Về nơi ra đời Đội du kích Âu Cơ
- Cập nhật: Thứ năm, 11/12/2014 | 2:50:54 PM
YBĐT - Về Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) là về với mẹ Âu Cơ. Tôi hòa vào dòng người bất tận về với nguồn cội, thắp nén hương thơm bày tỏ lòng thành kính với tổ Mẫu - Người sinh ra dòng dõi Tiên - Rồng, có công lao “khơi sông Thao, bồi núi Nả, xây đắp nên non vàng, bể Bắc như hoa thêu, như gấm dệt” và cũng là để được tận mắt chiêm ngưỡng vùng đất sinh ra từ huyền thoại Âu Cơ. Về đây, tôi lại miên man nghĩ đến Chiến khu Vần - Hiền Lương và cả những người ở Đội du kích Âu Cơ.
Đền Mẫu Âu Cơ thu hút hàng vạn du khách mỗi năm tới tham quan, chiêm bái. (Ảnh: Văn Thông)
|
Có phải từ hình sông, thế núi và lòng dân nơi đây, ngay từ năm 1944, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt về đây khảo sát và xây dựng khu căn cứ cách mạng bao gồm một vùng rộng lớn từ Hiền Lương đến làng Vần thuộc xã Việt Hồng (Yên Bái), chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Đồng chí Ngô Minh Loan cùng một số đồng chí khác được giao trọng trách trực tiếp chỉ đạo xây dựng Khu căn cứ cách mạng Vần - Hiền Lương. Đội du kích mang tên Âu Cơ nhanh chóng ra đời, họ đều là con em Hiền Lương và các xã lân cận.
Ngày 14/5/1945, Đội ra mắt nhân dân với 33 chiến sỹ đầu tiên ở sân chùa Linh Phúc, tọa trên một ngọn đồi cách đền thờ Mẫu hơn một trăm mét. Lịch sử thường có những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, đầy ý nghĩa. Một lần ông Lê Đức Viện - Đội viên Đội du kích Âu Cơ, người ở mũi chủ công trong trận đầu tiên, phục kích đánh địch ở ngòi Vần ngày 27/6/1945 nói rằng, trước giờ xuất quân, ông đã vào đền xin Người phù hộ cho trận đánh đầu tiên toàn thắng và cho Đội mang tên Mẫu trở thành lực lượng vũ trang hùng mạnh, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Truyền thống lịch sử, cách mạng là cực kỳ quí báu, nếu biết trân trọng và khai thác, nó sẽ trở thành nguồn nội lực cho sự phát triển. Hiền Lương có cánh đồng đẹp nhất huyện nhưng diện tích chỉ có trên 150 héc-ta, cộng với những cánh đồng khác, xã cũng chỉ có 260 héc-ta ruộng. Ruộng đất đã quay vòng hai vụ chiêm, mùa, rồi cả vụ đông, đưa kỹ thuật mới vào canh tác nhưng bình quân lương thực cũng chỉ đạt 380kg một đầu người.
Dẫn giải một cách cặn kẽ về đồng ruộng những điều mà tôi cho rằng là lợi thế lớn nhất của Hiền Lương, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đình Thịnh cười: “Hiền Lương là nông thôn nên cái bụng phải no đã. Đảng bộ xác định, đồng ruộng phải tiếp tục thâm canh, phải giữ lấy ruộng để bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng về tư duy phải xác định không thể làm giàu từ cây lúa được, phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn xã, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngay trong nông nghiệp”.
Từ tư duy mới, Đảng bộ với 154 đảng viên giơ tay biểu quyết và chịu trách nhiệm trước dân chuyển toàn bộ diện tích ruộng trũng có năng suất lúa thấp sang nuôi trồng thủy sản. Đây được coi là một quyết định táo bạo bởi ruộng đất ở đây không nhiều. Tuy còn mới mẻ nhưng mỗi năm đã có 150 tấn cá, giá trị làm ra trên một đơn vị diện tích gấp nhiều lần trồng lúa. Kết quả trên còn rất khiêm tốn nhưng đó là kết quả của một quá trình đổi mới rất đáng trân trọng. Cách đây chưa xa, Hiền Lương còn được xếp vào danh sách xã miền núi, thuần nông còn có nhiều khó khăn. Như thế là điểm xuất phát của Hiền Lương vào loại thấp, thế mà bây giờ đã trở thành vùng nông thôn có diện mạo mới rất sáng sủa, chất lượng sống của người dân không thua kém thành thị bao nhiêu.
Tôi suy nghĩ mãi về một quyết định thể hiện rõ trong nghị quyết của Đảng bộ xã là chuyển mạnh nền kinh tế địa phương theo hướng phát triển toàn diện, phát triển nhanh thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp, trong đó, thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 47%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 17%. Thế có nghĩa, kinh tế của Hiền Lương xoay chuyển 1800, từ thuần nông sang 65% là thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp. Hiền Lương đang tôn tạo Ao Trời - Suối Tiên, tạo thành tua du lịch văn hóa tâm linh và thiên nhiên hấp dẫn: Đình Hiền Lương - Đền Mẫu Âu Cơ - chùa Linh Phúc - Ao Trời - Suối Tiên. Tuy chưa hoàn thiện nhưng quanh năm hết đoàn này đến đoàn khác tụ hội về nguồn, về nơi có cảnh quan tuyệt tác.
Quả thật, lúc đầu nghe nói mục tiêu trước mắt ở đây phải đạt 65% tỷ trọng kinh tế là thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp, tôi có cảm giác hình như có cái gì đó hơi “bốc” chăng. Nhưng đi thực tế mới thấy quyết định ấy là hoàn toàn có cơ sở. Tôi tìm gặp bằng được “doanh nhân làng” như để minh chứng cho đất, nước, con người ở đây có đủ ý chí và nghị lực biến những dự định táo bạo của mình thành hiện thực, đó là Lê Huy Kiên.
Hiền Lương hôm nay ngày một đổi thay, phát triển. (Ảnh: Văn Thông)
Đất Hiền Lương không rộng, gói gọn trong diện tích 710 héc-ta nên chỉ một loáng tìm thấy cơ sở sản xuất kinh doanh của Lê Huy Kiên ở ngay bên bờ con ngòi rộng từ làng Vần thuộc xã Việt Hồng (Yên Bái) chảy ra. Anh rất khác với một giám đốc doanh nghiệp mà tôi vẫn cứ mường tượng là bụng to, trán hói, ăn nói khác thường. Ngược lại, anh có dáng vóc nhỏ nhắn, tinh khôn, nói năng rất sắc sảo. Anh đang quản lý, điều hành một “doanh nghiệp” có vốn liếng và tài sản giá trị hàng tỷ, tỷ đồng như người ta nói tôi chưa có điều kiện kiểm chứng nhưng rõ ràng doanh nghiệp của anh có tới vài chục công nhân, dăm bảy cái ô tô vận tải chuyển nguyên vật liệu về và chuyển sản phẩm đi cứ như mắc cửi. Một doanh nghiệp làng như thế thật đáng nể!
Chuyển trục kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp, không thể không nói đến cái chợ. Chợ Hiền Lương nổi tiếng từ lâu như một trung tâm mua bán của cả một vùng, nay xã có ý tưởng xây dựng đây thành chợ đầu mối của vùng rộng lớn giáp ranh của hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ. Hàng hóa phong phú, thứ gì cũng có từ nông - lâm - thủy sản đến hàng cao cấp. Riêng mặt hàng thủy sản tươi sống tự dưng biến mất có đến hàng chục năm, nay lại xuất hiện trở lại phong phú hơn nhiều. Những con cá to béo cũng như tôm, cua lội ve vẩy trong những chiếc thùng tôn đầy nước có bơm ô xy sủi tăm đều đều.
Người bán nào cũng mời chào là cá quê, cá sông, cá đầm, cá từ những chân ruộng chiêm trũng ven đầm mới được chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Rất có thể những lời mời chào là chân thật, hơn 150 tấn cá mỗi năm từ nghị quyết của Đảng bộ xã về chuyển dịch cây trồng vật nuôi. Đập thủy lợi được xây dựng ngay gần gò Cây Vải nơi đã diễn ra trận phục kích đầu tiên của Đội du kích Âu Cơ, đập tan mũi tiến quân của phát xít Nhật từ bến đò Vân Hội ra căn cứ cách mạng Hiền Lương, bắn chìm nhiều thuyền, tiêu diệt nhiều sỹ quan địch, trước cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Máu giặc loang đỏ nước ngòi. Nay đứng trên thân đập có thể nhìn thấy mặt hồ Vân Hội mênh mông sóng nước. Nơi đây vừa cung cấp nước cho cánh đồng mấy xã vùng hạ lưu vừa là nguồn cá vô tận của vùng Vân Hội và Hiền Lương. Nơi đây cũng là điểm hẹn của một vùng du lịch sinh thái gắn liền với Di tích văn hóa lịch sử đền Mẫu Âu Cơ bởi đầm Vân Hội là hợp lưu của ba con ngòi: ngòi Vần, ngòi Hạ, ngòi Long Ẩn (nơi rồng ẩn) làm cho huyền thoại Rồng - Tiên ẩn chứa thêm nhiều điều huyền bí.
Giữa mênh mông hoang sơ và hạn hẹp người Hiền Lương, những cán bộ, đảng viên giàu trí tuệ và cả đôi chút lãng mạn đã tìm thấy những lợi thế để bứt phá đi lên. Cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội cũng vất vả và đau đớn nhưng đầy hạnh phúc cũng giống như người phụ nữ thai nghén đến ngày sinh nở. Một xã có 750 hộ dân sống bằng nghề nông từ đời nọ kế tiếp đời kia mà nay đã có gần 600 gia đình chuyển sang kinh doanh thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp, tổng giá trị sản xuất kinh doanh tính theo đầu người đạt 27 triệu đồng một năm. Một vùng nông thôn được xếp là miền núi, còn nhiều khó khăn mà đã có 65% gia đình có nhà xây cao tầng, có cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn, nhà nghỉ sang trọng. Một xã không còn nhà tạm. Một xã nông thôn mà không ít nhà chơi cả tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, máy giặt và nhiều tiện nghi hiện đại.
Buổi chiều hôm ấy, trước khi trở về thành phố Yên Bái, tôi đến trước cổng đền vái vọng Tổ Mẫu Âu Cơ. Ngọn gió mát lành từ đầm Phì dưới chân núi Giác đẹp như một án thư vẫn thổi qua cánh đồng xanh mượt, dải lụa đào trên ngọn đa buông xuống trao nghiêng, bay lượn; phía sau, núi Nả vẫn trắng mây bay. Tôi đem theo niềm vui và cả những nỗi lo toan của những người có trọng trách ở đây là làm sao để Hiền Lương có những bước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, để Hiền Lương không chỉ giàu mà còn phải đẹp. Nghe vậy, biết vậy, nhưng tôi vẫn cứ tin Hiền Lương sẽ có những bứt phá mới rất ngoạn mục vì ở đây có lớp lãnh đạo có tri thức, có những đảng viên dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, có người dân giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và Hiền Lương còn được cả tiền nhân phù trợ.
Hải Đường
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Văn Chấn bằng những chương trình hành động cụ thể đã xây dựng vững chắc khối đoàn kết các dân tộc thông qua cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Ngày vì người nghèo", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Hôm nay 11/12, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2015 dự kiến có khoảng 34 cụm thi. Hiện, Bộ đã làm việc với các trường đại học dự kiến giao chủ trì cụm thi liên tỉnh, với các Sở GD-ĐT để khảo sát thực trạng về nguồn lực và các điều kiện cho việc tổ chức cụm thi liên tỉnh tại các địa phương này.
YBĐT - Tuy không phải là huyện vùng cao nhưng Yên Bình cũng gặp nhiều khó khăn trong bố trí mặt bằng xây dựng, mở rộng trường, lớp học, nhất là ở các xã vùng đông hồ Thác Bà, dọc quốc lộ 70...
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km.