan hệ giữa phẩm chất, năng lực chung của học sinh với từng lĩnh vực giáo dục và nội dung các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo…

Chương trình môn học bao gồm vị trí, đặc điểm của môn học; mục tiêu của chương trình môn học; nội dung cốt lõi, chuẩn kết quả của chương trình môn học; đề kiểm tra minh hoạ (cụ thể đến từng cấp, lớp); định hướng về phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo...

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, vấn đề đầu tiên đặt ra là phải xác định hệ thống phẩm chất và năng lực cần phát triển ở học sinh Việt Nam trong giai đoạn tới là những phẩm chất, năng lực gì? Tại sao lại là các phẩm chất và năng lực ấy? Nội hàm của mỗi năng lực, các mức độ của mỗi năng lực ấy đối với từng trình độ, từng lứa tuổi.

Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, mục tiêu môn học với việc hình thành các kỹ năng, năng lực không phải là điều mới mẻ vì chương trình giáo dục nào cũng phải xác định trang bị cho người học những kiến thức gì, hình thành và phát triển ở họ những kĩ năng và thái độ như thế nào. Chẳng hạn, nếu nói về việc hình thành năng lực ngôn ngữ cho người học qua các môn văn, tiếng Việt thì điều này đã được đặt ra khi làm chương trình hiện hành. “Vì thế, tôi muốn cảnh báo để Quốc hội không bị ‘ru ngủ’ về câu chữ”, giáo sư Thuyết nói.

Theo lịch làm việc của Quốc hội, sáng nay, các đại biểu quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Đề án trước khi biểu quyết thông qua vào ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, ngày 28/11.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Thế hệ học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải hôm nay.

YBĐT - Nửa thế kỷ kể từ ngày thành lập, trải qua nhiều khó khăn, gian khó nhưng trong bất kì hoàn cảnh nào, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Mù Cang Chải vẫn vươn lên xứng đáng là một điểm sáng của sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Định hướng nghề nghiệp tốt giúp học sinh chuyên tâm, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Ảnh: Giờ thực hành may của học sinh Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ.

YBĐT - Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái hiện đang quản lý trên 15.000 cán bộ, giáo viên và 169.455 học sinh từ bậc mầm non đến chuyên nghiệp, trong đó, mầm non 187 trường, 1.705 nhóm, 47.290 trẻ; tiểu học 169 trường, 2.994 lớp, 70.837 học sinh; trung học cơ sở 187 trường, 1.465 lớp, 46.343 học sinh; trung học phổ thông 25 trường, 502 lớp, 18.564 học sinh và 4.985 học sinh, sinh viên (HSSV) của các trường chuyên nghiệp.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Bộ trưởng gửi tới các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý và công viên chức ngành giáo dục những lời chúc mừng nồng nhiệt.

YBĐT – Nhân kỷ niệm 32 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2014), ngày 19/11, trường Mầm non Minh Huệ tổ chức đêm Giao lưu văn nghệ với chủ đề “Mừng ngày hội của cô” và tổng kết trao giải Hội thi giáo viên dạy giỏi và thiết kế đồ dùng dạy học, năm học 2014 – 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục