Dự kiến có 34 cụm thi kỳ thi THPT quốc gia 2015
- Cập nhật: Thứ năm, 11/12/2014 | 2:26:58 PM
Hôm nay 11/12, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2015 dự kiến có khoảng 34 cụm thi. Hiện, Bộ đã làm việc với các trường đại học dự kiến giao chủ trì cụm thi liên tỉnh, với các Sở GD-ĐT để khảo sát thực trạng về nguồn lực và các điều kiện cho việc tổ chức cụm thi liên tỉnh tại các địa phương này.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, qua khảo sát cho thấy các địa phương, các Sở GD-ĐT và các trường đại học dự kiến chủ trì cụm thi đều nhất trí cao, thể hiện quyết tâm tổ chức tốt kỳ thi nếu được Bộ GD-ĐT giao. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ sớm quyết định việc thành lập các cụm thi.
Riêng các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh xét công nhận tốt nghiệp THPT và dùng kết quả học tập để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh do các trường đại học chủ trì.
Về công nhận tốt nghiệp THPT, các Sở GD-ĐT có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh dự thi. Kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi với điểm học tập trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp.
Về tuyển sinh ĐH,CĐ, đại đa số các trường ĐH,CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Hiện có 428 trường đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng gửi thông tin tuyển sinh và đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ GD-ĐT thì tất cả trường này đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, trong đó có 235 trường chỉ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển còn lại là các trường vừa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa sử dụng kết quả học tập ở THPT. Đặc biệt, ĐH Quốc gia TPHCM, các đại học vùng, các trường đại học trọng điểm, khối trường Y - Dược, Công an, Quân đội đều sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Sau khi có kết quả thi, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân, đảm bảo những học sinh đạt kết quả thi cao sẽ được lợi thế khi xét tuyển và hạn chế những trường hợp các thí sinh có điểm thi cao vẫn trượt đại học, hạn chế hiện tượng thí sinh ảo.
Bộ GD-ĐT sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị dữ liệu của kỳ thi, nhất là khâu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, hiện Bộ GD-ĐT cùng với Bộ Tài chính đang đi đến các bước hoàn thiện Thông tư quy định về công tác thu, chi tài chính phục vụ kỳ thi. Công tác tài chính được xây dựng trên cơ sở cơ bản giữ ổn định mức thu đối với thí sinh, đồng thời tạo điều kiện thuận để các cụm thi cân đối được kinh phí cho việc tổ chức thi.
Việc xây dựng quy chế thi, phần mềm quản lý thi đang được xây dựng nhằm hỗ trợ các khâu trong quá trình tổ chức thi. Phần mềm sẽ sớm được hoàn thiện, chạy thử để đưa vào sử dụng trong tháng 2/2015.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
YBĐT - Tuy không phải là huyện vùng cao nhưng Yên Bình cũng gặp nhiều khó khăn trong bố trí mặt bằng xây dựng, mở rộng trường, lớp học, nhất là ở các xã vùng đông hồ Thác Bà, dọc quốc lộ 70...
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
YBĐT - Tính đến hết tháng 10 năm 2014, toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo nghề cho 12.640/13.920 người, đạt 90,8% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng nghề 869 người, trình độ trung cấp nghề 1.385 người, trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 10.386 người.
YBĐT - Cũng thời gian này, cách đây 3 năm, lên các thôn, bản, các xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, bà con tất bật mua sắm, dọn dẹp nhà cửa để ăn tết theo phong tục của người Mông kéo dài gần cả tháng (trước tết Nguyên đán 1 tháng), gây nhiều tốn kém, lãng phí thời gian và tiền của. Nhưng 2 năm trở lại đây, thực hiện kế hoạch, chủ trương của tỉnh về vận động đồng bào Mông ăn chung một tết vào dịp tết Nguyên đán, cũng thời điểm này, lại là không khí lao động, sản xuất đúng thời vụ của bà con các khắp thôn, bản.