Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2019

Phòng, chống ma túy: “Cuộc chiến” còn gian nan

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/6/2019 | 10:52:50 AM

YênBái - Riêng năm 2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh phá 163 chuyên án về tội phạm ma túy, bắt 279 đối tượng, thu giữ 17,8 kg hêrôin, 14,6 kg nhựa thuốc phiện, 53 kg quả thuốc phiện...


Nhiều năm trước, Yên Bái là "thủ phủ” của cây thuốc phiện của vùng Tây Bắc. Hệ lụy là một bộ phận người dân vùng cao nghiện hút, kéo theo các tài sản làm ra đều tan theo làn khói thuốc phiện. Sau khi thực hiện cuộc vận động "ba bỏ” (bỏ trồng, bỏ sử dụng, bỏ buôn bán vận chuyển các chất ma túy), người nghiện truyền thống còn khoảng 30%, số còn lại chuyển sang hình thức dùng ma túy tổng hợp, hêrôin… gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, đấu tranh phòng chống loại tội phạm nguy hiểm này. 

Hiện, Yên Bái có 2.786 người nghiện có kiểm soát, số lượng ngoài xã hội hơn 2.200, còn lại trong cơ sở cai nghiện và trại giam.

Cuộc chiến gian nan

Trò chuyện với chúng tôi về cuộc chiến chống tội phạm ma túy, Thượng tá Phạm Song Tùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh nhớ những ngày bám bản giữa mùa đông lạnh buốt, leo dốc vào một khe núi vắng lặng theo "mối hàng", bằng các nghiệp vụ, đã tóm gọn bọn buôn bán ma túy, cắt đứt một "vòi bạch tuộc" trên tuyến Tây Bắc. 

Rồi chuyện bản thân và đồng đội bị đối tượng nhiễm HIV tiến công, phải điều trị chống phơi nhiễm, khiến cả gia đình suy sụp về tinh thần suốt một thời gian dài. Rất may, sau khi kiểm tra lại, tất cả đều âm tính với HIV. 

Thượng tá Tùng bộc bạch: "Kẻ buôn bán, vận chuyển ma túy dùng đủ mánh khóe. Các đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy thường khép kín, có quan hệ dòng họ, gia đình mật thiết nên rất khó khăn trong tiếp cận trinh sát. Họ biết việc mình làm và phải chịu án phạt rất cao, cho nên rất manh động. Ðịa hình hiểm trở, các đối tượng vận chuyển thường sử dụng dao sắc nhọn, sẵn sàng chống lại công an, cho nên việc chọn thời điểm phá án phải rất sâu sát, tỉ mỉ và bảo đảm tuyệt đối an toàn”.

Tháng 9/2018, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa bị cô lập gần ba tuần do mưa bão, các tuyến đường gần như tê liệt do sạt lở ta luy và lũ quét cuốn trôi các cầu cống. Chuyên án 918 được xác lập với đối tượng Hảng A Kỷ, sinh 1987, trú tại xã Mường Lý, huyện Mường Lát, nhằm bóc gỡ đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy. 

Được lệnh, các trinh sát từ Yên Bái vượt hơn 500 km vào đến trung tâm huyện lỵ, rồi đi bộ gần 30 km đường núi đến xã trong điều kiện mưa rừng, vắt  muỗi bám cắn, đói mệt vì vừa đi vừa khắc phục giao thông bị chia cắt, nhằm củng cố hồ sơ phá án. Bản Mông của Kỷ ở xa lắc, các trinh sát vận dụng tiếng dân tộc, dựa vào trưởng bản có uy tín, kiên trì rà soát nắm tình hình. Biết Kỷ vượt rừng vận chuyển 20 bánh hêrôin từ bên kia biên giới về huyện ly, rồi lên xe khách về Hà Nội, chuyển xe về Yên Bái…, các trinh sát bám theo. 

Khi Hảng A Kỷ vừa bước xuống xe khách tại phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái được công an áp sát, kiểm tra hành lý của Kỷ mang theo có 20 bánh hêrôin, trọng lượng 7 kg, theo giá thị trường tại thời điểm đó tương đương 3,6 tỷ đồng.

Thượng tá Quách Minh Điệp - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết: Nhờ bám nắm địa bàn, làm tốt công tác dân vận, cán bộ, chiến sỹ thường xuyên trau dồi kinh nghiệm công tác, các kỹ thuật nghiệp vụ, võ thuật và sức khỏe, nên đơn vị được UBND tỉnh, Ban Giám đốc đánh giá cao. 

Tính riêng năm 2018, đơn vị phá 163 chuyên án về tội phạm ma túy, bắt 279 đối tượng, thu giữ 17,8 kg hêrôin, 14,6 kg nhựa thuốc phiện, 53 kg quả thuốc phiện, hơn 718 triệu đồng, 3 ô tô, 69 mô tô, 195 điện thoại di động cùng nhiều tang vật có liên quan. 

Do bị đánh mạnh vào các ổ nhóm, đường dây vận chuyển ma túy nên hiện tại, vùng Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng tình hình tội phạm này có giảm, đang dịch chuyển sang hoạt động vùng khác. 

Vùng cao các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn vẫn là nơi nguy cơ cao về tái trồng cây thuốc phiện, tỷ lệ người nghiện ma túy ngoài xã hội khá lớn. Do vậy, cuộc chiến ma túy này còn đầy gian nan, vất vả.

Gánh nặng với xã hội

Con thuyền máy nổ giòn, rẽ nước đưa chúng tôi ra "đảo cai nghiện” trên hồ Thác Bà. Sau 20 phút lênh đênh giữa những đảo xanh mướt bạch đàn, keo, tràm nước đã thấy vườn hoa hướng dương vàng rực trước cơ sở. 

Gọi là "đảo cai nghiện” nhưng tên đầy đủ sau nhiều lần đổi nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái, được thành lập từ tháng 4/1992. Nơi đây tiếp nhận đối tượng nghiện ma túy khắp cả nước nhưng chủ yếu là người nghiện trong tỉnh vào đây chữa trị, phục hồi và đào tạo nghề để tái hòa nhập cộng đồng.

Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái Lê Công Huấn ở độ tuổi 40, da đen giòn vì cả ngày phơi nắng gió, đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi. Các khu A, B và sau cai được đầu tư xây dựng khanh trang với các dãy nhà hai tầng kiên cố, bao quanh là cây xanh, vườn hoa. 

Đặc biệt, nơi đây là không gian mở vì không có tường cao, rào kẽm như nơi khác. Là một trong những cơ sở cai nghiện được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao về quản lý học viên, học viên có tinh thần yêu thương nhau giữa những người chung cảnh ngộ. 

Giám đốc Huấn phấn khởi: "Được thế này là cả quá trình nhà báo ạ! Với mức tiền ăn chỉ có 0,8 mức lương cơ sở (khoảng hơn một triệu đồng/tháng), đơn vị đã chủ động toàn bộ rau xanh, đậu phụ, cá lồng, bò, lợn… phục vụ bữa ăn cho 370 học viên. Bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, các sản phẩm học viên làm ra được đưa vào bữa ăn hàng ngày, nên mọi người đều có sức khỏe tốt, nhất là với người đang điều trị thuốc ARV (thuốc điều trị HIV)”.

Hoàng Văn Cường - 56 tuổi, vào cơ sở cai nghiện lần này là lần thứ năm bắt buộc, tính cả hai lần tự nguyện nữa thì Cường có đến 14 năm gắn bó với nơi đây. 

Khi đã trải lòng, Cường kể về những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, khi huyện Lục Yên - quê Cường cả làng, cả bản bỏ ruộng lên núi đào đá đỏ tìm kiếm vận may, nhiều người kiếm được tiền triệu dễ dàng. Có tiền một cách dễ dàng, lại nhiều nữa, nên Cường thử dùng thuốc phiện theo sự lôi kéo của bạn bè, sau nghiện thì dùng hêrôin. 

Cuộc đời éo le, Cường lấy hai vợ, có chín người con, nay đều có gia đình riêng, may mà không ai theo gương bố nên đều có cuộc sống ổn định. Cứ hai tháng, hai bà vợ lại rủ nhau đi xe khách gần 100 km xuống thăm chồng, quà là mấy gói thuốc lào, bộ quần áo lót, khăn mặt… Ấy cũng là sự động viên lớn!

Theo đánh giá, người nghiện từ ba năm trở lên vào cơ sở cai nghiện chiếm khá cao, tỷ lệ cai nghiện thành công chỉ chiếm 20%, dù hết thời gian 24 tháng qua kiểm tra y tế khi trả về địa phương mọi người đều âm tính với ma túy. 

Điều quan trọng là việc tái hòa nhập cộng đồng, họ phải được gia đình cùng địa phương tạo việc làm. Nhiều người cai thành công, có cuộc sống ổn định và trưởng thành nhờ quyết tâm của chính người nghiện và được gia đình kề bên động viên, chia sẻ. 

Cách đây 20 năm, con trai duy nhất một cán bộ cấp tỉnh ở Bắc Giang được đưa vào đây cai tự nguyện, khi hết thời hạn về nhà đã có mái ấm gia đình hạnh phúc, người ấy hiện đang công tác ở một cơ quan truyền thông và có cương vị lãnh đạo triển vọng, thi thoảng vẫn gọi điện thoại cảm ơn đơn vị.

Hiện, địa bàn tỉnh có 9 cơ sở điều trị Methadone, bảo đảm phục vụ cho bệnh nhân dễ tiếp cận với chương trình, năm 2019 sẽ mở thí điểm cấp phát thuốc tại trạm y tế xã, theo phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế hướng dẫn. Số bệnh nhân hiện đang điều trị bằng Methadone lũy tích là hơn 2.000 người. 

Theo đánh giá kết quả điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong giai đoạn 2013 - 2018 tại Yên Bái, Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hồng Vân cho biết: "Methadone giúp dừng hoặc giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp. Methadone giúp làm giảm tỷ lệ tiêm chích ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị, từ đó giúp giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu; giảm tỷ lệ tử vong do quá liều hêrôin". 

"Bên cạnh đó, việc điều trị nghiện bằng Methadone đã giúp người nghiện dừng và giảm sử dụng hêrôin, tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, không còn lệ thuộc vào ma túy, người bệnh dần phục hồi sức khỏe, ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống, từ đó giảm các hành vi phạm pháp, có khả năng lao động và tạo thu nhập” - Phó giám đốc Vân nói.

Tuy nhiên, là tỉnh miền núi nên số ít địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc chỉ đạo và ưu tiên đầu tư cho việc triển khai điều trị Methadone, chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện chỉ tiêu. Chưa triển khai hoạt động điều trị Methadone tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội theo Quyết định số 493/2016/QĐ-BYT của Bộ Y tế về "Hướng dẫn điều trị Methadone trong các cơ sở cai nghiện ma tuý”. 

Vẫn còn tình trạng chưa thống nhất về nhận thức và áp dụng các quy định pháp luật đối với người nghiện ma túy ở một số cơ sở. Người nghiện ma túy còn ngại lộ diện, không dám tham gia điều trị do sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng, cũng như họ chưa thực sự hiểu rõ về bản chất và lợi ích của điều trị thay thế nói chung và điều trị Methadone nói riêng.

Thanh Sơn

Tags Yên Bái ma túy HIV Methadone

Các tin khác
Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm với 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019 ngày 4/6.

Từ ngày 4-6/6, tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện tổ chức các hoạt động tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn, hôm nay (5/6), miền Bắc, miền Trung bước vào đợt nắng nóng diện rộng mới.

Trong Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2019, qua kiểm tra 30 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt 6 cơ sở với số tiền 20 triệu đồng; tiêu hủy hàng hóa, phụ gia không đảm bảo ATTP trị giá khoảng 1,5 triệu đồng.

Tuần tra trên đảo Trường Sa.

Đảo Trường Sa được coi là "thủ đô" của quần đảo Trường Sa. Những năm vừa qua, cán bộ chiến sỹ hải quân và nhân dân trên đảo đã không ngại hy sinh gian khổ, chủ động khắc phục khó khăn, trên dưới một lòng lập được nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục