Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, việc giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng dần tỷ lệ lao động các nhóm ngành công nghiệp dịch vụ là điều tất yếu.
Trong đó, công tác đào tạo lao động được đa dạng hóa, từ việc thực hiện Đề án 1956 đến việc liên kết với các doanh nghiệp tự đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên được đánh giá đúng hướng.
Theo số liệu thống kê, thời điểm hiện tại, Lương Thịnh có gần 4.900 người trong độ tuổi lao động. Để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đồng thời chuyển dịch tốt cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, xã đã có những giải pháp thiết thực, cụ thể.
Trong đó, thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất liên kết chuỗi, nhằm giảm chi phí, sức lao động, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế; nâng cao thu nhập, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho lao động nông thôn; phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn như: trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số nghề phục vụ giải quyết việc làm tại chỗ đối với lao động nông nghiệp có nhu cầu chuyển đổi nghề như: sửa chữa điện tử, điện lạnh, cơ khí, gò hàn, nấu ăn, may mặc.
Không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông nghiệp, dịch vụ mà xã còn phối hợp tốt với gần 100 công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, chế biến quặng sắt tự đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm…
Cách làm này đã đưa tỷ lệ lao động có việc làm của Lương Thịnh đạt 93%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 42% tổng số lao động của xã; số lao động nông nghiệp giảm từ 84% năm 2015 xuống còn 64% và tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp lên 36%, góp phần nâng mức thu nhập của người dân đạt 33 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%.
"Địa phương xác định rõ việc làm tốt công tác hướng nghiệp từ học sinh đang học phổ thông đến các hội viên đoàn thể, chú trọng công tác đào tạo nghề đáp ứng với thị trường lao động, thực hiện các chính sách thu hút đầu tư để hình thành các vùng kinh tế tập trung về công nghiệp - dịch vụ, chăn nuôi và trồng trọt quy mô lớn để nâng cao đời sống cho nhân dân cũng như hoàn thành, duy trì các tiêu chí nông thôn mới” - ông Đinh Khắc Huyên - Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh khẳng định.
Với những chủ trương, chính sách phù hợp, xã Lương Thịnh đã và đang chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Người lao động nói chung và lao động khu vực nông thôn nói riêng đang có xu hướng giảm dần, thay vào đó là lao động nông nghiệp có kiến thức, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng, sản phẩm cao; lao động ngành công nghiệp - thương mại, dịch vụ ngày càng được nâng lên về số lượng và chất lượng, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay.
Thanh Hùng