Sân khấu hóa - hình thức truyền thông hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/8/2022 | 2:00:33 PM

YênBái - Sân khấu hóa là hình thức truyền thông mang lại nhiều thông điệp, dễ tiếp cận tới đối tượng được truyền thông đã được các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) quan tâm thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.

Tiểu phẩm của Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” đến từ xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ.
Tiểu phẩm của Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” đến từ xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ.

Giao lưu mô hình câu lạc bộ (CLB) "Gia đình hạnh phúc” do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay là một minh chứng rõ nét cho điều này.

Chương trình giao lưu quy tụ những tiểu phẩm đa dạng về chủ đề, sâu sắc thông điệp qua sự thể hiện của 45 diễn viên không chuyên đến từ các CLB "Gia đình hạnh phúc” ở 9 huyện, thị, thành phố. "Đừng để trẻ em sinh ra trẻ em” vẫn là thông điệp thường được nhắc đến trong truyền thông về phòng, chống tảo hôn nhưng với tiểu phẩm đến từ CLB "Gia đình hạnh phúc” xã Suối Bu (Văn Chấn), thông điệp đó như được khắc sâu hơn trong tâm trí của khán giả và của chính người diễn trước sự đau khổ của "bà mẹ nhí” và đứa trẻ sinh ra - nạn nhân của tảo hôn cùng gia đình nhân vật trong tiểu phẩm. 

Chị Vàng Thị Sư - Chủ nhiệm CLB "Gia đình hạnh phúc” thôn Ba Cầu - xã Suối Bu cũng là diễn viên tham gia diễn tiểu phẩm chia sẻ: "Chính bản thân mình khi trực tiếp tham gia tập luyện rồi diễn tiểu phẩm này cùng các anh, chị em cũng cảm thấy thấm thía, suy nghĩ, trăn trở nhiều hơn nữa về vấn nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại ở địa bàn vùng cao. Trong sinh hoạt của CLB "Gia đình hạnh phúc” ở thôn, mình sẽ tiếp tục cùng các thành viên chia sẻ, tuyên truyền nhiều hơn nữa về nội dung này để trẻ em vùng cao, nhất là trẻ em gái không trở thành nạn nhân của tảo hôn, để các em được đến trường khi còn ở tuổi đi học”. 

Còn Chị Giàng Thị Sểnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Bu thì cho biết: "Xã Suối Bu chọn tiểu phẩm về chủ đề phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để mong sao có thể góp thêm tiếng nói tuyên truyền giúp làm giảm tình trạng này. Trong những tháng đầu năm nay, Hội đã tích cực tuyên truyền vận động được hai cặp không tảo hôn”.

Mua bán người luôn là vấn đề nóng và phức tạp, gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng đối với các nạn nhân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Mong muốn truyền tải sinh động các kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người, Hội LHPN Mù Cang Chải đã mang đến tiểu phẩm "Vạch mặt kẻ mua bán người”.

Chị Sùng Thị Mỷ - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Do nhận thức của chị em phụ nữ trên địa bàn huyện còn hạn chế nên dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Vì thế, chúng tôi muốn thông qua tiểu phẩm này để có thể giúp khán giả, nhất là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn một số thủ đoạn dụ dỗ của những kẻ buôn người, có thêm kỹ năng để bảo vệ bản thân mình, không trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người, cũng có thêm hiểu biết để chuyên tâm làm ăn, sinh sống trên làng bản mình, chăm lo cuộc sống gia đình”. 

Rất nhiều những thông điệp, kiến thức, kỹ năng... đã được truyền tải sinh động, thu hút như vậy qua các tiểu phẩm tại buổi giao lưu này, từ tiểu phẩm "Mẹ hiểu ra rồi” đến từ CLB "Gia đình hạnh phúc” xã Quy Mông (Trấn Yên) chuyển tải các thông điệp về xây dựng gia đình toàn mỹ, gia đình hạnh phúc; tiểu phẩm "Chuyện gia đình”đến từ CLB "Gia đình hạnh phúc” xã Phú Thịnh (Yên Bình) với các thông điệp gắn kết tình cảm, kết nối cảm xúc và yêu thương giữa các thành viên trong gia đình hay thông điệp bạo lực gia đình không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho các  thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật được thấy rõ trong tiểu phẩm "Chuyện nhà ông Pọm” đến từ CLB "Gia đình hạnh phúc” thị xã Nghĩa Lộ... 

Chị Nguyễn Thị Huyền - phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái tham dự buổi giao lưu chia sẻ: "Mình cũng luôn ý thức về việc quan tâm, chia sẻ với các con. Nhưng quả thực xem tiểu phẩm "Chuyện gia đình” chợt nhận thấy có lúc mình vẫn sao nhãng, mắc lỗi như người làm cha mẹ trong tiểu phẩm thể hiện. Bản thân mình cần phải quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa với các con để vun đắp cho hạnh phúc gia đình”.

Bà Giang Thị Thu Thủy - Giám đốc Phát triển vùng Yên Bái - Tuyên Quang (Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam) nhận xét: "Truyền thông thông qua hình thức nghệ thuật là cách rất dễ để người ta tiếp nhận những thông điệp. Các thông điệp được chuyển tải một cách cô đọng vừa bằng hình ảnh và nội dung để người xem có thể liên hệ, liên tưởng tới cuộc sống gia đình. Hạnh phúc không phải là đích đến mà là một hành trình. Trong hành trình xây dựng hạnh phúc gia đình luôn cần sự tích cực và hướng đến những điều tốt đẹp của các thành viên gia đình, dù trải qua chuyện gì cũng luôn có nhau và cùng nhau. Các tiểu phẩm đã chuyển tải được thông điệp đó, như mục tiêu mà Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hướng tới là thúc đẩy các mối quan hệ tích cực trong mỗi gia đình và mỗi cộng đồng”.
Thu Hạnh

Tags Yên Bái sân khâu hóa chỉ số hạnh phúc gia đình hạnh phúc

Các tin khác
Một góc thành phố Yên Bái hôm nay. (Ảnh minh họa)

Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 12 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 10 đô thị loại V. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt trung bình 20,19%.

Ảnh minh họa.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận từ 1/1 - 23/7/2022 có hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO.

Cán bộ Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái và Điện lực Yên Bái tuyên truyền người dân tham gia thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. ảnh minh họa

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.024 đơn vị trả trả lương qua tài khoản ngân hàng, trong đó: 873/979 đơn vị hưởng lương ngân sách nhà nước trả lương qua tài khoản, chiếm 89,17%; 113 doanh nghiệp và 60 đơn vị tổ chức khác trả lương qua tài khoản.

Lớp học tiếng nói, chữ viết của người Dao, xã Tân Đồng được người có uy tín Đặng Hồng Quân (đầu tiên, bên trái) trực tiếp giảng dạy.

Huyện Trấn Yên hiện có 12 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi với 80 người có uy tín trong cộng đồng. Thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, những năm qua, người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Trấn Yên được ví như cầu nối giúp gắn kết ý Đảng với lòng dân, nêu gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục