Bệnh đục thủy tinh thể là gì?
Đục thủy tinh thể là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi, là thành phần quan trọng giúp cho ánh sáng đi qua, giúp các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc.
Công suất hội tụ của thể thủy tinh có vai trò quan trọng đối với hệ thống khúc xạ, giúp tiêu điểm ảnh hội tụ đúng trên võng mạc khi nhìn xa. Khả năng thay đổi độ dày của thể thủy tinh gọi là sự điều tiết có tác dụng giúp mắt nhìn rõ những vật ở gần.
Khi tình trạng trong suốt này mất đi, thể thủy tinh sẽ chuyển màu mờ đục và ánh sáng rất khó đi qua. Bệnh nhân bị suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ và thậm chí có thể gây mù lòa.
Bệnh đục thủy tinh thể có nguy hiểm và phổ biến không?
Đục thể thủy tinh là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến nhất trên thế giới. Có khoảng 25 đến 50 triệu người trên toàn cầu có thị lực < 1/20 là do đục thể thủy tinh.
Theo các nghiên cứu khoa học tại Framingham Eye Study tỷ lệ người mắc bệnh đục thủy tinh thể ở tuổi 55 đến 64 là 4,5%, tỷ lệ này tăng lên 18% ở độ tuổi 65 đến 74 tuổi và cao nhất ở tuổi từ 75 đến 84 là 45,9%.
Theo WHO (Tổ chức Y tế thế giới) tỷ lệ mù do đục thể thủy tinh tăng dần mỗi năm bất chấp những tiến bộ trong điều trị. Năm 2002, WHO ước tính mù do đục thể thủy tinh là hơn 17 triệu người (47,8%) trong tổng số 37 triệu người mù trên toàn tế giới.
Con số này được dự đoán đến năm 2020 là 40 triệu người và số ca phẫu thuật đục thủy tinh phải tăng gấp 3 lần mới đáp ứng được. Đục thủy tinh thể được xem là yếu tố nguy cơ độc lập gây tăng tỷ lệ tử vong ở người lớn tuổi.
Nguyên nhân đục thủy tinh thể và các yếu tố nguy cơ?
Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh đục thủy tinh thể như: môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng, di truyền, chấn thương… Tuy nhiên, đục thủy tinh thể do tuổi tác chiếm tới 99%. Hiện tượng đục thể thủy tinh hầu hết đều xuất hiện sau độ tuổi 60.
Các dấu hiệu bệnh đục thủy tinh thể là gì?
Giảm thị lực là triệu chứng quan trọng nhất. Thường là nhìn mờ cả hai bên khá cân xứng. Đục thủy tinh thể ảnh hưởng tới tầm nhìn trung tâm, bắt đầu từ việc tầm nhìn mờ khi nhìn xa, sau đó tầm nhìn gần cũng bị ảnh hưởng trừ một thể đục đặc biệt là đục dưới bao sau thể thủy tinh. Mức độ giảm thị lực tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh, ở giai đoạn đầu sẽ mất khoảng 1/10 thị lực, khi bệnh nặng nhất thì người bệnh chỉ còn nhận biết được ánh sáng.
Điều trị bệnh đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể là một bệnh nguy hiểm, vì thế cần chữa trị kịp thời. Cho đến nay các thuốc tổng hợp hóa dược rất khó có thể làm trong thủy tinh thể trở lại.
Với những trường hợp đục thủy tinh thể giai đoạn đầu chưa cần thiết phải phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cho bổ sung một số vitamin như C, A, E… và một số hoạt chất khác để làm chậm lại tiến trình đục thủy tinh thể. Tăng cường ánh sáng trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khói bụi.
Hiện nay phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật và phương pháp phẫu thuật phacoemusification (kỹ thuật mổ Phaco) ngày càng phổ biến, cũng là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tốt nhất. Ưu điểm của nó là vết mổ nhỏ, thị lực nhanh chóng được hồi phục, ít xảy ra biến chứng, bệnh nhân có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.
Mặc dù các ca mổ Phaco hiện nay chỉ kéo dài khoảng 5 đến 10 phút nhưng trên thực tế phẫu thuật đục thủy tinh thể được xếp vào nhóm đại phẫu do nó là một phẫu thuật nội nhãn và tác động trực tiếp đến thị lực.
Từ nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái đã cử đội ngũ bác sĩ đi đào tạo kỹ thuật mổ Phaco, hợp tác với nhiều bệnh viện đầu ngành về nhãn khoa như Bệnh viện Mắt Trung ương, Viện Mắt quốc tế Sài Gòn; đặc biệt là đầu tư các trang thiết bị phẫu thuật Phaco tiên tiến nhất thế giới.
Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi và các trang thiết bị hiện đại, mỗi năm Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái tiến hành hàng nghìn ca phẫu thuật Phaco thành công, tìm lại ánh sáng cho nhiều bệnh nhân với chi phí rất thấp, nhất là đối với người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế.
Bác sĩ Nguyễn Văn Bình