Yên Bái: Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/6/2022 | 7:47:50 AM

YênBái - Ngay khi Công văn số 2129/BYT-DP ngày 27/4/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết được ban hành, ngành y tế Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp chủ động phòng, chống.

Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết (Ảnh minh họa)
Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết (Ảnh minh họa)

Dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 22/5/2022, cả nước ghi nhận 30.168 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, gấp đôi ca mắc so với thời điểm ngày 22/4/2022. Trong đó, có 13 trường hợp tử vong tại một số tỉnh. 

Đáng lo ngại, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19, thời tiết lại có diễn biến bất lợi, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài, các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Do vậy, thời gian tới, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống. 

Tại Yên Bái, từ đầu năm đến ngày 26/5, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, trên địa bàn ghi nhận 2 trường hợp sốt xuất huyết có hộ khẩu thường trú tại tỉnh nhưng đang làm ăn, sinh sống ở các tỉnh phía Nam. Các ca bệnh đều được điều trị tại các cơ sở y tế, không có diễn biến nặng và không có tử vong. 

Qua điều tra, giám sát các ca bệnh đều nhiễm bệnh ở nơi khác, từ vùng đang có dịch về Yên Bái. Theo đánh giá của chuyên gia dịch tễ học, Yên Bái không nằm trong vùng nguy cơ cao của dịch sốt xuất huyết bởi giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm không có véc tơ truyền bệnh (muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus). 

Nhiều năm nay, Yên Bái không phát hiện các ca bệnh phát sinh tại chỗ mà các ca bệnh rải rác chủ yếu là xâm nhập. Song, không vì thế mà chủ quan, các cấp, ngành cần phải chủ động nhiều giải pháp tích cực đồng bộ để phòng, chống sốt xuất huyết; kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh này.

Để chủ động kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát, lan rộng trên địa bàn tỉnh, ngành y tế đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân, hạn chế thấp nhất trường hợp biến chứng nặng, gây tử vong. 

Mặt khác, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị, cơ sở y tế thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết; tổ chức 5 lớp tập huấn cho 340 cán bộ y tế tuyến huyện, nhân viên y tế thôn bản về công tác giám sát dịch tễ, triệu chứng... 

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt loăng quăng, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia và vận động người dân khơi thông cống rãnh, không để các vũng nước đọng, phát quang bụi rậm, lùm cây. 

Theo tinh thần công văn của Bộ Y tế, ngành y tế tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các nơi xảy ra dịch; tổ chức chiến dịch lớn diệt loăng quăng (bọ gậy) từ nay đến hết năm; tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại hộ gia đình; thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân, đảm bảo điều trị tại chỗ những trường hợp nhẹ, không chuyển tuyến khi không đúng chỉ định; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế và mạng lưới cộng tác viên. 

Đồng chí Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Tỉnh Yên Bái không nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch, nhưng ngay từ đầu năm, ngành đã xây dựng kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết. Thời điểm hiện tại, trên địa bàn ghi nhận các ca bệnh là người lao động nhưng đang làm việc ở các địa phương có dịch sốt xuất huyết. Không vì thế mà chủ quan, không loại trừ bệnh dịch bùng phát ở địa bàn tỉnh. 

Chính vì vậy, phải giám sát thường xuyên khi có ca bệnh sốt xuất huyết lâm sàng thông qua hệ thống phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm và thông tin từ các cơ sở điều trị; giám sát thường xuyên 100% ca bệnh khi có thông tin về trường hợp nghi ngờ, điều tra xác minh tại cơ sở và báo cáo theo quy định. Ngoài ra, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động cắt đứt đường truyền bệnh hay nói cách khác phá bỏ nơi trú ngụ, hạn chế tối đa sự sinh sản phát triển của muỗi truyền bệnh. Đặc biệt, người dân cần nâng cao hiểu biết hơn nữa ý thức tự bảo vệ, phòng, chống dịch này”.

Trần Minh

Tags Yên Bái sốt xuất huyết Công văn số 2129/BYT-DP Covid-19

Các tin khác
Đại lý thu Hội LHPN xã Minh Bảo phối hợp với Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng của BHXH tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho hội viên và người dân tại thôn Yên Minh.

Mỗi nhân viên đại lý thu sâu sát, quan tâm đến người tham gia bằng việc nắm bắt về thời gian tham gia, thời gian sắp hết hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), thời gian đến hạn đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, BHYT hộ gia đình để đôn đốc, nhắc nhở họ đóng đúng, đủ, đảm bảo quyền lợi và tính liên tục.

Lớp tập huấn cung cấp nhiều kiến thức cơ bản về quyền trẻ em.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh vừa phối hợp với Tổ chức Adoptionscentum Thụy Điển tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức và xây dựng chính sách bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ hội phụ nữ các cấp và các bên liên quan của tỉnh Yên Bái.

Trong 3 năm, các cơ quan phối hợp đã cung cấp được 12.435 thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Qua số liệu thống kê hàng năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, trung bình mỗi ngày có 5 trẻ bị đuối nước, đứng đầu trong các tai nạn thương tích của trẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục