Hàng năm, Hội LHPN huyện đã chủ động chỉ đạo các cấp HPN thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phát huy nội lực, chủ động tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, tổ chức các phong trào thi đua như: "Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống”; các mô hình "Giúp phụ nữ thoát nghèo”, hoạt động "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”; thành lập "Tổ liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch văn minh”… đã tạo điều kiện cho phụ nữ được nâng cao kiến thức, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trọng tâm là xây dựng, triển khai các mô hình mới, thiết thực, sát với nhiệm vụ chính trị, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên phụ nữ, các cấp HPN huyện còn đặc biệt chú trọng đến hoạt động hỗ trợ vốn cho các hội viên, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.
Hội LHPN xã Bảo Hưng hiện có 530 hội viên đang tham gia sinh hoạt tại 7 chi hội. Xác định phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hội viên là một trong những mục tiêu quan trọng, góp phần xây dựng nông thôn mới, Hội đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho hội viên xây dựng các mô hình kinh tế giúp phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế như: trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…; chỉ đạo các chi hội vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ hội, thành lập và duy trì các tổ tiết kiệm vay vốn giúp nhau giảm nghèo bền vững. Thông qua các hình thức tiết kiệm khác nhau, hội viên phụ nữ đã phát huy tinh thần tương thân tương ái hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị Tường Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Hưng chia sẻ: "Đến nay, Hội đã duy trì số quỹ gần 200 triệu đồng cho hơn 100 lượt hộ vay vốn. Từ các nguồn vốn được vay, hội viên phụ nữ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho giá trị cao. Hiện, trên địa bàn xã có hơn 40 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế giỏi như: sản xuất chế biến chè xanh, sản xuất gỗ rừng trồng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả có múi, kinh doanh dịch vụ… cho thu nhập từ 50 đến 300 triệu đồng/năm”.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các chi hội cơ sở tích cực vận động hội viên tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; giúp đỡ được 8 hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ vận động được 4 mô hình phát triển kinh tế và xây dựng được 5 mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo; thành lập 3 doanh nghiệp do nữ làm chủ tại xã Cường Thịnh, Việt Thành và thị trấn Cổ Phúc; thành lập 3 hợp tác xã tại xã Y Can, Quy Mông, Hòa Cuông và 15 tổ hợp tác...
Cùng với đó, Hội LHPN huyện còn phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn. Đặc biệt, Hội LHPN huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện duy trì tốt hoạt động ủy thác vốn vay tại cơ sở.
Hiện tại, Hội đang quản lý 80 tổ tiết kiệm và vay vốn với số dư hơn 6,6 tỷ đồng, tổng số dư nợ là hơn 117,6 tỷ đồng cho hơn 2.600 hộ vay; duy trì thực hiệu có hiệu quả quỹ tiết kiệm 5.000 đồng/hội viên/tháng và góp vốn xoay vòng tại 190 chi, tổ hội với số dư tiết kiệm hơn 4,4 tỷ đồng.
Qua hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Trấn Yên đã phát huy tốt vai trò của mình giúp chị em tăng thu nhập, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện đề ra.
Trần Ngọc