Cảm xúc từ một bài báo

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/12/2014 | 1:00:07 PM

YBĐT - Cầm trên tay tờ báo không phải bằng sự hờ hững, điểm tin, lướt mục như đôi lúc vẫn thảng hoặc xuất hiện, tôi dành sự chú tâm cho từng con chữ trải đều trên trang báo. Hôm ấy, trời bắt đầu se se, thời tiết chưa đủ để gọi rét nhưng không phải phóng khoáng nắng ấm để có thể phong phanh.

Có lẽ thế nên khi được đọc “Đằng Trà” trên đỉnh Suối Giàng” trên Báo Yên Báo, số 3647, của  tác giả Hiền Lương với khung mùa thời gian ấy càng làm đằm tâm trạng, khiến tôi cứ ngất ngây tận hưởng như người ở trong hương vị của trà tuyết thơm trong mùi mây núi. Một bài ghi chép thật hay và bản sắc mà lâu rồi tôi mới có cơ hội được cảm nhận.

Dung lượng súc tích và bố cục thật lôgic, chữ nối chữ, từ gọi từ, đoạn khớp đoạn thật sự làm cho sản vật của quê hương hiện lên trong suy nghĩ người đọc vô cùng rõ rệt, có sức lan thấm và truyền cảm. Là một độc giả, tôi không dám mạo bàn về văn phong của một cây bút dày dạn trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhưng quả thực nếu ai lắng lòng đọc nó, tôi nghĩ mỗi cá nhân sẽ thêm một lần được bồi bổ về điều mình cứ tưởng đã biết - chè Suối Giàng.

Từ những so sánh để phân biệt giữa chè Shan với chè Shan tuyết để giới thiệu “khổ chủ” Giàng A Đằng và địa chỉ Suối Giàng cũng như vị trí của nó “là một trong 6 cây chè thủy tổ của loài chè trên thế giới” và thậm chí đã trao được biệt danh cho nó: chè 5 “cực”: cực khổ, cực sạch, cực hiếm, cực ngon, cực đắt. Song, có lẽ với cá nhân, đọng lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi chính là lời giới thiệu về quy trình chế biến chè Shan tuyết và cách pha trà.

“Muốn có chè Shan tuyết đạt tiêu chuẩn chất lượng thì chè hái về phải chọn kỹ lấy những búp chè không bị sâu, không quá già, sau đó mới sao trong chảo gang. Củi dùng sao chè phải thật khô, cháy đượm. Lửa sao phải giữ liu riu thật đều. Người sao phải luôn hơ tay trần trên chảo để biết “cữ” nóng của lửa sao mà điều chỉnh cho phù hợp. Sao rồi phải vò chè bằng tay thật khéo, sao cho chè không bị vữa nát, không làm rơi mất lớp tuyết trắng bám ở búp. Những búp chè sao xong, săn lại bằng hạt đỗ, phủ phấn tuyết trắng mới là chè đạt tiêu chuẩn”.

Những dòng ghi chép thật giản dị nhưng từng thao tác của nó được thuật lại đã đưa tôi trở về với tuổi thơ của hơn 30 năm trước. Tôi rất xúc động và đã thầm cảm ơn tác giả Hiền Lương biết mấy khi đã cho tôi “một vé về lại tuổi thơ”. Thời ấy chưa có điện,  trong căn bếp thắp đèn dầu và bập bùng sáng từ lò bếp củi, tôi nằm cuộn tròn trên đống củi cành để nhìn mẹ, đợi mẹ sao cho xong những mẻ chè từ lúc chập tối cho đến đêm khuya.

Bàn tay mẹ cũng cứ thoăn thoắt trên những búp chè của chảo gang để “cháy” cùng những búp non xanh từ lúc còn tươi, đến khi từng ngọn chè duỗi ra, dẻo quyện và săn thành từng hạt đều tăm tắp, phưng phức mùi thơm. Đó không phải là chè Shan của núi, chỉ là chè đồi vườn nhà nhưng những thao tác mà nhà báo Hiền Lương mô tả là cách làm chè truyền thống đã bao đời nay của người Việt. Ngày nay, công nghệ sản xuất với những hệ thống dây chuyền khiến chúng ta dường như hiếm còn được nhìn thấy một quy trình chế biến thuần nông nguyên thủy ấy nữa. Song, ở Suối Giàng (Văn Chấn) để có được thành phẩm với “chén trà sóng sánh như mật ong, dư vị ngọt đượm” khiến người thưởng thức như được tan chảy, hòa vào mây núi đại ngàn thì đồng bào dân tộc Mông vẫn giữ cách chế biến chè thủ công như thế.

Còn cách pha trà, đọc những dòng chữ ấy nếu không để ý nó được đăng trên tờ báo địa phương và gắn tên tác giả, tôi có cảm giác mình đang được thưởng thức cách viết trong những dòng cảm xúc tiếp nối của nhà văn Nguyễn Tuân khi bàn về trà đạo, về “chén trà sương”. Để có được chén chè tinh túy, mang được cả tâm hồn của mảnh đất xứ Suối Giàng, đượm hương vị đậm đà của Shan tuyết thì “phải dùng nước nguồn trên núi chảy về… Nước sôi già, tráng qua 1 lượt để cánh chè giãn ra, loại bỏ chút bụi còn vương lại, sau đó chế nước sôi đầy ấm đến mức bọt trào ra ngoài rồi mới đạy nắp chờ vài phút. Ấm pha trà chọn loại sứ nung già lửa thì nước chè sẽ có hương thơm đúng vị”.

Có lẽ do đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng và phẩm chất sinh học của giống chè nên cũng là một trong những danh chè đất Việt nhưng chè Tân Cương - Thái Nguyên chỉ dùng nước ở độ sôi từ 90 – 950C thì mới đúng điệu pha, cho ra chén trà đúng vị, còn nếu dùng nước sôi sùng sục sẽ làm chè “cháy”, dễ bị chát khét. Nếu chén trà của Shan tuyết Suối Giàng có đặc trưng màu vàng óng, sóng sánh như mật ong, vị chan chát, ngọt dịu nơi đầu lưỡi và thực sự hấp dẫn từ mùi hương quyến rũ mà hơi khói của chén trà tỏa ra như lớp mây mờ, sương tan mỏng của độ cao 1.400m so với mực nước biển thì chén trà của Tân Cương cũng có hương thơm dịu nhẹ, vị chát dịu nhưng đặc trưng màu nước là xanh trong, đậm đà sắc cốm.

Thế mới biết đặc trưng “sản vật” từng miền. Nhưng, dường như trên thị trường, loại trà Shan tuyết Suối Giàng từ giống cây chè như huyền thoại đến khâu trồng, cách pha chế rất gần với phong điệu thưởng thức của các bậc “tiên trà” ấy lại còn quá khiêm nhường trong khâu maketting. Sự chiếm lĩnh của nó trên thị trường chưa xứng với phẩm chất tinh túy của loại chè Shan đó. Tuy nhiên, nói đến lĩnh vực ấy là tổng hợp của nhiều khâu mà cảm xúc của cá nhân tôi khi được đọc và trải lòng với bài viết này chưa đủ tầm bàn đến hoặc bàn đến cũng sẽ lại đi lạc sang cảm xúc khác.

Tôi chỉ mong, sẽ có thêm nhiều “Giàng A Đằng” nữa trong nỗi trăn trở tìm mọi phương cách tích cực nhất để gìn giữ giống chè tổ tiên quý giá, nhiều “Giàng A Đằng” nữa biết xót xa trước tình trạng đào tận gốc để bán cây chè cổ thụ vì món lời trước mắt mà làm giảm mất diện tích trồng của giống chè quý và có nhiều mô hình “Giàng A Đằng” hơn nữa trong trồng, chế biến chè … Và cũng cần lắm những nội dung bài viết như của tác giả Hiền Lương. Với tôi, nó vừa là một thể kí đẹp đem đến cho người đọc giàu có thêm hiểu biết và niềm tự hào về nông sản của quê hương; đồng thời cũng là một hình thức quảng cáo cho thị trường chè đầy hiệu quả với dư vị ngọt ngào, lan tỏa.

Lưu Khánh Linh (Trường THPT Đồng Tâm, Yên Bái)

Các tin khác

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, tại các tỉnh phía bắc, một đợt không khí lạnh nữa vừa bổ sung xuống, nên ngày hôm nay (25-12), sáng sớm sương mù nhẹ xuất hiện rải rác, đến trưa chiều trời hửng nắng hanh và nhiệt độ tăng lên mức 16-19 oC. Ở khu vực đồng bằng và trung du, trời rét đậm.

Lãnh đạo xã Xà Hồ tuyên truyền vận động bà con cách phòng chống rét cho gia súc.

YBĐT - Dọc con đường về với bản Cu Vai, xã Xà Hồ, không còn véo von tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt gọi bạn tình mà là cảnh nhà nhà đang lo lợp lại mái Phibrôximăng, hay che chắn những tấm ván để đưa trâu, bò về tránh rét.

YBĐT - Vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Văn Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Mua bán người" xảy ra ngày 20/11/2014 tại xã Nà Hẩu, đồng thời, khởi tố bị can Hầu Seo Sùng sinh năm 1972, Hầu Seo Páo sinh năm 1993 và Thào A Sì sinh năm 1974 trú tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai về tội "Mua bán người".

Nhà ga mới T2 Nội Bài.

Bắt đầu từ hôm nay (25/12), Vietnam Airlines sẽ là hãng hàng không đầu tiên khai thác nhà ga mới T2 Nội Bài, với chuyến bay VN661 khởi hành lúc 10h45 từ Hà Nội đi Singapore. Từ ngày 31/12/2014, tất cả các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines đi, đến sân bay quốc tế Nội Bài sẽ chính thức khai thác tại nhà ga mới T2.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục