Bệnh lao cần được phát hiện và điều trị sớm
- Cập nhật: Thứ ba, 24/3/2015 | 2:28:53 PM
YBĐT - Năm 2014, hoạt động Chương trình chống lao quốc gia ở tỉnh Yên Bái tiếp tục được duy trì và phát huy tốt kết quả đã đạt được của giai đoạn trước, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra, duy trì mở rộng chương trình hóa trị liệu ngắn ngày với quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS), đối phó với vấn đề lao - HIV và kháng thuốc lao.
Cán bộ y, bác sỹ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân điều trị bệnh lao.
|
Bác sỹ Vũ Anh Trường - Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Yên Bái cho biết: "Lao phổi là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Vi khuẩn lao có trong đờm, nước bọt của người bệnh. Khi ho, hắt hơi, nói chuyện... người bệnh làm bắn những giọt đờm hay nước bọt có chứa vi khuẩn lao bay lơ lửng trong không khí hoặc do người bệnh khạc nhổ bừa bãi, dễ làm người chung quanh hít phải vi khuẩn lao vào phổi. Cũng có thể do ăn uống chung chén, bát, thìa, đũa... với người bệnh mà bị nhiễm lao". Bên cạnh đó, vi khuẩn lao đôi khi tiềm ẩn trong cơ thể nhưng chưa đủ sức gây thành bệnh mà chờ đến lúc cơ thể suy yếu do bệnh tật làm giảm sức đề kháng hoặc do làm việc cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, môi trường sống nghèo nàn... thì vi khuẩn lao sẽ sinh sôi nảy nở và nhanh chóng gây bệnh. Triệu chứng chính của bệnh lao thường là mệt nhọc, biếng ăn, sút cân, ra mồ hôi nhiều về đêm, ho khạc, đau tức ngực, sốt nhẹ về chiều kéo dài trên hai tuần, uống thuốc kháng sinh thông thường mà không khỏi, ho ra máu... Những triệu chứng này có thể xuất hiện riêng lẻ chứ không nhất thiết cùng một lúc. Hiện nay, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm đúng và đủ. Khi phát hiện bệnh lao, bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ đúng chỉ định của bác sỹ đang điều trị cho mình".
Tại Yên Bái, những năm gần đây, số người bị bệnh lao đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2002, số lượng bệnh nhân bị bệnh lao là 1.058 người thì hết năm 2014, trong tổng số bệnh nhân khám lao là 9.652 bệnh nhân thì chỉ 335 bệnh nhân mắc bệnh lao, trong đó bệnh nhân lao phổi AFP (+) là 187 người (tức là lao phổi khi xét nghiệm tìm thấy vi khuẩn lao trong đờm, loại vi khuẩn này là nguồn lây chính trong cộng đồng và có mức độ gây nguy hiểm cao). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh thì số người mắc bệnh lao tăng hơn năm 2013 (năm 2013 là 311 bệnh nhân). Bình quân hàng ngày tại bệnh viện luôn có từ 15 đến 20 bệnh nhân lao điều trị - những trường hợp bệnh tình khá nặng. Đây mới chỉ là những con số đến khám và điều trị tại bệnh viện thống kê được, trên thực tế vẫn còn các bệnh nhân lao nhưng không điều trị tại bệnh viện mà đến các cơ sở y tế khác hoặc chuyển tuyến trên.
Thực trạng bệnh lao tại Yên Bái những năm gần đây đã giảm đáng kể. Để có được kết quả như vậy, công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, các chương trình phòng chống lao quốc gia về chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là có sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế tỉnh đã triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh lao trên diện rộng với nhiều hình thức hướng về cơ sở, tổ chức các cuộc mít tinh, hội thảo, tọa đàm, tư vấn trực tiếp tại các hộ gia đình, đăng tải các nội dung phòng chống bệnh lao trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa, đài truyền thanh ở xã, phường, thị trấn và đẩy mạnh các hoạt động trọng tâm, trọng điểm trong tuần lễ về Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 hàng năm từ tỉnh đến cơ sở...
Theo các bác sỹ chuyên khoa tại Bệnh viện, lao là căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là những biến chứng đi kèm với HIV/AIDS, đái tháo đường... sẽ khiến bệnh càng trở nên trầm trọng. Nếu không được chữa trị kịp thời, đến khi bệnh nặng thì nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, muốn phòng chống bệnh lao cho cộng đồng, trước tiên chúng ta phải giảm được nguồn lây lao. Nguồn lây lao quan trọng nhất là người lao phổi có trực khuẩn lao phát hiện được trong đờm bằng phương pháp soi trực tiếp. Do vậy, muốn công tác phòng chống lao trong cộng đồng đạt hiệu quả thì phải phát hiện tối đa người lao phổi; cần tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm; có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, phù hợp với sức khỏe, điều kiện dinh dưỡng tốt, môi trường sống trong lành, sạch sẽ, nhà cửa thoáng đãng, đầy đủ ánh sáng; giáo dục cho người lao phổi khạc nhổ đúng chỗ vào bô, lọ có sát trùng và biết cách phòng bệnh cho cả người xung quanh; các ngành chức năng và các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền về bệnh lao đến nhân dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao. Nếu bị ho trên 3 ngày, người bệnh cần chủ động đi khám, xét nghiệm đờm và chụp phổi để giúp chuẩn đoán nhanh, kịp thời, nâng cao hoạt động điều trị đồng thời giảm tải cho bệnh viện tuyến trên…
Trần Ngọc
Các tin khác
Ngày 24-3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) phối hợp tổ chức Hội thảo “Dạy học với di sản phi vật thể vì một tương lai bền vững”.
YBĐT - Năm 2015 là năm giữa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XIII và nghị quyết đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng…
YBĐT - Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Đảng và Bác Hồ đã chủ trương “vũ trang cho công nông”. Ngày 28/3/1935, Đảng ta đã có nghị quyết về đội tự vệ. Ngay sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các đội tự vệ công nông, mang tính chất là những tổ vũ trang quần chúng lần lượt ra đời, đây chính là những cơ sở đầu tiên của lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân.
Chiều 23/3, thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc sáp nhập Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC vào Đài Tiếng nói Việt Nam đang được khẩn trương tiến hành.