Lời giải cho tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/3/2018 | 7:15:43 AM

YBĐT - Gia đình nào có con tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì cán bộ, đảng viên và nhân dân không được đến tham dự đám cưới; chủ phông bạt, loa máy nếu phục vụ sẽ bị phạt hành chính là một nội dung trong quy ước của xã Lâm Giang nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tiếp diễn.

Đồng chí Giàng A Câu - Trưởng ban Dân tộc tỉnh (ngoài cùng bên trái) đến nắm bắt, tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên.
Đồng chí Giàng A Câu - Trưởng ban Dân tộc tỉnh (ngoài cùng bên trái) đến nắm bắt, tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên.

Trong những năm qua, các cấp ủy chính quyền trong toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, hiệu quả chưa đạt cao, thậm chí ở một số địa phương, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, tình trạng này còn có xu hướng gia tăng.

Thực trạng

Năm 2017, xã Tân Hương, huyện Yên Bình có 4 cặp tảo hôn. Tuy Đảng ủy xã đã có nghị quyết riêng và các tổ chức đoàn thể, chính trị đã chủ động tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhưng do nhận thức của một số gia đình, nhất là các đối tượng còn quá trẻ, bồng bột, thường có những quyết định chưa chín chắn dẫn đến vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình mà không nghĩ đến những hệ lụy sau này.
 
Năm 2017, em Nguyễn Thị H. ở xã Tân Hương tròn 17 tuổi đã lập gia đình. Tuy được bố mẹ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, giải thích, thậm chí có biện pháp răn đe nhưng em H. tuyên bố có "em bé” nên mọi nỗ lực trên đều bất thành.
 
Đồng chí Tạ Minh Nhất - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: "So với những năm trước đây thì tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã có giảm nhưng chưa triệt để và còn nhiều khó khăn. Trong năm, có 4 cặp vi phạm đều sinh năm 2000, trình độ học vấn 8/12. Dù biết chưa đến tuổi kết hôn nhưng các bạn trẻ đã "ăn cơm trước kẻng” dẫn đến có bầu để ép gia đình đồng ý việc kết hôn, mặc dù chính quyền không đồng ý”.
 
Trường hợp của em H. chỉ là một trong số 392 cặp tảo hôn trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2017. Theo báo cáo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh trong giai đoạn 2011- 2015, toàn tỉnh có 30.167 cặp kết hôn thì có 876 cặp tảo hôn và 13 cặp hôn nhân cận huyết thống. Riêng năm 2017, có 392 cặp tảo hôn, trong đó dân tộc Mông 277 cặp, Dao 76 cặp, Tày 19 cặp, Thái 5 cặp, số còn lại là các dân tộc khác như: Nùng, Mường, Cao Lan; kết hôn cận huyết thống có 4 cặp.

Đồng chí Giàng A Câu - Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định: "Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xuất phát từ cách suy nghĩ, thói quen của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Đối với họ, việc lấy chồng cho con cái cũng đồng nghĩa với việc trong nhà có thêm người làm nương, làm rẫy, sớm có người nối dõi”.
 
Qua tìm hiểu thực tế của các cặp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, nhất là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì kiến thức hiểu biết về xã hội còn rất hạn chế. Nhiều gia đình do điều kiện kinh tế khó khăn, con em học hành không đến nơi đến chốn dẫn đến trẻ thất học.
 
Cùng với đó, các bạn trẻ sống trong thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nên những băng đĩa, phim ảnh đồi truỵ được tiếp cận dễ dàng. Trong khi đó, hầu hết các em chưa hiểu hết về hệ luỵ cho bản thân, gia đình và xã hội mà tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra. Điều đáng nói hơn nhiều bạn trẻ chưa hoàn thiện về sinh lý, tâm lý đã phải trở thành cha mẹ, từ đó  làm suy giảm chất lượng dân số.
 
Khi tiếp với các cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi đặt 1 câu hỏi chung: "Các bạn có biết hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không”? Thì hầu hết các bạn trẻ đều ngây thơ trả lời: "Không biết”! Khi được cán bộ chuyên trách dân số, cán bộ của Ban Dân tộc tỉnh giải thích về hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là sẽ sinh ra những đứa trẻ còi cọc, khả năng chống lại bệnh tật kém, dễ mắc bệnh; dòng dõi, các thế hệ sau của gia đình ngày càng thấp bé, kém phát triển về trí tuệ…; đặc biệt tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vi phạm quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam... thì nhiều cặp rất ân hận vì những quyết định thiếu hiểu biết của mình.
 
Đi tìm lời giải

Năm 2017, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên có 3 cặp có ý định tảo hôn, nhưng chính quyền địa phương phát hiện kịp thời đã tuyên truyền, vận động để họ từ bỏ ý định kết hôn trước tuổi quy định của pháp luật.
 
Chị Đặng Thị Kích sinh năm 1979 nhưng đã lên chức bà ngoại mấy năm nay cho biết: "Trước đây mình lấy chồng khi chưa đủ tuổi quy định, rồi con gái cả cũng thế. Năm 2017, con gái thứ 2 chưa đủ tuổi lập gia đình nhưng có người ở xã khác đến xin cưới. Lúc đầu gia đình cũng định đồng ý nhưng khi được lãnh đạo xã, thôn đến khuyên bảo nên gia đình và hai cháu đã dừng lại để các cháu đủ tuổi mới kết hôn”.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Giang cho biết: "Trước đây, trên địa bàn xã mỗi năm có 3 - 5 cặp tảo hôn. Tuy nhiên khi thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” với nhiều nội dung như: không ép gả, không lấy vợ, lấy chồng trước độ tuổi quy định; tăng cường công tác tuyên truyền, phát tờ rơi, chủ động nắm bắt, phát hiện các cặp có dấu hiệu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì kịp thời tuyên truyền, vận động; cùng với đó đề ra các quy ước như: gia đình nào có con tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì cán bộ, đảng viên và nhân dân không được đến tham dự đám cưới; chủ phông bạt, loa máy nếu phục vụ sẽ bị phạt hành chính. Nhờ vậy trong năm nay ở Lâm Giang không còn tình trạng tảo hôn”.
 
Từ cách làm ở xã Lâm Giang trong việc khắc phục tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho thấy, giải pháp quan trọng để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là rất cần sự chung tay vào cuộc của không chỉ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mà cả các tổ chức đoàn thể và nhân dân phải chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các cặp đôi có nguy cơ cao trong vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hậu quả, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, Luật Hôn nhân và Gia đình cho đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số, người có uy tín trong cộng đồng, các già làng trưởng bản để phát huy tiếng nói của họ trong tuyên truyền, khuyên răn con cháu mình. Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng các hương ước, chế tài để răn đe các trường hợp vi phạm, làm bài học chung cho cộng đồng…
 
Thực hiện tốt các giải pháp đó, tin rằng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được đẩy lùi qua đó thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII "về công tác dân số trong tình hình mới” từng bước nâng cao chất lượng dân số, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Văn Tuấn

Các tin khác
Tòa án nhân dân huyện Trạm Tấu tổ chức xét xử lưu động.

YBĐT - Năm 2017, Tòa án nhân dân  huyện Trạm Tấu đã thụ lý 93 vụ, việc các loại; đã giải quyết 90/93 vụ, việc, đạt tỷ lệ giải quyết chung là 96,7%; trong đó, xét xử lưu động 19 vụ án hình sự.

YBĐT - Chỉ tính riêng năm 2017, MTTQ các cấp trong tỉnh đã kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức triển khai 4.786 buổi học tập các văn bản pháp luật có liên quan đến an ninh trật tự (ANTT); tổ chức cho trên 100.000 lượt hộ với trên 500.000 lượt người tham gia học tập và ký cam kết chấp hành, thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy ước về ANTT.

YBĐT - Thành phố Yên Bái vừa tổng kết công tác xây dựng Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" năm 2017; triển khai nhiệm vụ năm 2018. Năm 2017, thành phố chọn 8 địa bàn chỉ đạo vận động tập trung để cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Lực lượng chức năng đang thực hiện tiêu hủy 60 kg xúc xích, chả mực và nội tạng động vật

Ngày 27/3/2018, Đội Quản lý thị trường số 4 huyện Văn Yên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tiêu hủy 60 kg xúc xích, chả mực và nội tạng động vật đã chảy nước, bốc mùi hôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục