Kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2016)

Viết tiếp “Bản hùng ca chim Lạc”

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/8/2016 | 1:51:40 PM

YBĐT - Dù là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp nhiễm chất độc hóa học, nhưng thông điệp mà họ mang tới cho cuộc sống này “đơn giản vì tôi còn sống” để viết tiếp “bản hùng ca chim Lạc” sau chiến tranh.

Bà Loan giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn nái của gia đình.
Bà Loan giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn nái của gia đình.

Tháng Tám mùa thu lịch sử và cũng nhắc nhớ mỗi người về những nạn nhân da cam - di chứng chiến tranh còn lại. Cũng giống như tất cả những nạn nhân bị ảnh hưởng do mang di chứng chất độc da cam trên khắp mọi miền Tổ quốc, mỗi nạn nhân da cam ở Yên Bái là một câu chuyện về sự đau đớn đến tột cùng của thể xác nhưng lại ấm áp, đầy cảm động về niềm lạc quan, nghị lực phi thường.

Ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, gia đình bà Phạm Thị Loan được biết đến như một biểu tượng của nghị lực sống vươn lên khi trong gia đình nhiều người bị ảnh hưởng bởi di chứng của chất độc hóa học nhưng luôn tràn đầy hy vọng, tin vào cuộc sống tích cực, lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương đất nước.

Một thái độ sống tích cực, một tinh thần lạc quan, yêu đời là điều mà ai cũng nhận được khi trò chuyện cùng bà. Cuộc gặp gỡ bắt đầu từ cảm xúc hồ hởi, phấn khởi của bà Loan chia sẻ về việc sẽ đi dự buổi gặp mặt nạn nhân chất độc hóa học tỉnh Yên Bái vào ngày 10/8 tới, tại thành phố Yên Bái.

Bà chia sẻ: “Đó là sự động viên của tỉnh, của các cấp, các ngành đối với những nạn nhân da cam như gia đình tôi”. Sự quan tâm ấy bà không coi đó là sự bù đắp mà là sự tri ân của xã hội giành cho những nạn nhân da cam như bà. Với những bệnh tật mang trên người do di chứng da cam, tiểu đường tuýp 3 biến chứng mờ mắt, tai phải gần như không nghe được do sốt rét trong rừng lúc bà tham gia chiến trường Tây Nguyên, tay phải đã yếu đến tóc còn phải cắt ngắn đi, vậy mà người phụ nữ gần 70 tuổi ấy vẫn sang sảng giọng nói đầy yêu đời: “Những người còn sống sau chiến tranh đã là một may mắn rất lớn. Vì ta còn sống nên ta phải yêu đời”.

Chẳng phải ai cũng có thể suy nghĩ được như bà Loan khi hàng ngày, hàng giờ đối diện với bệnh tật, hơn cả là đứa con gái duy nhất năm nay gần 40 tuổi mà suy nghĩ chỉ như đứa trẻ lên 3. Câu chuyện kể về những năm tháng tuổi trẻ sau khi tốt nghiệp trường dược được phân công vào làm nhiệm vụ sản xuất thuốc tại khu vực chiến trường Tây Nguyên như đưa bà sống lại quãng thời gian cống hiến tuổi thanh xuân cho hòa bình của đất nước.

Bà kể: “Chúng tôi sống trong rừng, ăn, ở và sản xuất thuốc phục vụ cho chiến trường ngay trong rừng. Tối làm, ngày đi hái măng rừng, đào củ sắn, củ mài, bắt cá ở suối... để làm thức ăn, chứ gạo từ miền Bắc gửi vào không đủ, thiếu thốn vô cùng”.

Có lẽ cũng chính bởi những “đồ” rừng ấy mà bà cùng đồng đội của mình đã nhiễm chất độc hóa học từ đó. Bà tâm sự: “Sau khi giải phóng miền Nam, tôi trở về Bắc lập gia đình với ông nhà tôi cũng là một cựu chiến binh, sinh con đầu lòng bình thường, tôi nghĩ đã may mắn hơn các đồng đội. Bởi thủ trưởng của tôi, bà ấy 4 lần sinh nở nhưng lần nào cũng chỉ là “cục” thịt”.

Nhưng chất độc da cam đã không loại trừ bà, đứa con thứ 2 của bà khi sinh ra bình thường nhưng càng nuôi nấng, chăm bẵm, bà ngày một nhận ra những dị tật về trí tuệ của con, rồi sức khỏe của 2 con trai bà cũng có phần yếu. Cả 3 người con của bà đều có u ở vai. Chồng bà cũng vì nhiễm chất độc hóa học mà sức khỏe cứ yếu dần. Tất cả những điều đó đã không làm gục ngã người phụ nữ kiên cường ấy, tiếp tục nuôi 2 người con trai trưởng thành, trở thành bác sĩ, nhà giáo cống hiến cho quê hương.

“Tôi không bao giờ đòi hỏi chế độ, bởi được sống trở về đã là niềm hạnh phúc hơn những người đồng đội khác. Hơn cả, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm chăm lo cho nạn nhân da cam là niềm động viên to lớn lắm rồi” - câu nói khẳng khái của bà Loan như vẫn ở cái tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết ngày trước cũng chính là phương châm mà bà dạy những người con của mình.

