Vốn cho xóa đói giảm nghèo còn khó khăn
- Cập nhật: Thứ bảy, 14/3/2015 | 7:29:54 AM
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết vốn ngân sách bố trí chưa đáp ứng được yêu cầu nên khó có giải pháp đột phá phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chiều 13/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và một số vấn đề xã hội của các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, an toàn khu và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu Quốc hội đặt ra những băn khoăn về việc bố trí vốn cho Chương trình 135 còn chậm, làm ảnh hưởng tới việc nâng cao đời sống của bà con cũng như kết quả hoàn thành chương trình trong giai đoạn 2011- 2015. Ngoài ra, nhiều chương trình hỗ trợ vùng miền núi, dân tộc còn chồng chéo dẫn đến phân tán nguồn lực và hiệu quả đầu tư.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết nguồn vốn giao cho Chương trình 135 chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ. Nhiều hạng mục công trình phục vụ phát triển hạ tầng, sản xuất bị cắt giảm do những khó khăn chung của nền kinh tế và ngân sách Nhà nước trong những năm trước đây.
Ngoài ra, việc giao đất sản xuất cho nhân dân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng nhiều địa phương không bố trí được đất để giao. Theo ông Giàng Seo Phử cần có cách làm khác, chẳng hạn chỉ cần giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND địa phương phê duyệt nguồn vốn, tránh nhiều cấp phê duyệt để tập trung nguồn lực làm dứt điểm các công trình thiết yếu trên địa bàn, tránh chồng chéo, không hiệu quả như hiện nay.
Giải trình thêm trước Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc vùng cao là rất lớn.
Tuy nhiên, việc đầu tư chưa đủ, chưa toàn diện có nguyên nhân từ cân đối nguồn lực. Giai đoạn 2011- 2015, tổng nguồn vốn bố trí cho Chương trình 135 là 15.131 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là trên 15.000 tỷ đồng. Tính cả viện trợ của nước ngoài thì nguồn vốn này là 16.721 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn trái phiếu Chính phủ để kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cũng phải dành thêm vài nghìn tỷ đồng nữa.
Từ năm 2013, bên cạnh Chương trình 135, các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn được nhận thêm các hỗ trợ khác như hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a mà 70% dân số là thuộc vùng dân tộc thiểu số, chưa kể vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Do vậy, bình quân mỗi xã nhận được 4 tỷ đồng/năm từ các chương trình.
Trước đây, có quy định 1 xã vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhận 1 tỷ đồng để phát triển hạ tầng và 300 triệu đồng để phát triển sản xuất. Từ năm 2014- 2015 là 1,5 tỷ đồng để phát triển hạ tầng và 450 triệu đồng phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, khi xây dựng dự toán 2014-2015 thì dự toán thu khó khăn và nguồn vốn dành cho đầu tư giảm hoặc chỉ tăng với mức độ thấp. Vì vậy, Thủ tướng có Chỉ thị tạm thời không ban hành thêm chính sách mới. Do đó, các bộ, ngành vẫn giữ các chính sách như từ 2013 trở về trước. Đối với việc giao chậm vốn có nguyên nhân là năm 2011 khi Chương trình 135 giai đoạn 3 chưa được phê duyệt nên đầu năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có căn cứ giao kế hoạch.
Trả lời băn khoăn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) về việc di dân tự do đang ảnh hưởng tới đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết phải giải quyết vấn đề từ gốc, nghĩa là đầu tư mạnh cho các tỉnh có người dân di cư để giữ người dân ở lại nguyên quán.
Đối với việc giải quyết những khó khăn trong phòng, chống ma túy ở vùng dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Giàng Seo Phử nhấn mạnh tinh thần là vừa hỗ trợ sản xuất, hạ tầng cho đồng bào, vừa kiên quyết phòng chống ma túy.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
YBĐT - Sáng 12/3, Thành đoàn Yên Bái tổ chức Hội thi “Bí thư chi đoàn cơ sở giỏi” năm 2015. Tham gia có 15 thí sinh là các bí thư chi đoàn cơ sở xã, phường, trường học trực thuộc Thành đoàn. Các thí sinh trải qua 3 phần thi theo hình thức sân khấu hóa, bao gồm: phần chào hỏi, thi năng khiếu và thi nghiệp vụ ứng xử.
YBĐT - Theo Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái, trong số 1.034 cơ sở được kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo đo lường phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi có 155 cơ sở vi phạm, chiếm 14,99% tổng số cơ sở được kiểm tra; 247 cơ sở (bằng 23,8%) bị nhắc nhở, cảnh cáo; 38 cơ sở có hàng hóa tịch thu và tiêu hủy.
YBĐT - Ngày 13/3, Sở Tư Pháp - Hội Luật gia tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với sự tham gia của cán bộ lãnh đạo: Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức các ngành nói trên.
YBĐT - Năm 2015, Trấn Yên đề ra mục tiêu giảm sinh 0,2%0; giảm sinh con thứ 3 trở lên 6,0%; 3 xã không có người sinh con thứ 3 trở lên...