Gỡ khó cho… sinh hoạt hè

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2016 | 3:19:20 PM

YBĐT - Trong ký ức nhiều thế hệ học sinh, thanh thiếu nhi của những thập niên trước, cảm giác háo hức, chờ đón đến các buổi sinh hoạt hè vẫn còn rất ấn tượng. Nhưng đối với học sinh, thanh thiếu nhi bây giờ, sinh hoạt hè đã không còn hấp dẫn.

Nhảy dân vũ - hoạt động lần đầu tiên được tổ chức thi trên địa bàn toàn huyện Trấn Yên.
Nhảy dân vũ - hoạt động lần đầu tiên được tổ chức thi trên địa bàn toàn huyện Trấn Yên.

Thực tế và khó khăn

Chị Thào Thị Thùy Linh - Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học, Tỉnh đoàn Yên Bái cho biết: “Hơn 1 tháng sau hoạt động sinh hoạt hè, chúng tôi đã khảo sát, kiểm tra tại một vài cơ sở. Càng tới những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoạt động sinh hoạt hè lại càng sôi nổi, trong khi tại thành phố Yên Bái, các em lại tỏ ra khá thờ ơ”.

Chị Hoàng Thị Thu Hiền, tổ 8, phường Đồng Tâm,thành phố Yên Bái chia sẻ: “Thời mình sao mà thích đi sinh hoạt hè thế, nhưng giờ bọn trẻ hình như chẳng thích thú gì. Năm nào sau khi nhà trường bàn giao, có giấy giới thiệu về khu dân cư tôi cũng động viên con gái tham gia. Thế mà, cứ đến giờ thấy chạy sang nhà văn hóa khu phố nô đùa, chạy nhảy, mồ hôi đầm đìa, hết giờ rồi chạy về. Nội dung sinh hoạt sơ sài, kém hấp dẫn. Bao năm nay các bài hát vẫn vậy nên các cháu đi sinh hoạt được vài ba buổi là chán”.

Trong hoạt động sinh hoạt hè, tổ chức Đoàn Thanh niên đóng vai trò quan trọng trong hướng dẫn, đồng hành cùng thanh thiếu nhi, song không ít cơ sở đang thiếu vắng vai trò, trách nhiệm của đội ngũ này. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các điểm sinh hoạt còn hạn chế, nóng nực; nội dung sinh hoạt chưa phong phú, thiết thực; đội ngũ cán bộ Đoàn tại cơ sở quá ít, quá tuổi không đảm đương hết công việc, thiếu kinh phí, thiếu tính sáng tạo… là những nguyên nhân khiến tổ chức sinh hoạt hè cho thanh, thiếu nhi gặp nhiều khó khăn.

Chị Phan Thanh Yên - Bí thư Huyện đoàn Yên Bình cho rằng: “Một nguyên nhân khác cần phải nói đến đó chính là quan điểm, thái độ của phụ huynh đối với việc cho con em mình tham gia sinh hoạt hè. Thay vì cho con trẻ vui chơi, giải trí trong hè, nhiều bậc phụ huynh đăng ký cho con quá nhiều các lớp học thêm như: Toán, Văn, Tiếng Anh; các môn năng khiếu như: võ, bơi, nhạc, họa… Đi học cả ngày đã quá mệt, đến tối các em không muốn đi sinh hoạt hè cũng là điều dễ hiểu. Nhiều gia đình có điều kiện các cháu được đi thăm quan, du lịch, về quê suốt trong dịp hè nên ít có thời gian tham gia”.

Điểm sáng Cổ Phúc

Tìm đến điểm sinh hoạt hè Khu phố 8, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tôi đã hoàn toàn ngỡ ngàng trước cách làm, cách tổ chức của cán bộ Đoàn và cách các em thanh, thiếu nhi tham gia sinh hoạt hè tại đây.

Anh Lê Quang Hậu - Phó bí thư Đoàn thị trấn Cổ Phúc cho biết: “Là một cán bộ Đoàn, tôi luôn trăn trở tìm ra cách làm mới, thiết thực nhưng phải gần gũi và đáp ứng được nhu cầu của các em. Với khoảng 200 điểm sinh hoạt hè, trên 14.000 đoàn viên, thanh, thiếu nhi tham gia tại địa phương, tổ chức sinh hoạt hè an toàn, vui tươi, lành mạnh, bổ ích không phải việc làm đơn giản”.

Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của anh Hậu, các em được chia thành nhiều nhóm nhỏ gồm: 2 nhóm hát, múa từ 7 - 10 em, 1 nhóm đồng ca khoảng 10 em, 1 nhóm nhảy dân vũ từ 15 - 20 em, ngoài ra còn có các nhóm nhỏ tham gia lắc vòng, nhảy bao bố, cờ vua, cờ tướng… Các em được phân bổ hoặc tự lựa chọn theo sở thích và tập luyện xen kẽ các ngày trong tuần, tránh chồng chéo cũng như tập trung quá đông tại nhà văn hóa. Đặc biệt, một tuần từ 2 - 3 buổi các anh chị phụ trách sẽ tập trung dạy nhảy dân vũ - hoạt động lần đầu tiên tổ chức thi trên địa bàn toàn huyện và thu hút đông các em tham gia nhất.

Em Nguyễn Hương Giang, học sinh lớp 11, Trường THPT Lê Quý Đôn, thị trấn Cổ Phúc vui vẻ nói: “Sau khi được tham gia lớp tập huấn tại Huyện đoàn cùng với tự tìm tòi, học hỏi trên mạng Internet, em học thêm được nhiều bài nhảy dân vũ để về dạy các em thiếu nhi. Các em cũng rất thích thú vì đây là lần đầu tiên tham gia”.

Gỡ khó bằng cách nào?

Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 1.100 tụ điểm sinh hoạt hè do hơn 1.000 cán bộ phụ trách Đội tại các xã, phường, thị trấn, thôn, bản hướng dẫn tổ chức hoạt động, thu hút 10 vạn thiếu niên, nhi đồng tham gia.

Trung bình, các điểm tổ chức sinh hoạt hè một tuần 2 lần vào các buổi tối. Nội dung sinh hoạt từng tháng gắn với các ngày lễ, kỷ niệm như tết Thiếu nhi 1/6, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, tết Trung thu… Đồng thời, có theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả quá trình hoạt động sinh hoạt hè của các em trước khi bàn giao lại phía nhà trường.

Do đó, để sinh hoạt hè thực sự phát huy hiệu quả, chị Thào Thị Thùy Linh cho rằng, tổ chức, cán bộ Đoàn cơ sở rất cần có sự đổi mới mạnh mẽ để triển khai hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Trước hết, cần xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn, Đội. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần và nhiệt huyết tuổi trẻ bằng các hình thức tập huấn kiến thức nền tảng về phong trào Đoàn, Đội, tâm lý, kỹ năng làm việc với trẻ em.

Thứ hai, vấn đề kinh phí, hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động vui chơi cần được coi trọng. Điều đó đòi hỏi sự đầu tư, quan tâm tạo điều kiện và ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp trong công tác chỉ đạo và tổ chức các hoạt động nhằm tạo hứng thú, tránh sự chồng chéo, quá tải đối với các em. Đồng thời, nhà trường cũng có một phần trách nhiệm đối với học sinh trong những ngày hè. 

"Để các em không “lẩn tránh” sinh hoạt hè, nhà trường có thể đưa kết quả sinh hoạt hè vào việc xét hạnh kiểm của học sinh, có sự kiểm tra thực chất các em có tham gia sinh hoạt hè” - chị Thào Thị Thùy Linh nói.

Nếu làm tốt được những vấn đề trên, từng bước khắc phục khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động cũng như thay đổi nhận thức của gia đình, nhà trường và chính bản thân học sinh, thiếu niên, nhi đồng, sinh hoạt hè sẽ là môi trường tốt giúp các em được vui chơi, có thêm kiến thức thực tế, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Mai Linh

Các tin khác
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái quy mô 500 giường sẵn sàng đưa vào hoạt động.

YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm, ngành y tế Yên Bái đã thực hiện tốt chức năng quản lý, điều hành y tế công lập, tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra công tác y dược tư nhân. Hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở tập trung đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần giảm thiểu việc lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm, không có bệnh dịch phát sinh.

Đoàn viên Phạm Văn Quân ở Chi đoàn thôn 14, xã Lâm Giang chăm sóc trại lợn giống của gia đình.

YBĐT - Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao trong Ban Chấp hành Đoàn xã, năm 2015, 2016, ngoài đẩy mạnh các phong trào Đoàn, Đoàn xã còn chú trọng vực dậy một số chi đoàn còn yếu.

Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ huyện khóa V, nhiệm kỳ 2016 – 2021 ra mắt  Đại hội.

YBĐT - Trong 2 ngày 13 – 14/7, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam huyện Yên Bình đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2016 – 2021 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động Hội nhiệm kỳ 2011 – 2016, bàn phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Nếu các cụm thi gửi hết điểm của thí sinh về Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ rà soát kỹ các dữ liệu thì có thể công bố điểm thi trước ngày 20/7 hoặc là vào ngày 20/7.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục