Hiệu quả mô hình bán trú ở Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/12/2015 | 3:12:47 PM

YBĐT - Không phải vùng cao đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu và Mù Cang Chải, nhưng huyện Văn Yên cũng có nhiều xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Châu Quế Thượng (Văn Yên) chăm sóc vườn rau cải thiện sinh hoạt.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Châu Quế Thượng (Văn Yên) chăm sóc vườn rau cải thiện sinh hoạt.

Không phải vùng cao đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu và Mù Cang Chải, nhưng huyện Văn Yên cũng có nhiều xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.

Nhờ phát huy hiệu quả các mô hình bán trú dân nuôi và triển khai kịp thời các chính sách của Nhà nước đến với học sinh ở các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đã góp phần quan trọng giải quyết khó khăn về đời sống, sinh hoạt để con em đồng bào các dân tộc ở vùng khó khăn trên địa bàn huyện ổn định sinh hoạt để học tập.

Trong 26 xã trên địa bàn huyện thì có tới gần một nửa số xã có học sinh ở bán trú; có 11/58 trường tiểu học và THCS được công nhận là trường PTDTBT và được hưởng đầy đủ mọi chế độ dành cho học sinh bán trú theo quy định. Trong đó, có 7 trường PTDTBT THCS, 3 trường PTDTBT tiểu học và 1 trường PTDTBT tiểu học & THCS ở xã Xuân Tầm. Năm học 2015 - 2016, toàn huyện có trên 2.100 em học sinh ở bán trú (trên 560 em học tiểu học, trên 1.500 em học THCS), trong đó có trên 1.400 em ở trong trường và gần 700 em ở ngoài trường.

Đồng chí Vũ Minh Huê - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Do đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhiều xã có thôn, bản ở cách xa trung tâm xã hàng chục cây số, giao thông đi lại chủ yếu là đường đất, trèo đèo, lội suối nên các mô hình bán trú trong những năm gần đây đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn tới trường. Mặc dù hiện nay, cơ sở vật chất còn chật hẹp, vẫn còn nhiều cháu học sinh phải trọ ngoài trường, nhưng địa phương tiếp tục khắc phục để các cháu ở các trường bán trú sớm đảm bảo chỗ ăn, ở sinh hoạt, ổn định học tập”.

Là một trong những xã có nhiều thôn bản đặc biệt khó khăn và cách xa trung tâm nên xã Châu Quế Hạ đã xây dựng mô hình trường PTDTBT từ nhiều năm nay. Hiện nay, xã đã được công nhận hai trường PTDTBT bậc THCS và tiểu học. Nhờ đó, tỷ lệ chuyên cần ở các lớp và sỹ số cuối năm so với đầu năm học luôn giữ được ổn định.

Ông Triệu Phúc Ấn ở thôn Khe Bành - phụ huynh của em Triệu Tòn Chúi, học sinh lớp 8 Trường PTDTBT THCS Châu Quế Hạ cho biết: “Điều kiện kinh tế của bà con trong thôn còn nghèo, thôn lại ở cách xa trung tâm xã, đường đi lại khó khăn nên các thế hệ trước đây chỉ học hết lớp 5 ở thôn là bỏ học. Vài năm trở lại đây, nhờ có chính sách bán trú, chúng tôi mới có điều kiện cho các cháu đi học lên cao”.

Rời Châu Quế Hạ, chúng tôi đến Trường PTDTBT THCS Châu Quế Thượng, trường chỉ có học sinh ở 3 thôn vùng cao mới học hệ bán trú nhưng cũng đến trên 100 em. Mặc dù đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 3 phòng ở và hệ thống bếp nấu, nhà ăn, công trình phụ khang trang; học sinh đã ở vượt sức chứa định mức của các phòng nhưng mới được trên 80 em, còn hơn 20 em vẫn phải trọ ngoài trường. Tuy nhiên, nhờ có các chế độ hỗ trợ nên dù trọ học ngoài trường thì đời sống sinh hoạt của các em đều được đảm bảo để ổn định học tập.

Em Triệu Thị Mùi - thôn 10, học sinh lớp 9A tâm sự: “Trước chưa có chế độ chính sách của Nhà nước, các anh, chị của em đi học tự lo ăn, ở quá khó khăn nên học dở dang lớp 7, lớp 8 đã bỏ học hết. Nay nhờ có các chính sách của Nhà nước đối với học sinh dân tộc bán trú nên chúng em cũng yên tâm học tập, kết quả cũng tốt hơn, 3 năm học qua em đều đạt học sinh giỏi”.

Năm học 2015 - 2016, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các trường có học sinh bán trú trên địa bàn huyện Văn Yên đạt tương đối cao như: Trường PTDTBT Tiểu học Mỏ Vàng đạt trên 108% so với kế hoạch; Trường PTDTBT THCS Đại Sơn đạt 113% so với kế hoạch... Chất lượng cũng có nhiều chuyển biến, số học sinh đạt danh hiệu khá giỏi hàng năm tăng dần. Năm học 2014 - 2015, toàn huyện có gần 3.000 học sinh khá, giỏi; nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Văn Yên tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn thực hiện kịp thời các chính sách của Nhà nước đối với học sinh bán trú; vận động các tổ chức cá nhân, nhà hảo tâm và toàn xã hội hỗ trợ, đóng góp, xây dựng phòng ở, bếp nấu cũng như các điều kiện sinh hoạt hỗ trợ học sinh để con em đồng bào các dân tộc thiểu số bớt phần khó khăn, vươn lên học tập tốt.

A Mua

Các tin khác
Chi bộ, các đoàn thể chính trị thôn Bảy Bung, xã Tân Hương họp bàn tiếp tục hoàn thiện Nhà Văn hóa thôn.

YBĐT - Cơ sở vật chất văn hóa là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, ở Tân Hương - một xã còn nhiều khó khăn của huyện Yên Bình, việc tháo gỡ “nút thắt” đó đã được thực hiện từ huy động sức mạnh toàn dân.

YBĐT - Thực hiện chức trách và nhiệm vụ được giao, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó lấy việc tăng cường công tác kiểm tra làm chính để đấu tranh, ngăn chặn với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT).

Đường vào thôn 4, xã Phúc Ninh.

YBĐT - 3 đoạn cống ngầm nhiều lần mưa to cống hẹp không kịp thoát, nước ngập lên cả đường khiến thôn 4 bị cô lập, không thể đi qua được.

Lãnh đạo Chi cục  Văn thư – Lưu trữ trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào “Tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ năm 2013 – 2015”.

YBĐT - Ngày 30/12, Sở Nội vụ, Chi cục Văn thư – Lưu trữ tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Lưu trữ Việt Nam (03/01/1946 – 03/01/2016). >>>Đi lên cùng sự phát triển của ngành Lưu trữ Việt Nam

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục