Chuyện sử dụng lao động địa phương

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/9/2016 | 8:24:54 AM

YBĐT - Thời buổi bây giờ, thuê được người giúp việc gia đình thật không dễ, ít nhiều cũng phải đảm bảo được những yếu tố cơ bản như: sạch sẽ, thật thà, chịu khó; cao hơn nữa là nấu ăn ngon, nhanh nhẹn, hiểu biết, sử dụng thông thạo đồ dùng gia đình hiện đại; nếu nhà có trẻ nhỏ thì thêm yếu tố biết chăm sóc trẻ con; một số gia chủ kỹ tính còn đặt ra yêu cầu phải hợp cung, hợp tuổi... Thật phức tạp!

Thanh niên tình nguyện giúp dân mở đường tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Tô Anh Hải)
Thanh niên tình nguyện giúp dân mở đường tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Tô Anh Hải)

Sống ở nông thôn, cách xa thành phố hơn chục cây số, tính cách cũng đơn giản, việc tuyển lựa người giúp việc cũng đơn giản hơn. Ấy vậy mà, qua mấy lần tuyển, nhà tôi mới có được người giúp việc ưng ý. Càng quý hơn khi chị giúp việc là người cùng làng; cũng nói luôn với mọi người là yếu tố “người cùng làng” hoàn toàn không phải vì người giúp việc sẽ phải đi sớm về muộn đâu mà vì lý do khác, quan trọng hơn nhiều. Thuê được chị giúp việc ưng ý, vợ chồng tôi mừng lắm, cơm nước, nhà cửa không còn phải lo, chỉ tập trung cho chuyện kinh doanh; điều phấn khởi hơn là qua đây tôi nhận thấy đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức đối với vấn đề lao động và việc làm của người dân quê tôi.

Sống ở vùng nông thôn, cách xa trung tâm tỉnh hơn chục cây số, đời sống nhân dân trong vùng đã có nhiều cải thiện, dù vẫn chưa hết khó khăn. Vợ chồng tôi, sau nhiều năm nỗ lực cũng tích cóp được lưng vốn nên quyết định mở công ty chế biến nông lâm sản. Cùng với bao khó khăn của thời khởi nghiệp, nào thiếu vốn, thiếu kỹ năng quản lý, điều hành, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm… doanh nghiệp của gia đình tôi còn thêm cái khó trong tuyển dụng công nhân.

Chuyện thật khó tin khi lao động trong xã, trong huyện dư thừa, học sinh tốt nghiệp phổ thông, bộ đội xuất ngũ, cả sinh viên đại học, cao đẳng ra trường chưa có việc làm nhiều vô kể, thế mà doanh nghiệp của tôi không tuyển đủ lao động. Xin khẳng định là công ty tôi trả lương cũng khá, cao hơn nhiều doanh nghiệp ở thành phố, công việc không quá nặng nhọc, không nguy hiểm, không độc hại, chưa kể được hỗ trợ nhà ở, điện nước.

Lý do khó tuyển được công nhân, xin kể ra đây cùng mọi người. Rất nhiều anh, chị trong làng không muốn vào làm trong công ty của tôi vì tư tưởng: “Đời nào tao đi làm thuê cho thằng ấy, cùng cảnh chăn trâu, kiếm củi với nhau mà giờ nó làm giám đốc, bắt tao đi làm thuê cho nhà nó à!”, “Ở nhà chịu đói còn hơn, thằng ấy học còn chưa hết cấp hai, bộ đội còn không thèm tuyển vì trình độ văn hóa thấp, tao đây có hẳn bằng đại học, giờ tao làm thuê - nó ông chủ, thì không nghe được!”.

Cũng đã có một số người xin vào công ty của tôi làm việc nhưng ý thức rất kém, đi muộn, về sớm, nghỉ việc không lý do, không báo trước; được tập huấn, đào tạo nhưng làm ẩu, làm sai quy trình… vi phạm như thế thì phải xử lý theo nội quy, quy chế. Ấy vậy mà khi họ sai có nhắc nhở, phê bình thì cũng ít nghe theo, bất hợp tác và sẵn sàng bỏ việc.