Hiện giờ, bà đang sống cùng người con trai út, dù sức khỏe có yếu nhưng hàng ngày bà vẫn hái rau mang đi bán. Người con dâu út nhìn thấy nghị lực của mẹ chồng như được tiếp ý chí vượt khó, chăm chỉ lao động sản xuất, với mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản, vườn rau, cây quả... cho thu nhập khá. Đặc biệt, những người con của bà được giáo dục bằng niềm lạc quan, khẳng khái mà tiếp tục cống hiến cho quê hương, dù làm công tác chữa bệnh hay phục vụ sự nghiệp trồng người đều đang viết tiếp “bản hùng ca” của cha mẹ.

Cũng giống như bà Loan, thương binh Vũ Xuân Túc ở xã Yên Hưng, huyện Văn Yên cũng trở về sau chiến tranh mang theo trong mình một mảnh đạn và chất độc hóa học da cam. Những đứa con lần lượt ra đời với các di chứng ảnh hưởng nặng nề, bản thân thường xuyên bị vết thương hành hạ.

Rồi phần lớn thời gian dành chăm sóc 3 đứa con bệnh tật khiến cuộc sống của gia đình người cựu chiến binh này rơi vào cảnh nghèo khó, có lúc tưởng chừng gục ngã. Nhưng với ý chí của người lính cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội, ông đã không đầu hàng số phận.

Người cựu chiến binh hao gầy, mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh ấy đã không ỷ lại, trông chờ vào chế độ, quyết tâm lao động vươn lên thoát nghèo và có tiền chữa bệnh cho con.

Với bản tính hay lam, hay làm, ông đã mày mò, tìm mô hình phát triển kinh tế phù hợp với sức khỏe và điều kiện gia đình mình. Ông quan niệm "tấc đất, tấc vàng" nên mỗi vuông đất trong vườn, đồi nhà ông luôn được trồng xen một cách hợp lý, nâng cao giá trị thu nhập. Để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, ông luôn học hỏi kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông, qua ti vi, đài, báo để áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, năng suất lúa và hoa màu của gia đình ông luôn cao nhất, nhì xã, cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Tuổi thanh xuân của ông đã cống hiến sức trẻ cho hòa bình, độc lập, cùng đồng đội viết lên bản hùng ca của nhưng người con đất Việt cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trở về quê hương, ông viết tiếp “bản hùng ca chim Lạc” bằng nghị lực phi thường, bản hùng ca ấy đã lan tỏa trong cộng đồng như nguồn năng lượng cổ vũ nhân dân sống lạc quan, tích cực, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Yên Bái có hơn 1.300 nạn nhân da cam, trong đó có hơn 700 nạn nhân thế hệ thứ nhất - đó là những người đã hy sinh tuổi thanh xuân cho nền hòa bình của Tổ quốc và giờ họ đang sống như những đóa hoa hướng dương.

Là người đã có rất nhiều năm làm công tác chữ thập đỏ và cũng nhiều năm tiếp xúc, quan tâm, chia sẻ với các nạn nhân da cam, đồng chí Hoàng Huy Hiệu - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Yên Bình chia sẻ: “Nạn nhân da cam là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Nhưng càng tiếp xúc với họ, tôi càng thấy nghị lực sống phi thường. Những nhà hảo tâm mang tới những tấm lòng thơm thảo chia sẻ với họ rồi nhận lại là niềm tin, niềm lạc quan yêu đời và sống thật ý nghĩa”.

55 năm đã trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch gieo rắc chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam, di chứng chiến tranh trong các gia đình nạn nhân da cam vẫn còn nguyên vẹn, nhưng không có sự bất lực trước hoàn cảnh. Bởi đã có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, toàn xã hội, cùng nghị lực phi thường của các nạn nhân da cam viết tiếp “bản hùng ca chim Lạc” để lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Thanh Ba

>> Nỗi đau da cam – "cuộc chiến" chưa bao giờ kết thúc

Các tin khác

YBĐT - “Không manh động, liều lĩnh, nguy hiểm như tội phạm hình sự hay tội phạm ma túy song tội phạm kinh tế hầu hết là những đối tượng có trình độ, có quan hệ xã hội và có cả khả năng về kinh tế. Vì vậy, đấu tranh với loại tội phạm này thường được xem như những cuộc đấu trí về bản lĩnh, trí tuệ của các cán bộ chiến sĩ” - Thượng tá Đào Văn Bình - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Công an tỉnh chia sẻ.

Thí sinh có điểm thi ba môn dưới ngưỡng Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD- ĐT) quy định (điểm sàn) vẫn có thể đăng ký xét tuyển bằng học bạ đối với những trường tuyển sinh bằng đề án riêng.

Đồng chí Nông Văn Lịnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

YBĐT - Chiều 8/8, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

YBĐT – Có mặt tại quầy bán hàng của Công ty cổ phần Sách – Thiết bị trường học tỉnh Yên Bái đã thấy không khí nhộn nhịp mua sắm sách, vở, đồ dùng học tập của phụ huynh và học sinh chuẩn bị đón năm học mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục