Dự thảo Thông tư quy định về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trong lực lượng Công an Nhân dân vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong thời gian 2 tháng.
Thông tư này sẽ áp dụng đối với lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ thuộc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH.
Bộ Công an đề xuất tiêu chuẩn cán bộ huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy, CNCH là người có trình độ trung cấp PCCC và CNCH trở lên và có một trong các điều kiện sau: Có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm công tác nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn về nghiệp vụ chữa cháy và CNCH hoặc là lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên thuộc Cục Cảnh sát PCCC và CNCH; là giảng viên hoặc lãnh đạo khoa, phòng và tương đương thuộc Trường Đại học PCCC; có ít nhất 3 năm kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH hoặc chỉ huy cấp đội và tương đương trở lên thuộc công an cấp tỉnh.
Dự thảo quy định 5 đối tượng huấn luyện, gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (đối tượng 1); Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phụ trách công tác PCCC và CNCH nơi có Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trực thuộc đã được trang bị xe chữa cháy (đối tượng 2);
Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH; Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an cấp huyện đã được trang bị xe chữa cháy (đối tượng 3); Cán bộ, chiến sĩ chữa cháy và CNCH (đối tượng 4); lái xe, tàu, xuồng, ca nô chữa cháy; lái xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy (đối tượng 5).
Nội dung huấn luyện gồm huấn luyện lý thuyết và huấn luyện thực hành. Trong đó, huấn luyện lý thuyết các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác chữa cháy và CNCH; chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và CNCH.
Huấn luyện thực hành gồm có: Huấn luyện thể lực, kỹ thuật cá nhân chữa cháy và CNCH; huấn luyện thao tác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH; huấn luyện chiến thuật xử lý tình huống cháy đối với một số loại hình cơ sở, công trình, phương tiện giao thông; chiến thuật xử lý tình huống đối với một số loại hình sự cố, tai nạn…
Cán bộ, chiến sĩ bị ốm, đau, nghỉ đột xuất, đi công tác hoặc được lãnh đạo đơn vị cho nghỉ vào thời điểm huấn luyện. Các đối tượng được hoãn huấn luyện nâng cao phải tham gia huấn luyện vào đợt tiếp theo, nếu không tham gia thì coi như bỏ huấn luyện không có lý do.
Đặc biệt, dự thảo thông tư quy định tập thể, cá nhân huấn luyện không đạt yêu cầu và thủ trưởng đơn vị có kết quả huấn luyện không đạt yêu cầu bị xem xét hạ một bậc danh hiệu thi đua trong năm. Đơn vị không tổ chức huấn luyện bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm, đồng thời hạ 2 bậc danh hiệu thi đua đối với cấp trưởng và cấp phó trực tiếp phụ trách công tác chữa cháy và CNCH. Cán bộ, chiến sĩ bỏ huấn luyện không có lý do bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
(Theo Dân trí)