Một số cháu đi học chuyên nghiệp về cứ nằm nhà đợi xin vào công chức nhà nước nhưng khổ nỗi biên chế còn đang tinh giản, bằng cấp các cháu phần lớn là học trường mở, trường dân lập, đào tạo từ xa, đầu vào  điểm thấp lè tè; số các cháu học xong phổ thông, đến tuổi lao động không muốn vào công ty của tôi làm việc mà theo tàu, xe vào tận Bình Dương, Đồng Nai làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, bọn trẻ đi với niềm tự hào rằng đã vượt ra khỏi lũy tre làng, được mở rộng tầm mắt, được biết đây biết đó, được làm việc trong công ty liên doanh.

Năm tháng qua đi, những vất vả ban đầu rồi cũng qua, doanh nghiệp của tôi rồi cũng ổn định và phát triển. Riêng chuyện tuyển lao động thì giờ đã khác, người trong làng vào làm việc ngày một đông nhờ nhận thức đã được thay đổi; đặc biệt số lao động từ các khu công nghiệp phía Nam trở về quê xin vào công ty tôi rất nhiều vì đi làm ở đó lương cũng chỉ ngang ngửa, có khi còn thấp hơn mức lương của công ty tôi và các doanh nghiệp khác trong vùng đang áp dụng; đồng lương chỉ đủ ăn, không có tích lũy vì xa nhà, xa quê chi phí đắt đỏ hơn rất nhiều lần, chưa kể chuyện ăn ở, đi lại, xây dựng gia đình, cho con đi học...

Nhiều cháu cố gắng lắm thì tết mới về thăm quê, cá biệt có anh phải gọi điện về nhà xin hỗ trợ tiền tàu xe. Số lao động từ các khu công nghiệp trở về nhanh chóng chiếm vị trí nòng cốt vì họ đã qua môi trường công nghiệp, ít nhiều tác phong làm việc chuyên nghiệp và kỷ luật lao động khá.

Nhận thức rõ, người lao động là “tài sản” quý giá nhất của công ty, tôi mày mò, tìm hiểu, đầu tư nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất nhằm tăng năng suất và nâng cao mức sống người công nhân, trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ lao động.

Nhân dịp lễ Quốc khánh, tôi quyết định tổ chức bữa liên hoan toàn công ty để động viên, khích lệ người lao động, đồng thời phát động thi đua dịp cuối năm 2016. Đối với chị giúp việc, công ty đã đưa vào danh sách những công nhân có thành tích lao động tốt để khen thưởng.

Lê Phiên

Các tin khác
Nhờ mô hình chăn nuôi gà từ 150 - 200 con/lứa kết hợp chăn nuôi lợn, chị Nguyễn Thị Đông, thôn Khe Ba, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

YBĐT - Năm 2011, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Văn Chấn tiếp cận Dự án Giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi vùng miền núi phía Bắc Việt Nam (Dự án PALD) do Viện Chăn nuôi triển khai. Sau 5 năm thực hiện Dự án, người dân tại 25/31 xã của huyện Văn Chấn đã được tiếp cận và thực hiện có hiệu quả.

Thực hiện Đề án sẽ xóa toàn bộ điểm lẻ bậc THCS và xóa cơ bản các điểm trường lẻ bậc tiểu học. Ảnh MQ

YBĐT - Theo Đề án, từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh sẽ giảm 151 trường (trong đó, giảm 38 trường mầm non, 120 trường tiểu học, 95 trường THCS; tăng 6 trường mầm non và tiểu học, 65 trường tiểu học & THCS, 31 trường mầm non và tiểu học & THCS), giảm 604 điểm trường (mầm non 282 điểm, tiểu học 318 điểm, THCS 4 điểm), giảm 113 lớp, tăng 19.503 học sinh; tăng 12.990 học sinh bán trú.

Bộ Y tế đã có công văn gửi lãnh đạo các tỉnh, thành đề nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.

Đại diện Chi nhánh Tôn Hoa Sen Yên Bái trao quà cho các em học sinh hiếu học tại Trường Tiểu học xã Cường Thịnh (huyện Trấn Yên).

YBĐT - Nhân dịp khai giảng năm học mới 5/9, thực hiện chương trình nhân ái “Cùng em đi học”, Chi nhánh Tôn Hoa Sen Yên Bái - Tập đoàn Hoa Sen đã tặng 160 suất quà cho học sinh hiếu học tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục