Hãy làm chủ bữa ăn của gia đình bạn!
- Cập nhật: Thứ ba, 12/5/2015 | 8:11:18 AM
YênBái - YBĐT - Thống kê chưa đầy đủ của Cục An toàn thực phẩm (ATTP)-Bộ Y tế, năm 2014, tỷ lệ và số lượng cơ sở có vi phạm ATTP vẫn rất lớn. Cụ thể, trong hơn 514 nghìn cơ sở được kiểm tra, có gần 160 cơ sở vi phạm, chiếm khoảng 22%. Vi phạm phổ biến nhất là điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị sản xuất không bảo đảm.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) hướng dẫn bà con chăm sóc rau an toàn.
|
Đồng thời, hơn 14.000 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm, kết quả có đến 13,6% số mẫu không bảo đảm chất lượng. Một thực tế khác, trong năm 2014, cả nước ghi nhận 189 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.100 ca mắc, 4.100 ca nhập viện và 43 trường hợp tử vong. So với năm 2013, ngộ độc thực phẩm tăng 22 vụ và số người tử vong tăng gần 54%.
Sự thuận tiện và thói quen khó thay đổi
Có thể nói, không phải ngẫu nhiên mà chủ đề “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP” năm 2015 được Bộ Y tế phát động lại có chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Đó là, bởi rau và thịt là hai thực phẩm vô cùng thiết yếu trong bữa ăn của mỗi gia đình. Trong đó, rau xanh là mặt hàng phổ biến nhất, lượng tiêu thụ cao nhất thì lại khó kiểm soát nhất về chất lượng vệ sinh ATTP.
Thực tế ở thành phố Yên Bái cho thấy, không cần ra chợ mới mua được rau vì rau bán ở khắp nơi, thậm chí được mang đến tận nhà chỉ cần người mua có nhu cầu. Mua rau dễ dàng như vậy, nhưng chẳng mấy ai quan tâm đó có phải rau sạch hay không. Chị Nguyễn Thị Trinh ở phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) chia sẻ: “Thịt, cá có thể vài ngày mới mua, còn rau thì ngày nào cũng phải mua. Rau nhìn đâu cũng thấy tươi ngon lắm. Tôi không mấy quan tâm đến nguồn gốc của rau, cứ tiện là mua, mà có phải chỉ mình như vậy đâu”.
Đây là suy nghĩ không riêng của chị Trinh mà đang là tâm lý chung của hầu hết người tiêu dùng. Trò chuyện với chị Lê Thị Lan, tiểu thương tại chợ Yên Thịnh, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái), chị cho biết: “Hàng ngày tôi dậy sớm ra chợ Bến Đò lấy rau về bán và cố lấy hàng cho đủ, cho nhanh chứ đâu có thời gian mà hỏi rau trồng ở đâu?”. Thực tế cho thấy, từ người bán đến người mua dường như rất thờ ơ với chất lượng, nguồn gốc rau xanh mình đang sử dụng. Nguyên nhân vẫn là sự thuận tiện khi mua hàng hoặc không có thói quen tìm mua rau sạch, rau an toàn tại các cửa hàng uy tín của người tiêu dùng chưa được hình thành và biết đến.
Thế nào là rau an toàn? Rau an toàn được trồng ở đâu?
Đây chắc chắc là câu hỏi của không ít người. Vậy, nếu không mua rau ngoài chợ, người tiêu dùng phải mua rau ở đâu? Và làm thế nào để phân biệt rau an toàn? Ông An Lê Minh-Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái cho biết: “Rau an toàn là những sản phẩm rau tươi, bao gồm: tất cả các loại rau ăn, lá, thân, củ, quả, hạt, các loại nấm… được sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản theo đúng quy định. Bảo đảm trồng theo quy trình kỹ thuật, tồn dư về vi sinh vật, hóa chất độc hại dưới mức giới hạn cho phép. Điều kiện để sản xuất rau an toàn là hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm các tiêu chí về điều kiện môi trường và quy trình sản xuất của các cơ sở sản xuất để bảo đảm sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn”.
Rau an toàn trồng tập trung tại các xã của thành phố Yên Bái: Tuy Lộc, Âu Lâu, Giới Phiên, Văn Phú, Minh Bảo, Tân Thịnh… và được sự giới thiệu của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội Phụ nữ tỉnh, chúng tôi tìm đến xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. Tháng 3/2013, có 30 hội viên đầu tiên ở xã này tham gia đào tạo trồng rau an toàn do Trung tâm hỗ trợ và khởi điểm chưa đến 1ha. Đến nay, diện tích trồng rau an toàn tại xã Vĩnh Kiên đã gần 23ha với 15 hộ sản xuất và bán rau an toàn.
Chị Nguyễn Thị Ái Vân-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chia sẻ: “So với trồng rau bình thường, rau an toàn yêu cầu quy trình sản xuất rất chặt chẽ nhưng bù lại, giá thành rau an toàn có phần cao hơn ngoài thị trường. Mùa này, bà con trồng chủ yếu là rau dền, rau muống, rau ngót, mùng tơi, bí xanh, mướp, mướp đắng, bầu, dưa chuột, các loại đậu đỗ… Số lượng rau cung ứng cho cửa hàng khoảng 100kg/tuần, còn lại bán ở các chợ lẻ với mức 2 tấn/ngày. Trung bình mỗi hộ trồng trên 3 sào rau, trừ chi phí cũng thu về hơn 4 triệu đồng/tháng”. Hiệu quả kinh tế trồng rau an toàn mang lại là điều dễ nhận thấy. Tuy nhiên, rau an toàn cung ứng cho thị trường chỉ là con số rất nhỏ. Trồng rau an toàn còn có thể mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa thế nhưng “sức sống”, “chỗ đứng” của rau an toàn trên thị trường vẫn chưa cao bởi lý do đơn giản là ở chính những người tiêu dùng.
Hãy làm chủ bữa ăn của gia đình bạn
Năm nay, “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP” được triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5 với mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người quản lý; nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với rau, thịt là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày; tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt. Tuy nhiên, để mỗi bữa ăn bảo đảm vệ sinh ATTP, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng trong việc thanh, kiểm tra thì kiến thức của người nội trợ là hết sức quan trọng. Không chỉ nhận biết, lựa chọn đúng thực phẩm bảo đảm an toàn, ngay trong khâu chế biến, bảo quản thực phẩm cũng cần quan tâm thực hiện cho đúng.
Trong điều kiện chị em làm nội trợ bận rộn với công việc, việc lưu giữ thực phẩm lâu ngày trong tủ lạnh, việc thiếu kiến thức, hiểu biết về chế biến các loại thực phẩm… cũng là nguyên nhân dẫn đến thực phẩm không bảo đảm. Bên cạnh đó, chính người tiêu dùng cần trở thành “kênh” thông tin quan trọng để phát hiện những cơ sở, người kinh doanh, chế biến, sản xuất rau không bảo đảm chất lượng để thông tin cho ngành chức năng xử lý kịp thời, góp phần loại trừ những thực phẩm không bảo đảm vệ sinh ATTP ra khỏi bữa ăn của chính gia đình mình và của cộng đồng.
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, phong trào thi đua yêu nước của huyện Văn Yên giai đoạn 2010-2015 đã được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện quan tâm chỉ đạo với nhiều biện pháp sáng tạo, có sức lan tỏa và nhân rộng trong các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, miền Bắc có mưa rào và dông, dự báo ngày hôm nay (12/5) nắng nóng sẽ chấm dứt.
YBĐT - Huyện Văn Chấn (Yên Bái) vừa tổ chức Hội nghị tuyên dương các điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 – 2015 và phát động các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020. 10 tập thể và 20 cá nhân đã được tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2010 – 2015. Hội nghị cũng đã bầu 15 đại biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ 9 sẽ được tổ chức trong thời gian tới.
YBĐT - Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, 5 năm qua (2010 - 2015), công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) toàn tỉnh đã tích cực nâng cao trình độ mọi mặt, phát huy trí tuệ, tham mưu đề xuất các giải pháp hiệu quả cao trong lao động, công tác, nghiên cứu các đề tài sáng kiến nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển của từng đơn vị, doanh nghiệp và thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.