Methadone là chất thay thế được sử dụng trong điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện, sử dụng hoàn toàn qua đường uống, làm giảm thèm muốn và khóa tác động của hêrôin từ từ nên được coi là giải pháp an toàn cho sức khỏe của người nghiện, giúp điều trị hiệu quả, giảm nguy cơ tử vong, giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh nhiễm trùng cơ hội do tiêm chích gây ra cộng đồng.
Chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến hết tháng 4/2021, toàn tỉnh có 7 cơ sở điều trị Methadone gồm: thành phố Yên Bái 1 cơ sở điều trị cho 450 bệnh nhân; thị xã Nghĩa Lộ 1 cơ sở điều trị cho 175 bệnh nhân; Văn Chấn 1 cơ sở điều trị cho 120 bệnh nhân; Mù Cang Chải 2 cơ sở điều trị cho 154 bệnh nhân; Lục Yên 1 cơ sở điều trị cho 80 bệnh nhân và Văn Yên 1 cơ sở điều trị cho 107 bệnh nhân.
Sau 7 năm thực hiện, Chương trình đã góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy, cải thiện sức khỏe cho người bệnh, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, giảm gánh nặng về tài chính cho mỗi cá nhân và gia đình người nghiện ma túy.
Đại dịch HIV/AIDS đang có xu hướng giảm, nếu như năm 2014, tỷ lệ ca HIV dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm là 2,07%, thì năm 2019 chỉ còn là 0,29% và đến 6 tháng đầu năm 2020 là 0,23%. Điều trị Methadone góp phần giảm tỷ lệ người sử dụng ma túy bất hợp pháp, giảm tội phạm do sử dụng hêrôin, tội phạm liên quan đến buôn bán ma túy và trộm cắp tài sản. Sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, giảm tỷ lệ tử vong do sốc thuốc quá liều và các bệnh lây truyền qua đường máu. 100% bệnh nhân điều trị Methadone tại các cơ sở đều được cấp mã vạch cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, quản lý, giáo dục người nghiện ma túy tại cộng đồng.
Công tác quản lý thuốc tại các cơ sở điều trị đảm bảo theo quy định. Thuốc Methadone được sử dụng đáp ứng nhu cầu, đúng mục tiêu điều trị của bệnh nhân, tổng số thuốc được cấp giai đoạn 2013 - 2020 là 11.985 lít với số tiền trên 6,6 tỷ đồng.
Nhằm tiếp tục bảo đảm cung cấp đủ nguồn thuốc Methadone cho các cơ sở điều trị trên địa bàn và tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân tự nguyện tham gia điều trị, góp phần nâng cao chất lượng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, đảm bảo an ninh xã hội, thúc đẩy người nghiện ma túy tái hoà nhập cộng đồng, UBND tỉnh đã có kế hoạch đảm bảo nguồn thuốc Methadone cho công tác điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế từ nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2022 - 2024 với mục tiêu 100% các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh có đủ nguồn thuốc cho công tác điều trị Methadone đảm bảo số lượng, chất lượng, hiệu quả.
Ngân sách địa phương là nguồn lực chủ yếu đảm bảo về thuốc hàng năm đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn.
Duy trì hiệu quả mô hình điều trị Methadone trên địa bàn toàn tỉnh góp phần mang lại lợi ích sức khỏe, giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, giảm tệ nạn xã hội khác. Giai đoạn 2022 - 2024 sẽ điều trị cho 3.653 bệnh nhân; trong đó, năm 2022 là 1.155 bệnh nhân, năm 2023 là 1.218 bệnh nhân, năm 2024 1.280 bệnh nhân, dự kiến nhu cầu thuốc Methadone cả giai đoạn là 9.333 lít với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng. Các ngành chức năng liên quan tuyên truyền xây dựng kế hoạch, cung ứng, điều trị theo quy định. UBND các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch, hàng năm tổ chức đánh giá, kết quả thực hiện tại địa phương, công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh thực hiện tốt kế hoạch của tỉnh, làm tốt công tác quản lý điều trị tại các cơ sở còn rất cần sự chung tay của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội giúp người bệnh xóa bỏ mặc cảm, có thêm nghị lực, yên tâm điều trị, đưa Yên Bái đến với mục tiêu xóa bỏ đại dịch AIDS vào năm 2030.
Ngọc Trúc