Chính sách cho thế hệ tương lai vùng cao
- Cập nhật: Thứ ba, 2/12/2014 | 3:00:25 PM
YBĐT - Theo Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND Về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2010 – 2015, các trường tiểu học và THCS đủ điều kiện chuyển đổi xây dựng mô hình trường phổ thông DTBT, trường có học sinh bán trú được đầu tư cơ sở vật chất cho việc ăn, ở, sinh hoạt bảo đảm các điều kiện cho học sinh nội trú; có nhân viên cấp dưỡng; cán bộ, giáo viên, học sinh được hưởng các chính sách của trường phổ thông DTBT.
Niềm vui được đến trường của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học, THCS Khao Mang (Mù Cang Chải).
|
Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ: Học sinh bán trú có chỗ ở trong trường được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu/tháng/học sinh trong 9 tháng học; hỗ trợ tủ thuốc 50 nghìn đồng/năm/học sinh; hỗ trợ dụng cụ thể thao, văn hóa văn nghệ 100 nghìn đồng/năm/học sinh... Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ 15kg gạo/tháng/học sinh theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách khác hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số thuộc diện con hộ nghèo...
Đến thời điểm này chúng ta đã bước sang năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND Về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2010 - 2015 (NQ 22). Những kết quả đạt được trong thực hiện NQ 22 khẳng định một chủ trương đúng đắn, một chính sách thiết thực có ý nghĩa quan trọng không chỉ với sự nghiệp giáo dục vùng cao mà còn là sự quan tâm đặc biệt dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh bắt đầu từ sự học của con em đồng bào.
Trước đây, một phần nguyên nhân khó khăn, yếu kém của giáo dục vùng cao của tỉnh chính bởi những đặc thù của điều kiện tự nhiên, địa hình. Dường như con đường tới trường của các em càng dài thì trở ngại cho sự học càng lớn, chưa kể đến các khó khăn về điều kiện kinh tế, tư tưởng nhận thức của thế hệ đi trước...
Những năm trước đây, công tác tuyên truyền vận động để lay chuyển nhận thức của đồng bào vùng cao cho con em mình tới trường đúng độ tuổi, đi học đủ đều, không bỏ học là mấu chốt. Kiên trì tuyên truyền, vận động “mưa dầm thấm lâu” rồi vấn đề học sinh ra lớp được khai thông. Nhưng mọi sự vẫn chưa ổn, vẫn đầy trăn trở trước cảnh ngày ngày các em trèo đèo lội suối vất vả đi về tới năm, bảy cây số, thậm chí là hơn nữa; ngày nắng đã đành còn ngày mưa, rét, vượt con nước lớn… Bởi vậy mà khó có thể chuyên cần, khó mà đủ sức khỏe, sự kiên trì trên hành trình chinh phục con chữ, để rồi vẫn lại thất học, lại dang dở và những khó khăn phải đối mặt, phải giải quyết vẫn còn.
Thương học sinh và cũng là để nâng cao chất lượng giáo dục, không ít nhà trường đã năng động tạo điều kiện cho các em nhà quá xa, đi lại khó khăn được ở lại trường. Nhà trường cùng phụ huynh dựng nhà tạm, kê phản, đóng giường, rồi sử dụng luôn lớp học để các em có chỗ ăn ngủ qua đêm tại trường. Tan học, các em cùng góp gạo thổi cơm chung, các anh chị lớp lớn giúp các em lớp bé cùng ăn ở sinh hoạt, yêu thương nhau và cùng nhau học tập. Nhà trường, thầy cô lại thêm trách nhiệm cắt cử nhau quản học sinh ngoài giờ lên lớp.
Cuối tuần, các em mới trở về nhà lấy gạo, thực phẩm… Nhờ đó, các em khỏe mạnh hơn, học tập tiến bộ hơn. Nhà trường, thầy cô, các bậc phụ huynh hết sức phấn khởi. Khó khăn đã giải quyết phần nào. Có lẽ hình dung về bức tranh toàn cảnh để rồi đi đến một chính sách về mô hình trường bán trú của tỉnh bắt đầu từ những cung bậc cơ bản là như thế. Và Nghị quyết 22 được tham mưu, xây dựng, ban hành một cách kiên quyết như không thể chậm trễ hơn. Nghị quyết nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các nhà trường và đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi đó là một chính sách vô cùng có ý nghĩa nhằm giải quyết cơ bản những khó khăn của giáo dục vùng cao, cũng là san vơi khó khăn với đồng bào các dân tộc, học sinh dân tộc thiểu số để thuận lợi con đường đến trường.
Nghị quyết được triển khai. Một nguồn lực đáng kể được xác định từ việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ tiền ăn, rồi cho công tác quản lý, chăm sóc, cấp dưỡng… NQ 22 của tỉnh ban hành năm 2009 thì năm 2010 có Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Sau này, năm 2013, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 19/2013/NQ sửa đổi bổ sung NQ 22 mở rộng đối tượng thực hiện. Để rồi từ cả chính sách của tỉnh và Trung ương, giáo dục vùng cao như bước sang một trang mới với loại hình trường bán trú, trường có học sinh bán trú.
Theo báo cáo tổng kết năm học 2013 - 2014 của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh đã xây dựng được 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 43 trường phổ thông dân tộc bán trú (trong đó có 12 trường tiểu học, 16 trường THCS và 15 trường TH&THCS), 55 trường có học sinh bán trú. Con số học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ đã là 12.498 học sinh. Không còn phải đi lại vất vả, ngược lại, các em có nhiều thời gian cho học tập, sinh hoạt, giao lưu, ngoại khóa. Môi trường nội trú cũng giúp các em hòa đồng, mạnh dạn, năng động hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó đặc biệt là thể chất và kỹ năng sống vốn còn yếu kém của học sinh dân tộc vùng cao.
Những con số biết nói về tỷ lệ học sinh khá giỏi, đi học chuyên cần, học sinh nữ người dân tộc thiểu số tăng ở các trường bán trú, các địa phương. Ngược lại, tỷ lệ học sinh yếu, học sinh bỏ học, học sinh phải học lớp ghép… giảm so với trước là những kết quả, là sự thành công của chính sách đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.
Dẫu vẫn còn những khó khăn, bởi số lượng học sinh bán trú tăng nhanh trong khi các điều kiện ăn ở, sinh hoạt nội trú chưa được đầu tư bảo đảm dẫn đến chỗ ở chật chội; tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bệnh tật ở một số trường bán trú vẫn rất cần được quan tâm đầu tư và tiếp tục bổ sung các quy định, chính sách, nguồn lực để giải quyết song những kết quả đạt được vẫn là cơ bản khi chất lượng giáo dục, thể lực, trí lực của học trò vùng cao đã được cải thiện nhiều. Đó chính là nền tảng để chúng ta kỳ vọng vào một thế hệ chủ nhân tương lai trên các bản làng vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Ngọc Tú
Các tin khác
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh mức tăng lương hưu sau quyết định tăng chung 8% cho các đối tượng vì nhiều bất cập bộc lộ. Với mức tăng chung 8%, người có mức lương hưu càng cao thì lương hưu tăng thêm càng lớn, người có lương thấp mức tăng thêm lại thấp…
Trung tâm Phòng, chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên cho biết, tính đến sáng nay (2/12) bão số 4 đã gây thiệt hại gần 90 tỷ đồng tại các địa phương.
YBĐT- Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy - HĐND, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai Đề án “Phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2010 - 2015” nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ trong toàn ngành, tăng cường số lượng, chất lượng cán bộ của hệ thống y tế, đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân ở vùng cao, vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng.
YBĐT - Kết thúc năm học 2013 - 2014, tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi đạt 41,34%, tăng 11,43% so với năm học trước. Đó là kết quả đáng tự hào của thầy và trò Trường THCS Động Quan (Lục Yên) bởi đây là địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, số lượng con em người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trong đó dân tộc Dao trắng chiếm 54%.