Vu Lan báo hiếu
- Cập nhật: Thứ tư, 10/8/2016 | 2:03:23 PM
YBĐT - Mỗi độ Thu về, mỗi người con lại có dịp thể hiện rõ hơn tình yêu thương của mình với đấng sinh thành trong ngày lễ Vu Lan. Bởi lễ Vu Lan là dịp để báo hiếu mẹ cha, để tìm về nguồn cội yêu thương mà bao thế hệ người Việt Nam đã dựng xây và vun đắp.
Dâng hoa tại chùa Linh Long, thành phố Yên Bái trong ngày lễ Vu Lan.
|
Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm được coi là một trong những đại lễ chính của Phật giáo. Vu Lan hay Vu Lan Bồn có nguồn gốc chữ phạm Ullambana, người Trung Hoa dịch sang tiếng Hán ngữ là “giải đảo huyền”, có nghĩa là giải cứu tội khổ bị treo ngược - theo nghĩa tiếng Việt. Hiểu rộng ra là nhờ vào sự thành tâm chú nguyện của Thập phương chư Tăng mà chúng ta có thể cứu được cha mẹ, tổ tiên thoát khỏi cảnh tội đồ, cầu nguyện cho chúng sinh được siêu thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Ngày lễ Vu Lan chính là dịp để các thế hệ con cháu tưởng nhớ tới công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Đồng thời, là dịp để giúp mọi người tiếp cận và cảm nhận sâu sắc hơn những ý nghĩa nhân văn của văn hóa Phật giáo, như: “từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước, nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”…
Vào ngày lễ Vu Lan, nhiều người thường hay đến chùa không phải để cầu xin công danh, lợi lộc mà là thành tâm cầu an sức khỏe cho đấng sinh thành, tụng kinh cầu siêu tỏ lòng hiếu nghĩa với ông bà, tổ tiên, cúng dường Trai Tăng, công đức để cha mẹ được sống trong cực lạc. Đặc biệt, đây cũng là dịp mà nhiều người dù ngày thường có nhiều lo toan, tính toán, bận bịu đến đâu, song cũng cố gắng sắp xếp thời gian để đến chùa cho lòng được thanh tịnh.
Trong ngày lễ Vu Lan lên chùa, ngoài việc được tham gia vào nghi lễ cúng, thưởng thức các món ăn chay, nếu ai may mắn còn mẹ sẽ cài một bông hồng màu đỏ lên áo. Nếu ai không may đã mất mẹ sẽ cài một bông hồng màu trắng. Với những người đang được ở cùng cả cha mẹ, vào ngày này cũng hay cùng gia đình lên chùa để được tận hưởng những giây phút đoàn viên.
Chị Đặng Thị Ngọc Lan - phật tử chùa Minh Pháp, xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) bày tỏ: “Năm nào cũng vậy, vào ngày lễ Vu Lan, cả gia đình tôi lại lên chùa làm lễ cầu an. Trong lòng ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng và thư thái. Chúng tôi coi lễ Vu Lan như tết đoàn viên thứ 2 của gia đình bởi đây là dịp anh em, họ hàng hay cùng nhau tụ họp đông đủ để ăn với nhau bữa cơm thân tình, uống với nhau chén rượu vui, chúc nhau mọi điều tốt lành trong cuộc sống”.
Cùng với việc lên chùa làm lễ cầu phúc, cầu an, trong dịp lễ Vu Lan, hầu hết các gia đình người Việt Nam cũng đều làm mâm cơm cúng tại nhà để tưởng nhớ công lao của ông bà, cha mẹ và cầu cho các vong hồn siêu thoát. Mâm cơm cúng thường không cầu kỳ với nhiều đồ lễ mà chủ yếu là thể hiện cái tâm của người làm lễ. Sau khi làm lễ, nhiều người sẽ ra các dòng sông, dòng suối gần nhà để thả đèn hoa đăng nhằm mục đích cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp của những chiếc đèn mà xả bỏ oan khiên thù hận, bước theo con đường giải thoát khổ đau...
Một mùa Vu Lan báo hiếu nữa lại về, mong rằng tất cả chúng ta sẽ gửi gắm yêu thương nhiều hơn nữa tới ông bà, mẹ cha. Hãy luôn thể hiện tình yêu thương đối với ông bà, mẹ cha bởi yêu thương không bao giờ là đủ. Chỉ có bố mẹ mới yêu thương chúng ta vô điều kiện, không bao giờ phản bội tình yêu của chúng ta nên chúng ta đừng bao giờ làm những điều để mẹ cha phải suy nghĩ, phiền lòng. Hãy sống sao cho thật xứng đáng với công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành!
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Với đặc thù địa bàn rộng, dân số đông, chiếm gần 30% là đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Hoa..., công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được Đảng bộ, chính quyền xã An Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
YBĐT - Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú (DTNT) Nghĩa Lộ sau khi hợp nhất, đã tiếp nhận thêm cơ sở vật chất từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề thị xã Nghĩa Lộ, hiện nay nhà trường có 3 cơ sở được đầu tư đồng bộ, khang trang.
YBĐT - Với chủ đề “Hè vui trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng”, mùa hè năm nay, thanh, thiếu nhi trên địa bàn thành phố Yên Bái đã phát huy tính sáng tạo, rèn luyện kỹ năng sống và nêu cao ý thức vì cộng đồng thông qua nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp.
YBĐT - Hiện toàn huyện Yên Bình có trên 1.700 mô hình phát kinh tế do phụ nữ làm chủ có thu nhập từ 50 – 300 triệu đồng/hộ/năm. Để có được kết quả trên, trong thời gian qua, Hội đã thường xuyên củng cố, kiện toàn về bộ máy theo hướng trẻ hóa, có trình độ.