Nghị lực của cậu bé mồ côi

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong trí nhớ trẻ thơ và cả sau này, ba anh em người Mông, Hờ A Vàng, Hờ A Sánh và Hờ A Lao ở bản Tà Chơ (Làng Nhì, Trạm Tấu) cũng không thể quên được cái ngày 12/6/2001 khủng khiếp đó. Ngày mà một tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mạng của cả bố và mẹ các em. Lúc đó, em nhỏ nhất Hờ A Lao mới được 3 tuổi. Em còn quá nhỏ để có thể hiểu và cảm nhận nỗi đau, mất mát.

Tưởng như bơ vơ giữa cuộc đời, nhưng số phận đã mỉm cười với ba anh em khi được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái (thuộc Sở LĐ-TB và XH) nhận về nuôi. Một cuộc sống mới đã mở ra trước mắt các em. Tại đây, các em được nuôi dưỡng trong vòng tay yêu thương của các mẹ, những người tuy không mang nặng đẻ đau nhưng thực sự yêu quý, chăm sóc các em như con của mình. Thấm thoắt đã 6 năm kể từ cái ngày định mệnh đó - Hờ A Lao giờ đã là một học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Yên Bái. Bề ngoài nhìn cậu nhỏ hơn so với các bạn cùng trang lứa nhưng lại rất chăm ngoan và học giỏi.

 

Bước chân trẻ thơ chập chững vào đời giờ đã có sự nâng đỡ của đội ngũ cán bộ ở Trung tâm - những con người giàu lòng nhân ái mà các em gọi bằng tiếng yêu thương "mẹ". Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng Hờ A Lao đã sớm cảm nhận được hoàn cảnh của mình. Tuy được sống trong sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ Trung tâm nhưng sự thiếu thốn hơi ấm và tình cảm mẹ hiền luôn là nỗi đau âm ỉ trong lòng em. Đôi mắt em thèm thuồng khi nhìn những bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ đưa tới trường. Trong nét cười của em vẫn phảng phất đâu đó một nỗi buồn, một khoảng trống không gì còn thể khỏa lấp được. Nhưng vượt lên trên nỗi đau, mặc cảm của bản thân, em luôn cố gắng học tập, chăm ngoan để không phụ lòng các mẹ và cô giáo. Ở lớp, Lao luôn là học sinh giỏi. Vừa qua, em là một trong số 36 học sinh xuất sắc của tỉnh Yên Bái được nhận Học bổng Kapy, trị giá 300.000 đồng do Quỹ Khuyến học và Báo Dân trí trao tặng. Nhận xét về những cố gắng của Hờ A Lao, cô Nguyễn Kim Tuyến - giáo viên chủ nhiệm lớp tâm sự: "Em Lao là học sinh rất có ý thức, luôn đoàn kết, chan hòa với bạn bè. Đặc biệt, trong các giờ ra chơi, bạn nào học kém thì em còn giúp bạn học. Một cậu bé 8 tuổi đã biết vượt lên số phận, quả thực đáng khâm phục!".

 

Ngoài giờ đi học, Hờ A Lao còn thường xuyên giúp các mẹ trông em và làm các công việc khác. Trong cái khuôn viên bé nhỏ chỉ có 2.000m2 nhưng có đủ các đối tượng. Mái ấm gia đình chung này có các trẻ em mồ côi, những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và các cụ già cô đơn. Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng đó là tất cả cố gắng của các cán bộ nơi đây. Với 180.000 đồng trợ cấp cho một đối tượng một tháng, bao gồm cả tiền ăn, tiền học rồi tiền chăm sóc lúc ốm đau, quả là khó khăn, thiếu thốn. Trung tâm luôn mong muốn mang đến cho bọn trẻ một cuộc sống đầy đủ hơn, sung túc hơn nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ có thể lo cho các em được đến thế. Hai bộ quần áo một năm, mỗi bữa cơm 2.500 đồng là tất cả sự nỗ lực mà họ có thể làm được.

 

Cũng như ba anh em Vàng, Sánh, Lao, mỗi đứa trẻ ở đây là một mảnh đời không nguyên lành. Dù ở hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, nhưng chúng đều chung một sự không may mắn. Các em đều không được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, sự chăm sóc của gia đình. Vào đây, chúng coi nhau như anh em trong nhà, chia sẻ khó khăn, cùng đồng lòng và cố gắng học tập để đền đáp công ơn của các mẹ đã dành cho mình. Khuôn viên chật hẹp nhưng tấm lòng của những con người nơi đây thật rộng mở. Họ đón nhận các em, chăm sóc các em, cho các em được hưởng hơi ấm tình thương của một gia đình. Tuy không sung túc nhưng cuộc sống của các em luôn tràn ngập tiếng cười. Nói lên tình cảm của mình, em Hờ A Lao xúc động tâm sự: "Em cảm ơn các mẹ đã chăm sóc và nuôi dạy chúng em nên người. Em hứa sẽ cố gắng học giỏi để trở thành kỹ sư xây dựng, để xây lên những ngôi nhà hạnh phúc, để đền đáp công lao của các mẹ".

 

Cuộc sống phía trước sẽ không ít chông gai, nhưng đối với những đứa trẻ như Hờ A Lao, chắc chắn một tương lai tươi sáng đang đón chờ các em. Sự quan tâm, giúp đỡ của xã hội sẽ giúp cho những mảnh đời bất hạnh có thêm nghị lực, điều kiện để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Một mùa xuân đang tới, những mầm xanh như Hờ A Lao đang góp phần tô điểm cho sức xuân. Em giống như một cây thông non căng đầy nhựa sống đang vươn mình tới trời xanh.

 

Kim Thoa - Minh Hòa

Các tin khác

YBĐT - Năm 2004 - 2005 có 21 hộ dân, 163 khẩu ở bản Làng Giàng, xã Nậm Có (Mù Cang Chải) đã di cư tự do vào thôn Khe Mạng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Văn Yên và Mù Cang Chải cần có biện pháp kịp thời đưa 21 hộ dân về nơi ở cũ để ổn định cuộc sống sống lâu dài.

Giáo viên Trường Mầm non Thực hành Yên Bái hướng dẫn các cháu tập văn nghệ.

YBĐT - Trường Mầm non Thực hành Yên Bái nằm ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái được thành lập ngày 14/7/1995 theo Quyết định số 372/QĐ-UB của UBND tỉnh Yên Bái. Khi mới thành lập, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn: cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ cán bộ, giáo viên vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của trường trọng điểm cấp tỉnh.

Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trong dịp tết Nguyên đán.

YBĐT - Giao thừa là thời khắc chuyển giao năm cũ đón năm mới vừa thiêng liêng vừa ý nghĩa đối với tất cả mỗi người dân Việt Nam. Từ người nông dân một nắng hai sương trên ruộng đồng, tới người buôn thúng bán bưng nơi phố chợ, những người con đi làm ăn, đi công tác xa quê cho đến mỗi cán bộ công chức, viên chức Nhà nước. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng để xum họp gia đình đông đủ trong thời khắc giao thừa thiêng liêng ấy họ cũng đều thu xếp, ổn định công việc về trước đêm ba mươi. Bên chén trà nóng, bên bánh chưng xanh, ngắm cành đào, đùa vui cùng con trẻ, chờ nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước, hoặc đi ra đường xem bắn pháo hoa, hái lộc xuân... tất cả đều muốn chăm lo cho hạnh phúc của mỗi gia đình nhỏ.

Thầy và trò Trường PTCS Pá Hu trong giờ học tối.

YBĐT - Hình ảnh quý vị đang xem là cuộc sống rất thật của các em học sinh dân tộc Mông Trường PTCS nội trú xã Pá Hu huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Bữa cơm này tuy chỉ có canh rau suông và chút măng ớt muối mặn, thế nhưng để được tới trường học tập như ngày hôm nay, đó là sự cố gắng rất lớn của gia đình, quyết tâm và lòng yêu nghề vô bờ bến của các thầy cô giáo vùng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục