Yên Bái là một tỉnh miền núi với trên 30 dân tộc chung sống, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chiếm gần 60%. Vì vậy, công tác giáo dục dân tộc được tỉnh quan tâm và chú trọng.
Bằng nhiều nỗ lực và cố gắng của các cấp chính quyền và ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), công tác giáo dục dân tộc trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực cả về "lượng” và "chất”. Cơ sở vật chất đã được đầu tư và cải thiện rõ rệt, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học đến lớp tăng qua từng năm, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao.
Với mục tiêu đào tạo cán bộ cho vùng đồng bào dân tộc, năm 1964, 2 trường thanh niên dân tộc cấp huyện (quy mô có cấp 1, 2) được thành lập tại tỉnh Nghĩa Lộ. Ngày đầu mới đi vào hoạt động, công tác quản lý học sinh hết sức khó khăn. Trải qua quá trình phát triển, đến năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), 5 trường đạt chuẩn quốc gia với 88 lớp, 2.981 học sinh, trong đó có 7 trường trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số cấp THCS, THPT được học tại các trường PTDTNT chiếm tỷ lệ 7,12%.
Dưới sự định hướng, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, hệ thống các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, cơ sở vật chất khang trang, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ăn, ở, học tập cho con em đồng bào các dân tộc của tỉnh Yên Bái. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên rõ rệt. Trong các kỳ thi học sinh giỏi, bậc THPT, hệ thống trường PTDTNT đã có 27 giải học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa; 58 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 15 giải các môn văn hóa tại Hội thi văn hóa, thể thao các trường PTDTNT toàn quốc; hàng trăm giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện bậc THCS.
Đặc biệt, trong các thế hệ học sinh tốt nghiệp có rất nhiều người đã trở thành chiến sỹ bảo vệ Tổ quốc trên khắp mọi miền của đất nước, là sỹ quan trong lực lượng vũ trang, cán bộ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, cán bộ khoa học kỹ thuật, nhiều người đã là tiến sỹ, thạc sỹ... cung cấp lực lượng lao động có tri thức cho tỉnh và cả nước trên rất nhiều lĩnh vực.
Mặc dù có hệ thống các trường PTDTNT nhưng chưa thể đáp ứng hết số lượng học sinh dân tộc thiểu số, tình trạng học sinh bỏ học cao do đường sá đi lại khó khăn, dẫn tới chất lượng, hiệu quả giáo dục thấp. Vì vậy, nhiều năm trước, các trường vùng cao đã bố trí tận dụng các lớp học, nhà ở giáo viên hoặc làm nhà tạm trong khuôn viên trường để học sinh ở hay nhiều gia đình chủ động làm lán, dựng lều gần trường cho con em họ đi học... Từ đó, hình thành mô hình trường bán trú dân nuôi.
Trước nhu cầu cần thiết và cấp bách, ngành GD&ĐT đã chủ động tham mưu với tỉnh ban hành các văn bản để các cấp chính quyền, các ban, ngành trong tỉnh Yên Bái hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục, như Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2009-2015; Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) giai đoạn 2010–2015. Nghị quyết này ra đời trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg và chính là một bước tiến quan trọng, mang tính chất then chốt đối với công tác giáo dục dân tộc và đối với việc phát triển hệ thống trường PTDTBT tỉnh Yên Bái. Từ đó, các trường PTDTBT đã được cấp đủ kinh phí để mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng cần thiết phục vụ cho học tập, sinh hoạt của học sinh.
Toàn tỉnh hiện có tổng số 48 trường PTDTBT, 57 trường có học sinh bán trú với tổng số 22.378 học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ, tăng 17.382 học sinh so với năm 2010; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học, THCS được học tại các trường PTDTBT đạt 29,8%. Đến trường ngoài việc học kiến thức, các em còn được giáo dục kỹ năng sống thông qua việc tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Môi trường nội trú giúp cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cả về thể chất và kỹ năng sống cho học sinh vùng cao.
Đã có 34/38 trường có diện tích đất để học sinh trồng rau, 20/38 trường đã tổ chức cho học sinh chăn nuôi nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày và rèn kỹ năng lao động, xây dựng nề nếp sinh hoạt tốt. Các hoạt động đó đã góp phần tạo niềm vui, niềm phấn khởi, niềm tin của học sinh và phụ huynh đối với các nhà trường. Từ đó, chất lượng giáo dục vùng khó khăn đã chuyển biến khá rõ nét. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm mạnh, bậc tiểu học không có học sinh bỏ học, bậc THCS chỉ còn 1%.
Đây chính là yếu tố quan trọng hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi các trường PTDTBT bậc THCS tăng từ 14% lên 22%; tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm từ 11% xuống còn 2,6%. Đối với bậc tiểu học, kết quả môn Toán, hoàn thành tốt đạt 15,9%; môn Tiếng Việt hoàn thành tốt đạt 14,5%.
Ngoài chính sách đối với học sinh nội trú, bán trú, học sinh con em các dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã được hưởng các chính sách khác như: miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ mầm non 3, 4, 5 tuổi, chính sách hỗ trợ học sinh khuyết tật, hỗ trợ học sinh THPT các trường ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải, hỗ trợ sinh viên người dân tộc thiểu số học cao đẳng, đại học…
Kết quả GD&ĐT ở các trường PTDTBT đã góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn cán bộ và phát triển nguồn nhân lực cho địa phương, đồng thời làm thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành và nhân dân các dân tộc thiểu số về giáo dục. Qua đó, mô hình trường PTDTBT đã củng cố niềm tin trong nhân dân về chính sách dân tộc, chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Thanh Vy