Đầu năm 2022, em Lương Hòa An ở tổ dân phố số 4, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình bị đa chấn thương sau vụ tai nạn giao thông. Em An đã trải qua 2 cuộc đại phẫu thuật điều trị tụ máu não và nhiều chấn thương nhỏ khác.
Gần 1 tháng nằm viện và quá trình hậu phẫu lâu dài không chỉ ảnh hưởng tới việc học, đảo lộn sinh hoạt hàng ngày mà còn khiến kinh tế gia đình em gặp khó khăn. Trong khi đó, số tiền điều trị gần 50 triệu đồng chưa kể những khoản chi khác trong quá trình nằm viện là gánh nặng quá lớn đối với chị Giàng Chuẩn Dín - mẹ của em An.
Chị Dín chia sẻ: "Mọi chi phí trong nhà chỉ trông vào tiệm may nhỏ của tôi mà mấy năm nay cũng vắng khách, cuộc sống khó khăn. Khi cháu bị tai nạn tôi lo lắm. May mà các chi phí về phẫu thuật với các xét nghiệm, thuốc men, giường bệnh… của cháu đều được quỹ BHYT thanh toán nên đã giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình. Qua đây, mới thấy hết được ý nghĩa của tấm thẻ BHYT”.
Còn em Vũ Đức Mạnh ở tổ dân phố Phúc Tân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái - học lớp 12A5, Trường THPT Lý Thường Kiệt trong 1 lần chơi thể thao không may bị ngã dẫn đến đứt dây chằng chéo trước. Nếu như không có thẻ BHYT, gia đình em Mạnh sẽ phải chi trả hơn 40 triệu đồng chi phí điều trị. Tuy nhiên, nhờ có thẻ BHYT mà 10 ngày em nằm viện gia đình chỉ phải chi phí gần 10 triệu đồng, giảm bớt gánh nặng về kinh tế.
Toàn tỉnh hiện có 93,1% HSSV tham gia BHYT. Mục tiêu mà ngành BHXH tỉnh đặt ra trong năm học 2022 - 2023 là 100% HSSV tham gia BHYT. Tuy nhiên, theo BHXH tỉnh, đây cũng là một thách thức không nhỏ, bởi theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, toàn tỉnh hiện có 12 xã và 36 thôn, bản không còn thuộc danh sách các xã khu vực III, khu vục II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Điều này đồng nghĩa với việc HSSV ở những xã này không được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT nên công tác phát triển đối tượng tại các trường thuộc các xã này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Năm học 2022 - 2023, Trường PTDTBT Tiểu học Sơn Lương, huyện Văn Chấn có gần 360 học sinh và 99% học sinh là người dân tộc thiểu số. Trước đây, hầu hết học sinh của Trường được cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên, cuối năm 2021, xã Sơn Lương được công nhận là xã nông thôn mới nên bước vào năm học này đối tượng học sinh dân tộc thiểu số ở đây đều phải tự mua thẻ BHYT. Do vậy, mục tiêu đảm bảo 100% học sinh tham gia BHYT sẽ khó khăn hơn so với những năm trước.
Bà Bùi Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sơn Lương cho biết: "Ngay từ đầu năm học nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức họp phụ huynh sớm, thông báo đến phụ huynh những trường hợp không còn được hỗ trợ thẻ BHYT nữa. Đồng thời, phân tích cho phụ huynh thấy lợi ích thiết thực của BHYT và động viên phụ huynh mua BHYT theo hộ gia đình để có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho các em”.
Năm học 2022 - 2023, toàn huyện Văn Chấn có hơn 4.600 học sinh không còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí cấp thẻ BHYT. BHXH huyện đã phối hợp với ngành giáo dục huyện tiến hành rà soát, cung cấp số lượng và thông tin liên quan để các nhà trường có kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời chủ động tuyên truyền, vận động, phấn đấu 100% học sinh tham gia BHYT.
Hiện toàn tỉnh còn hơn 11.600 học sinh chưa tham gia BHYT, tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Chấn, Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ. Ông Phạm Công Cường - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "Để đạt mục tiêu năm học 2022 - 2023 đạt 100% HSSV tham gia BHYT, BHXH tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp như: tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai BHYT HSSV; phối hợp với các đơn vị trường học chủ động nắm bắt danh sách HSSV thuộc diện tham gia nhưng chưa tham gia để có kế hoạch tuyên truyền, vận động; phối hợp với ngành y tế trong việc thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng...”.
Hồng Duyên