Bảo hiểm tai nạn lao động: Dư quỹ "phình" to, diện bao quát hẹp
- Cập nhật: Thứ năm, 27/11/2014 | 2:11:01 PM
Hiện nay, cả nước có tới 60% là lao động không chính thức, không ký hợp đồng lao động. Thống kê cho thấy, hầu hết trong số đó đều làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn.
|
Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công việc, nhưng nghịch lý là số người tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động còn thấp. Mặt khác, việc giải ngân quỹ bảo hiểm tai nạn lao động cũng hạn chế do chưa bao quát hết được đối tượng.
Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh dự án Luật An toàn vệ sinh lao động đang trình Quốc hội.
- Thưa bộ trưởng, hiện tại đang còn dư 16.000 tỷ từ quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, trong khi mỗi năm có 700 người tử vong vì tai nạn lao động, phải chăng do chi chưa đúng đối tượng nên quỹ còn đọng nhiều?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Không đúng như vậy, chính xác hơn là chúng ta chưa bao quát hết được số lượng người tai nạn. Có nhiều lý do như ông chủ là người khai báo nhưng khi xảy ra tai nạn lại không thông báo cho cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, mức chi bảo hiểm quy định trong nhiều năm thấp và chưa phù hợp nên phải thay đổi mức chi. Có 2 phương án chi được dự thảo luật đề cập: chi cho người bị tai nạn lao động và chi hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện việc phòng ngừa tai nạn. Phương án cuối cùng phụ thuộc vào Quốc hội thảo luận và quyết định.
Cùng với đó, mức chi cũng tăng hơn, như thế quỹ được sử dụng đúng mục đích và thiết thực với khoản đóng góp của người lao động.
- Hiện 60% lao động hiện nay là lao động không chính thức, không ký hợp đồng lao động. Vậy làm sao để người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Từ trước tới nay mình chưa quy định bắt buộc, mà chỉ quy định những người có quan hệ lao động (khoảng 34% lao động) phải tham gia, nên số lượng người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động còn hạn chế.
Nhưng giờ chúng ta mới mở ra, đương nhiên hướng mở ra là tốt, nhưng không quá kỳ vọng trong thời gian đầu sẽ thu hút được nhiều người tham gia vì đây là quy định mới. Ngoài ra , quản lý quỹ cũng không dễ vì Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý quỹ này. Mức đóng, hỗ trợ như vậy thì mức hưởng ra sao…. phải quy định cụ thể.
Trước nhất là phải tuyên truyền để họ hiểu quan trọng nhất là vấn đề bảo vệ sức khỏe không thể đơn giản như hiện nay. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ, tổ chức hướng dẫn, những lĩnh vực nào an toàn tới đâu. Lâu nay chúng ta chưa làm được nhiều.
- Bảo hiểm tai nạn lao động hoàn toàn mới ở Việt Nam nhưng ở các nước thì không còn mới. Thưa Bộ trưởng, chúng ta học hỏi gì từ kinh nghiệm các nước?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Khi tham vấn ở các nước, tỷ lệ có quan hệ lao động tới 80-90%, Luật Bảo hiểm của họ bao phủ gần hết đối tượng lao động; tỷ lệ không có quan hệ lao động rất ít. Ngoài ra, họ cũng có quy định với đối tượng không có quan hệ lao động. Nhưng tất nhiên mỗi nước khác nhau thì điều kiện áp dụng sẽ rất khác nhau.
- Vậy với đối tượng không có quan hệ lao động thì chính sách đóng - hưởng bảo hiểm tai nạn lao động quản lý như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Khi luật An toàn vệ sinh lao động được ban hành sẽ giống như Bảo hiểm y tế, người lao động đóng 1% thì Nhà nước sẽ hỗ trợ một khoản để có quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, và mức chi như thế nào trong quỹ này cũng sẽ được tính toán.
Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật An toàn vệ sinh lao động nên Quốc hội sẽ thảo luận, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ chuẩn bị phương án và hướng triển khai theo phương án được thông qua.
- Liên quan tới thanh tra lao động, nhiều Đại biểu cho rằng nên để thanh tra cấp huyện, nhiều ý kiến lại cho rằng nên để thanh tra ở cấp tỉnh. Quan điểm của Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trong tờ trình của Chính phủ đưa ra phương án nên trao thanh tra chuyên ngành cho huyện, thực chất số doanh nghiệp tập trung nhiều ở cấp quận, huyện. Nếu không có chuyên ngành thì rất khó. Có quận có vài trăm hoặc tới vài ngàn doanh nghiệp, nếu thanh tra mà không có chuyên ngành thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc.
Theo quy định của thanh tra, cơ quan nào đã có thanh tra Nhà nước thì không có thanh tra chuyên ngành cấp huyện. Đấy là điều cũng phải cân nhắc thật. Vì yêu cầu văn bản qui phạm pháp luật cho phép thì là tốt, nhưng nếu các văn bản này không cho phép thì có ý kiến cho rằng thanh tra cấp tỉnh có chuyên môn hơn, có điều kiện hơn và không ảnh hưởng. Đây cũng là một ý. Các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận cân nhắc để chọn phương án tốt nhất.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - "Kết hợp quân dân y"(KHQDY) - Chương trình 12 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, xây dựng, củng cố tiềm lực an ninh - quốc phòng và tình cảm "cá - nước" giữa anh “bộ đội Cụ Hồ” và nhân dân các dân tộc.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương đến ngày 25/11 cho thấy cả 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành đợt 1 chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella với hơn 9,5 triệu trẻ được tiêm an toàn.
YBĐT - Ngày 26/11, tại Trường Cao đẳng Nghề tỉnh Yên Bái Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức khai mạc Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm tỉnh Yên Bái lần thứ I - năm 2014.
YBĐT - Những năm qua, huyện Lục Yên đã tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư, triển khai nhiều mô hình giảm nghèo mang lại hiệu quả. Qua đó, đã tạo thêm việc làm cho người nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.