Phố nhà tằm xưa

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Qua khỏi đất Vạn Lâu là đến phố Nhà Tằm. Một rẻo đất ven sông phù sa pha cát. Dân hầu hết trồng dâu nuôi tằm. Cũng chỉ vài chục nóc nhà quay mặt sang phố Lò Rèn, bảnh mắt ra đã thấy tiếng búa đe chí cha chí chát, mặt sau quay lưng về phía sông Hồng mùa cạn phơi trắng cát, mùa nước to phù sa đỏ ngầu chảy cuồn cuộn. Đầu trên là bãi Soi Cò, có những rặng tre cò đến ở từng đàn, tiếng kêu huyên náo một vùng. Gọi là phố nhưng nhà tranh là chủ yếu. Chỉ có nhà nuôi tằm được xây bằng gạch ngói cẩn thận. Cạnh Nhà Tằm là đồi cỏ may tha hồ cho trẻ chăn trâu đùa nghịch chia phe ném nhau.

Phố bên sông.(Ảnh: Quang Tuấn)
Phố bên sông.(Ảnh: Quang Tuấn)

Người nơi xa đến dễ dàng nhận ra màu xanh ngăn ngắt của dâu tằm soi bóng xuống sông Hồng. Nhìn qua sông là đất Gốc Táo nằm bên những dãy đồi nhấp nhô mọc đầy lau bẽm, hoa lau bạc thếch quét lên nền trời như thể những đốm lửa cháy dở. Ngoài bờ bãi giữa sông từng đàn chim nước cùng với cò trắng cần mẫn bắt tép. Người ta nói đất cò trắng là đất bạc. Ví von như vậy chứ người đất này vẫn gắn bó thủy chung, có mấy ai dứt bỏ được quê mà đi đâu? Mấy con cốc lủi thủi kiếm ăn, cũng giống như thân cò, có gì mà bảo cốc mò cò xơi? Từ bãi dâu tằm nhìn ra sông, cảnh ấy diễn ra hàng ngày. Người chăn tằm thường vẫn chịu thương chịu khó, họ hay ví mình với thân cò thân cốc, từ sáng sớm đến chiều tối chẳng mấy khi ngơi tay chăm bón vườn dâu. Vất vả nhất là vụ hái lá, nong nia thúng mủng bận rộn như người. Ăn như tằm ăn rỗi mà. Dân Nhà Tằm ăn nằm với kén. Chẳng hiểu từ khi nào ai cũng thuộc lòng câu: Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ. Nhà tằm thật vui trong những buổi kéo tơ. Cùng một lúc mấy chục guồng sa quay rậm rịch. Những sợi tơ vàng rộm được guồng lên ong óng mát mắt. Ngày nắng, tơ tằm vàng rực phơi trên các cây sào kín một khoảng đồi. Các thương lái cứ theo thời vụ về mua tơ tằm và họ chuyển đi đâu không biết. Có phải ở đây nhộn nhịp mua bán mà được gọi là “phố Nhà Tằm” chăng?

 

Rồi có một ngày, các anh chị con bác ruột tôi rủ tôi lên Nhà Tằm xem khai hội. Tôi cuống quýt chạy theo. Bước chân tôi thì ngắn, đoạn đường chưa đầy cây số mà tôi vấp ngã mấy lần. Người đông chật lối đi. Đâu cũng thấy cờ hoa rực rỡ. Nhà Tằm được trang hoàng đèn hoa trông rất khác ngày thường. Có cả cổng chào được kết bằng lá cây móc. Bãi cỏ may thành nơi khai hội. Trên sân khấu đắp bằng đất một người trông rất oai vệ, đầu đội mũ chào mào có ngôi sao vàng, thắt lưng đeo súng trễ hông, đứng dưới cờ đỏ sao vàng diễn thuyết. Tôi không hiểu diễn thuyết là gì, chỉ thấy người trên sân khấu nói xong câu nào cũng được hoan hô. Rồi mọi người hô khẩu hiệu rầm trời. Bao nhiêu trò chơi trong ngày khai hội. Cờ người, đấu võ, kéo co, cả đánh đáo đánh quay nữa. Có cả cây đu tre, từng đôi nam nữ thi nhau nhún đu bổng tít lên cao. Tà áo họ bay phấp phới mỗi khi rướn đu. Tiếng hò reo đầy ắp không gian. Nơi thì hội vật, trống thúc liên hồi. Nơi thi bắn cung bắn nỏ, tiếng hoan hô vang động một góc đồi. Trẻ con chúng tôi quên cả đói, chơi tới tối mịt.

 

Đêm đến mọi người lại kéo nhau đi xem văn nghệ. Sướng là lũ trẻ con chúng tôi được đi ô tô ông Tài Đệ. Lúc bấy giờ cả làng chỉ duy nhất có ông Tài Đệ sắm được ô tô chạy khách đường dài. Gần một cây số đường xóc ổ gà mà lũ trẻ chúng tôi thích thú vô cùng. Sân khấu treo đèn măng sông sáng trưng. Lần đầu tiên tôi được xem diễn kịch. Tôi chỉ nhớ mang máng có thằng Việt gian theo Tây bị cách mạng xử tội run như cầy sấy. Sau đó là những bài hát. Người hát có cả các cô chú tôi. Những bài hát Cùng nhau đi hồng binh, Lên đàng, Đàn chim Việt, Thiên thai, Giọt mưa thu... tôi nghe nuốt lấy từng lời. Những bài hát không phải dành cho lứa tuổi thơ mà in mãi trong tâm trí tuổi thơ tôi và đeo đẳng theo tôi suốt cả cuộc đời. Vui quá! Vui mấy ngày liền. Tôi và các anh chị tôi không vắng mặt buổi nào. Ngày Việt Minh mở hội đã làm cho gương mặt quê tôi bừng sáng hẳn lên.

 

Nhà Tằm trở thành trụ sở của Việt Minh. Người ở đâu đến ra vào bàn bạc điều gì ghê gớm lắm. Chú tôi giải thích những người đó là những ông lãnh đạo Việt Minh. Không phải lãnh đạo riêng làng tôi đâu, mà là lãnh đạo của cả tỉnh. Chắc tỉnh phải lớn lắm. Thế thì oai cho phố Nhà Tằm biết mấy.

 

Ngọc Bái

(Trích hồi ức “Bến sông còn nhớ”)

Các tin khác
Phụ nữ dân tộc Mông xã Suối Giàng, Văn Chấn đến Trạm y tế thực hiện dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ.(Ảnh: Phương Đông)

YBĐT - Năm nay, công tác dân số - KHHGĐ tiếp tục giành được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Kết quả ấy đã có sự đóng góp tích cực của những cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở. Bằng nhiệt huyết của mình họ không quản khó khăn đến tận nhà ra tận ruộng đồng, nương rẫy… để vận động tuyên truyền người dân thực hiện KHHGĐ. Xuân mới đã về xin được kể đôi điều về một số tấm gương, những người đã góp phần làm mùa xuân thêm trọn vẹn.

Các bác sỹ đang chăm sóc sức  khỏe cho bệnh nhân nghèo.(Ảnh: N.T)

YBĐT - Một mùa xuân mới nữa lại về. Đối với người nghèo ở Yên Bái xuân này niềm vui dường như càng lớn hơn vì bệnh tật là nỗi ám ảnh nhất giờ đã không còn đáng ngại nữa bởi giờ đây, họ đã có một cứu cánh, đó là chiếc thẻ bảo hiểm y tế, để có thể đến các cơ sở y tế trong tỉnh để khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân miễn phí.

YBĐT - Tính từ đầu công nguyên đến nay, lịch sử đã trải qua 166 năm Hợi, trong đó có 10 năm mang ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với vận mệnh đất nước.

Gương trời. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Những đợt gió lạnh cuối năm đã dứt, cái ấm của mùa xuân mới tràn về thức dậy mầm sống đang ấp ủ trong từng búp cây, ngọn cỏ. Trên các làng Mông, làng Dao, bản Thái của vùng cao Yên Bái, hoa mận trắng cũng bừng nở như khoe cùng du khách phương xa sự khởi sắc nơi đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục