Từ “diệt giặc dốt” đến xây dựng xã hội học tập
- Cập nhật: Thứ ba, 19/5/2015 | 2:49:16 PM
YênBái - YBĐT - Kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Giáo dục - Đào tạo Yên Bái tự hào dâng lên Bác kính yêu những đóa hoa đẹp nhất trong vườn hoa thi đua làm theo lời Bác. Tiếp tục thi đua, phấn đấu làm theo lời Bác, trong những năm tới, ngành tập trung vào phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng bảo đảm tính bền vững, đạt chuẩn và từng bước hiện đại.
Học sinh bán trú ở xã Châu Quế Hạ (huyện văn Yên).
|
Ngay trong năm đầu giành được chính quyền, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng đề ra ba nhiệm vụ cấp bách, trong đó “diệt giặc dốt” là nhiệm vụ cấp bách với toàn dân. Tháng 9/1947, tỉnh Yên Bái thành lập Ty Bình dân học vụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào bình dân học vụ đã phát triển nhanh chóng. Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Các trường, lớp tiểu học được khuyến khích và tạo điều kiện thực hành khắp từ nông thôn tới thị xã ...
Tháng 10/1947, tỉnh mở thêm trường trung học trên nền phát triển giáo dục tiểu học. Tháng 7/1951, Yên Bái thành lập Ty Giáo dục, cơ cấu hệ thống gồm: giáo dục phổ thông 9 năm, giáo dục bình dân học vụ, giáo dục chuyên nghiệp, bước đầu đào tạo giáo viên tiểu học, trình độ chủ yếu là sơ cấp. Cuối năm 1954, tỉnh đã có 67 trường, 269 lớp, gần 14.500 học sinh, học viên với 102 giáo viên (trong biên chế); tăng 38 trường, 178 lớp, gần 12.000 học sinh, học viên, gấp 5 lần trước Cách mạng tháng Tám. Sau cải cách giáo dục lần thứ nhất năm 1950, tháng 3/1956, Chính phủ tiến hành cải cách giáo dục lần thứ hai.
Đến cuối năm 1975, toàn tỉnh đã có 301 trường, 335 lớp, trên 104.000 học sinh, học viên, tăng thêm 233 trường, 1.978 lớp, 86.100 học sinh, học viên, gấp trên 6,7 lần so với năm 1965. Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975, Trung ương Đảng chỉ đạo cải cách giáo dục lần thứ ba (năm 1979). Trong bối cảnh hợp nhất tỉnh và chiến tranh biên giới phía Bắc, sự nghiệp giáo dục đào tạo lại gặp nhiều khó khăn hơn. Những năm 1987 - 1988, sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) địa phương ở tình trạng yếu kém, quy mô sa sút, nhà trẻ tan rã từng mảng, học sinh phổ thông trung học cơ sở (cấp II - THCS) nghỉ học trên 22,4%, hàng ngàn giáo viên nghỉ tự túc, thôi việc.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, ngành giáo dục đào tạo đã kiên trì, chủ động chặn được tình trạng giảm sút về số lượng, giữ vững chất lượng. Khi tách tỉnh - ngày 1/10/1991, Yên Bái đã có 342 trường, trên 4.500 lớp, trên 124.600 học sinh, học viên. Từ năm 1991 đến 2005, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, lãnh đạo của Tỉnh ủy và nỗ lực của ngành GD-ĐT, hệ thống giáo dục đã được hoàn thiện, mạng lưới trường lớp phủ khắp và đa dạng hóa, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Tới năm 2005, toàn tỉnh đã có 545 trường, trên 7.560 lớp, 245.800 học sinh, học viên từ bậc mầm non đến cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. So với năm 1991, số trường tăng 207 đơn vị, lớp tăng trên 4.100 lớp, số học sinh tăng trên hai lần. Yên Bái từ một tỉnh 95% dân số mù chữ, lúc này đã có 95% số dân biết chữ. Từ chỗ chỉ có 3% số người được đi học, đã có bình quân 4 người dân có 1 người đi học. Quy mô giáo dục mở rộng, số trường tăng gấp 18 lần, lớp tăng 83 lần, số người đi học tăng trên 82 lần, giáo viên tăng 248 lần.
Năm 1997, tỉnh có 9/9 huyện, thị được công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGDTH; 3 huyện, thị, 131 xã, phường đạt chuẩn quốc gia PCTHCS. Từ chỗ cả tỉnh không có người có trình độ trung học trở lên, lúc này tính riêng trong các trường THCS, THPT đã có trên 104.200 học sinh; cán bộ trung cấp trên 7.500 người; trình độ cao đẳng, đại học trên 3.780 người (riêng ngành giáo dục đã có trên 2.800 giáo viên, cán bộ quản lý với 100 thạc sỹ, 15 tiến sỹ).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực của các cấp, các ngành, của ngành GD-ĐT và toàn dân, sự nghiệp GD-ĐT Yên Bái tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, gặt hái những thành tựu quan trọng, góp phần vào những thành tựu chung của tỉnh, của sự nghiệp GD-ĐT cả nước. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, sự nghiệp GD-ĐT đã có những bước tiến mới, toàn diện với mục tiêu xây dựng một xã hội học tập, đặc biệt là đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng. Mạng lưới trường học được sắp xếp, củng cố và phát triển phù hợp. Toàn tỉnh hiện có 587 cơ sở giáo dục và dạy nghề; giáo dục mầm non và phổ thông có 567 trường, 6.590 lớp, nhóm lớp, 186.789 cháu mầm non, học sinh (so với năm 2010 tăng 13 trường, 270 nhóm lớp, 19.085 học sinh). Giáo dục thường xuyên có 11 trung tâm, quy mô 20.986 học viên.
Hệ thống trung tâm học tập cộng đồng có 180 trung tâm/180 xã, phường, thị trấn (so với năm 2010, tăng 8 trung tâm và 135.460 lượt người được tham gia học tập). Giáo dục chuyên nghiệp có 6 trường (3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp), quy mô 4.109 học sinh, sinh viên, học viên. Hàng năm, các trường tuyển mới khoảng 1.400 chỉ tiêu (so với năm 2010 tăng 1 trường cao đẳng, tăng 14% sinh viên hệ cao đẳng).
Về cơ sở vật chất trường lớp học, toàn tỉnh có 6.177 phòng học, tỷ lệ kiên cố đạt 69,0% (so với năm 2010 tăng thêm 1.491 phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng 4,0%). Bình quân hàng năm làm mới gần 300 phòng học với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực; các chỉ số về phát triển giáo dục tiếp tục được nâng lên mức khá so với khu vực và mức độ trung bình so với quốc gia. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được quan tâm phát triển cả về số lượng, chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt 99,22%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt 56,34% (so với năm 2010 đạt chuẩn tăng 0,35%, trong đó trên chuẩn tăng 17,34%).
Giáo dục dân tộc phát triển về quy mô, số lượng. Toàn tỉnh hiện có 79.210 học sinh phổ thông là người dân tộc. Hệ thống trường phổ thông DTNT có 9 trường; trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) tiếp tục được quan tâm, phát triển với quy mô 43 trường và 55 trường có học sinh bán trú với 13.872 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) được duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng. Tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 90,6%; tổng số trẻ trong độ tuổi 11 đến 14 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,5% (tăng 1,9%). Toàn tỉnh có 180/180 đơn vị cấp xã; 9/9 đơn vị huyện duy trì chuẩn quốc gia PCGDTH, 174 đơn vị cấp xã (96,7%) đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi (tăng 8 xã). PCGD trung học cơ sở (THCS) được củng cố và đẩy mạnh thực hiện theo hướng bảo đảm chất lượng.
Đến nay, toàn tỉnh có 180 đơn vị cấp xã, 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD THCS. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, 175/180 đơn vị cấp xã và 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, đang chuẩn bị các điều kiện đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn trong năm 2015. Ngành cũng đã tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015, đến nay toàn tỉnh có 178 trường đạt chuẩn quốc gia, so với năm 2010 tăng 22 trường mầm non, tiểu học tăng 26 trường, THCS tăng 21 trường, THPT tăng 4 trường; so với năm 2005 - khi bắt đầu triển khai Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tăng 147 trường (gấp 7,4 lần về số lượng).
Kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành GD-ĐT Yên Bái tự hào dâng lên Bác kính yêu những đóa hoa đẹp nhất trong vườn hoa thi đua làm theo lời Bác. Tiếp tục thi đua, phấn đấu làm theo lời Bác, trong những năm tới, ngành tập trung vào phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng bảo đảm tính bền vững, đạt chuẩn và từng bước hiện đại. Mục tiêu là tạo sự chuyển biến rõ rệt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; coi trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội; tiếp tục nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và đất nước.
Q.K
Các tin khác
YBĐT - Hè là khoảng thời gian trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn để lấy lại tinh thần chuẩn bị cho một năm học mới. Học mà chơi, chơi mà học, tham gia các sân chơi lành mạnh bổ ích là nhu cầu cần thiết đồng thời cũng góp phần hoàn thiện nhân cách cho trẻ.
YBĐT - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”, các y, bác sỹ Khoa Hồi sức-Chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái (Bệnh viện) luôn tận tình chăm sóc người bệnh, tạo điều kiện tốt nhất để bệnh nhân được chữa bệnh chu đáo.
YBĐT - Lời dạy "Lương y phải như từ mẫu" được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên và khẳng định nhiều lần ngay từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đó đến nay, cũng như cán bộ ngành y nói chung, những chiến sĩ áo trắng của ngành y Yên Bái nhất quán trong học tập, vận dụng lời căn dặn của Người, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của một tỉnh vùng cao khó khăn, góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Người lao động khi dịch chuyển việc làm nên tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, có lợi hơn so với nhận bảo hiểm xã hội một lần.