Tình trạng nhảy việc tại các công ty công nghệ càng trở nên sôi động sau đại dịch Covid-19, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người lao động về một môi trường làm việc mới với điều kiện làm việc, mức thu nhập và chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn nơi cũ.
Người lao động nhảy việc và được săn đón!
Hơn một năm nay, anh Nguyễn Nam, một kỹ sư công nghệ ngành bán dẫn thường xuyên đi lại giữa TPHCM – Singapore. Dù đang làm việc tại một doanh nghiệp công nghệ ở Singapore, nhưng cứ cách 2-3 tháng, anh Nguyễn Nam lại trở về TPHCM để thăm gia đình và có thể làm việc tại Việt Nam suốt cả tháng dài.
"Là kỹ sư thiết kế về vi mạch bán dẫn, ban lãnh đạo công ty không ràng buộc các nhân sự kỹ thuật như tôi phải thường xuyên có mặt tại văn phòng công ty để làm việc”, anh Nam chia sẻ, và cho biết: "Bên cạnh làm việc từ xa với hiệu quả cao, tôi cũng như các đồng nghiệp là người Singapore hoặc ở các nước khác thường xuyên họp online để thảo luận mọi công việc chẳng khác nào chúng tôi đang có mặt tại công ty”.
Trước khi đến Singapore làm việc, anh Nguyễn Nam đã trải qua gần 4 năm làm việc của một công ty Hàn Quốc ở TPHCM sau khi vừa tốt nghiệp ngành thiết kế bán dẫn của một trường đại học trong nước. Làm việc tại doanh nghiệp điện tử này, anh cùng một số đồng nghiệp khác được cử đến công ty mẹ ở xứ kim chi để được đào tạo chuyên sâu hơn về ngành thiết kế bán dẫn.
Trở về nước sau một năm "du học” và hoàn thành nghĩa vụ như đã cam kết sau khi được đào tạo với công ty có nhà máy ở khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), anh đã "bay” đến Singapore ngay khi thấy cơ hội việc làm tại quốc đảo từ phía công ty công nghệ mà anh đang làm tuyển dụng cách đây hơn 1 năm.
"Khi tôi đang làm việc tại công ty điện tử ở TPHCM thì một công ty "săn đầu người” của nước ngoài ở Việt Nam đã liên hệ mời tôi qua Singapore làm việc tại công ty tôi đang làm việc hiện nay”, anh Nguyễn Nam chia sẻ.
Nguyễn Nam cho biết, không riêng anh, mà có hơn 20 kỹ sư công nghệ là đồng nghiệp của anh cùng làm chung công ty trước đây hoặc là những kỹ sư công nghệ thông tin hoặc làm trong ngành bán dẫn là người Việt trẻ tuổi học ở Việt Nam sang quốc đảo làm việc sau khi tốt nghiệp. Cũng như anh, bên cạnh chuyên môn và có tính năng động, đa số họ là những người khá tiếng Anh để có thể làm việc và giao tiếp với người nước ngoài.
Câu chuyện của anh Nguyễn Nam không còn xa lạ trong cộng đồng những người làm công nghệ. Chủ tịch TMA Solutions, ông Nguyễn Hữu Lệ, người có hơn 25 năm hoạt động trong ngành công nghệ thông tin, kể rằng doanh nghiệp của ông thường xuyên bị "mất” những kỹ sư giỏi và lành nghề vào tay các công ty trong và ngoài nước hoạt động cùng ngành, bởi họ có mức lương có tính cạnh tranh cao và chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn. Do đó, năm nào, TMA Solutions cũng đặt ra mục tiêu tuyển dụng vượt kế hoạch tăng trưởng để bù đắp cho lượng nhân sự sẽ "nhảy việc”.
Đơn cử như trong năm 2023, ban lãnh đạo TMA Solutions dự kiến mức tăng trưởng sẽ khoảng 15-20% so với năm ngoái nên sẽ tuyển thêm 600 kỹ sư công nghệ cho nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, công ty sẽ phải tuyển dụng đến 800 kỹ sư, trong đó có 200 kỹ sư nhằm để thay thế cho những nhân sự sẽ rời TMA Solutions.
Tương tự, theo bà Lê Bích Loan, nguyên Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), các doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong SHTP từng chia sẻ về nỗi lo lắng trước tình trạng nhân sự kỹ thuật lành nghề sau khi được đào tạo, phát triển chuyên môn thì ngay lập tức nhảy việc. Họ được các công ty cung ứng lao động săn đón, chào mới để cung ứng cho các doanh nghiệp cùng ngành khác hoặc các nhà đầu tư mới vào với mức thu nhập và môi trường làm việc hấp dẫn hơn.
Cái giá một doanh nghiệp phải trả sẽ rất đắt nếu ngày càng có nhiều nhân viên nhảy việc. Ước tính của các các công ty "săn đầu người”, chi phí để tuyển dụng người mới cao hơn so với tiền lương của một nhân viên cũ đã ra đi. Đó là chưa kể đến việc doanh nghiệp phải kiên nhẫn chờ đợi nhân viên mới hòa nhập với công việc.
Nhu cầu tuyển dụng cao trong bối cảnh thực tế đầy khó khăn
Làm việc tại quốc đảo sư tử, bên cạnh việc nhận được mức lương cứng 7.500 đô la Singapore, gấp 3 lần khoản thu nhập trước đây làm việc tại công ty điện tử của Hàn Quốc ở TPHCM, anh Nguyễn Nam cho biết điều anh tâm đắc hơn cả là môi trường làm việc phù hợp và năng động hơn.
Sự cởi mở và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của đồng nghiệp đã tạo cho Nguyễn Nam sự thoải mái trong công việc cũng như học hỏi được nhiều điều từ họ. Và giờ đây anh có thể tự tin đi đến bất cứ quốc gia và khu vực nào để làm việc như một công dân toàn cầu.
Dù tình hình các công ty công nghệ ở Singapore và các nước khác trên thế giới đang sa thải nhân sự nhiều nhưng anh Nguyễn Nam vẫn tự tin mình còn trụ lâu ở công ty đang làm. Tình hình này cũng diễn ra tương tự với hơn 20 kỹ sư người Việt đang làm việc tại Singapore mà anh có mối liên kết trao đổi thông tin trong ngành công nghệ cũng như vai trò là người đồng hương.
Sản xuất của một doanh nghiệp công nghệ đến từ châu Âu. Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Theo anh Nguyễn Nam, thực tế các công ty công nghệ, đặc biệt là công ty thương mại điện tử ở Singapore hoạt động kinh doanh tăng trưởng nhanh trong đại dịch đã tuyển quá nhiều người, nên trong bối cảnh thị trường quay trở về bình thường thì họ buộc phải sa thải một lượng lao động đó.
Tuy nhiên, công ty này sa thải thì có công ty khác tuyển dụng thêm vào. Do đó, theo anh Nguyễn Nam, nhân sự bị sa thải tại các công ty công nghệ, với khả năng của họ chắc chắn cuối cùng họ cũng sẽ tìm được việc mới trong thời gian ngắn. Đáng chú ý là các kỹ sư công nghệ Việt Nam, nếu có năng lực thì càng không lo về mất việc làm trong bối cảnh làn sóng sa thải của các tập đoàn công nghệ trên thế giới. Bởi lẽ, ngày càng có các công ty công nghệ của Singapore và các nước hướng đến tuyển dụng lao động kỹ thuật, công nghệ thông tin và phát triển phần mềm ở Việt Nam vì có chi phí thấp hơn các nước.
Tương tự, nói về việc các tập đoàn công nghệ thế giới đang khó khăn phải sa thải nhiều nhân sự, ông Chủ tịch của TMA Solutions Nguyễn Hữu Lệ cho rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, thậm chí ông cho rằng diễn biến này sẽ có lợi cho nhân sự công nghệ ở Việt Nam.
"Trong bối cảnh khó khăn này, các tập đoàn công nghệ sẽ tìm nguồn nhân sự có chi phí thấp hơn, trong đó Việt Nam và Ấn Độ vốn tạo được tiếng vang về nhân sự công nghệ thông tin có chất lượng cao nhưng chi phí khá thấp hơn khá nhiều so với Mỹ và châu Âu…”, ông Lê nhận định, và cho rằng: "Nếu tuyển nhân sự công nghệ ở Việt Nam làm việc từ xa, các tập đoàn công nghệ trên thế giới sẽ có thể tiết kiệm chi phí đáng kể vì mức trả tiền thuê chỉ bằng 1/6-1/8 nhân sự làm việc tại thung lũng Silicon Valley ở Mỹ”.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch TMA Solutions lo lắng các tập đoàn công nghệ nước ngoài trong giai đoạn khó khăn hiện nay có thể sẽ gia tăng các cuộc săn nhân sự từ doanh nghiệp trong nước. Điều này giúp họ giảm chi phí và người lao động khi tuyển vào có thể làm việc được ngay.
Việt Nam cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định trong các lĩnh vực công nghệ mới như blockchain, AI,… Vì vậy, càng nhiều tập đoàn lớn tìm đến Việt Nam để săn đón những nhân sự công nghệ chất lượng. Điều này càng làm thị trường tuyển dụng thêm cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó tìm được nhân sự phù hợp hơn.
Trên thực tế, trong những năm qua, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ, tập đoàn lớn của nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Các tập đoàn lớn như Samsung, Bosch, Panasonic, Intel, Renesas, Datalogic,… ngày càng xem Việt Nam là cơ sở sản xuất, nghiên cứu quan trọng trong khu vực và trên thế giới để đẩy mạnh đầu tư, nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ, kỹ thuật ngày càng tăng. Đây là thách thức cho các công ty công nghệ thông tin trong nước như TMA Solutions vì phải cạnh tranh tuyển dụng nhân sự với các "ông khổng lồ” của nước ngoài.
Trong khi lĩnh vực công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như lập trình viên, kỹ sư, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng đã đưa ra kế hoạch tuyển dụng lâu dài để có thể tìm kiếm ứng viên tiềm năng.
Các chuyên gia trong ngành nhận định nhân lực ngành công nghệ tại Việt Nam vẫn được tuyển dụng rất nhiều, thậm chí hiện tại đang thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo và định hướng cho ngành công nghệ ở Việt Nam.
Thực tế này cũng được ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, chia sẻ rằng có khá nhiều nhà sản xuất Nhật Bản, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, chần chừ khi đầu tư vào Việt Nam, vì lo ngại khó tuyển dụng được lực lượng lao động chất lượng.
Theo ông Matsumoto Nobuyuki, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, đáng chú ý là doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc dành nhiều quan tâm đến Việt Nam trong quá trình dịch chuyển và mở rộng sản xuất nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, nhưng rào cản thiếu lao động chất lượng cao cũng như nguồn cung ứng nguyên liệu tại chỗ đang khiến các kế hoạch bị chần chừ.
Theo người đứng đầu JETRO tại TPHCM, bên cạnh là điểm đến ngành sản xuất cần nhiều lao động, chi phí nhân sự giá rẻ, Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn và đi cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao.
Cũng theo ông Matsumoto Nobuyuki, về một mặt nào đó, lao động giá rẻ vẫn quan trọng trong các quyết định của nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên ở khía cạnh khác, nhà đầu tư Nhật Bản cần được quan tâm hơn trong xu hướng này là nhu cầu tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao, có trình độ. "Lợi thế của TPHCM là trung tâm đào tạo lớn, có sẵn nguồn nhân lực chất lượng cao, song có thể nói hiện vẫn chưa thể đáp ứng đủ trong xu hướng mở rộng chuỗi cung ứng của nhà đầu tư quốc tế, trong đó có cả các doanh nghiệp Nhật Bản”.
Những trở ngại về nguồn lao động có chất lượng cao đã khiến cho nhà đầu tư Nhật Bản mới dừng ở mức độ quan tâm thị trường Việt Nam, chứ chưa mạnh dạn rót vốn đầu tư.
Cũng theo người đại diện JETRO ở TPHCM, trên thực tế, một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ hoặc sản phẩm, thiết bị điện tử Nhật Bản ở Việt Nam cũng chia sẻ với JETRO rằng hiện nay về cơ bản họ tạm đủ nhân sự có chất lượng để làm việc. Tuy nhiên, nếu như có một lượng doanh nghiệp công nghệ hoặc kỹ thuật của Nhật Bản cùng vào đầu tư thì chắc chắn sẽ bị gặp khó về việc tuyển nhân sự phân khúc này và khi đó họ sẽ bị cạnh tranh về tuyển lao động ở phân khúc này.
Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: công nghệ thông tin, điện tử – viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 50.000. Nếu tính cả đào tạo nghề ở bậc cao đẳng, trung cấp thì con số này vào khoảng hơn 62.000.
Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc hay Ấn Độ.
Theo tính toán, để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay. Không chỉ là vấn đề số lượng, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo đang chưa theo kịp.
Theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Lệ, các nhân sự công nghệ ở Việt Nam sẽ có cơ hội việc làm ít nhất 10-20 năm nữa, vấn đề là sinh viên học ngành này cần chuẩn bị trang bị kiến thức cho tốt để nắm bắt cơ hội khi ra trường. Còn đối với nhân sự bị sa thải tại các tập đoàn, với tài năng của họ chắc chắn cuối cùng họ cũng sẽ tìm được việc mới trong thời gian ngắn.
(Theo KTSG Online)