Trạm Tấu là huyện vùng cao với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bên cạnh những khó khăn về điều kiện kinh tế, nhận thức của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) chưa được đầy đủ và không đồng đều. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại nhiều tập quán trong sử dụng, chế biến thực phẩm; cách sử dụng rễ, thân, lá, quả một số loài cây để ngâm rượu.
Đặc biệt, trên thị trường xuất hiện những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng ở vùng sâu, vùng xa… khiến Trạm Tấu luôn là địa bàn có nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bác sĩ Giàng A Gia - Trưởng phòng Y tế Trạm Tấu cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 291 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong đó: ngành y tế quản lý 82 cơ sở, ngành nông nghiệp quản lý 27 cơ sở, ngành công thương quản lý 182 cơ sở.
Đảm bảo ATTP trong điều kiện cụ thể của địa phương, huyện xác định phải tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác quản lý Nhà nước về ATTP; củng cố và nâng cao năng lực hệ thống quản lý về ATTP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về bảo đảm ATTP nhằm nâng cao nhận thức, thực hành đúng về ATTP trong cộng đồng”.
Bên cạnh kết quả tích cực trong công tác tuyên truyền, trong 6 tháng đầu năm các cơ quan chức năng huyện Trạm tấu đã kiểm tra 251 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trong đó có 185 cơ sở đạt, 66 cơ sở vi phạm. Đã xử phạt 7 cơ sở với số tiền hơn 2,8 triệu đồng; 16 cơ sở với 10 loại sản phẩm bị tiêu hủy, trị giá hàng hóa gần 900.000 đồng; nhắc nhở 43 cơ sở vi phạm. |
Theo đó, Trạm Tấu đã tổ chức triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về vệ sinh ATTP trên các phương tiện truyền thông tại địa phương; tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng dân tộc phát trên sóng phát thanh, truyền hình nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện về tầm quan trọng của đảm bảo ATTP đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội; in, cấp phát các áp phích với nội dung dễ hiểu, phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn để tuyên truyền và tăng cường các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trạm Tấu đã tổ chức 56 buổi nói chuyện với 1.680 người tham gia, phát trên 1.200 tờ rơi, tờ gấp, trên 40 băng rôn, khẩu hiệu, băng, đĩa, áp phích…
Các cơ quan, đoàn thể đã chủ động phối hợp trong phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP..., tạo được bước chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các nhà quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh và thay đổi hành vi tiêu dùng thực phẩm của người tiêu dùng.
Các đợt truyền thông trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, "Tháng hành động vì ATTP" năm 2020 với Chủ đề "Tiếp tục nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm"… thực sự là chiến dịch vận động xã hội rộng lớn với hai hoạt động chủ yếu là truyền thông và kiểm tra, giám sát.
Đây cũng là dịp để địa phương huy động các đoàn thể, xã hội, người tiêu dùng tham gia tuyên truyền, tư vấn kiến thức, kỹ thuật giúp doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoàn thiện các điều kiện về ATTP.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra cũng nhận được hướng dẫn, nhắc nhở để kịp thời điều chỉnh những thiếu sót trong việc sản xuất, kinh doanh và thực thi các văn bản pháp luật về đảm bảo ATTP. Đặc biệt, tuyên truyền hướng dẫn bảo đảm ATTP trong phòng chống dịch Covid-19.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thành viên Ban Chỉ đạo ATTP huyện, công tác quản lý Nhà nước về ATTP đã có bước chuyển biến tích cực. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể đối với công tác ATTP.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông được thực hiện một cách tích cực và đồng bộ, đã nâng cao được hiệu quả và lan tỏa trong cộng đồng tới các đối tượng khác nhau, giúp người dân nhận biết các mối nguy mất ATTP, các biện pháp lựa chọn thực phẩm an toàn và các quy định pháp luật về ATTP; nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng từng bước được nâng lên, các cơ sở có ý thức hơn đối với các mặt hàng thực phẩm đang kinh doanh trên thị trường.
Thành Trung