Giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trước tiên được huyện Trấn Yên quan tâm đẩy mạnh, đó là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở SXKD thực phẩm, dịch vụ ăn uống; phổ biến kịp thời Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tổ chức cho các cơ sở ký cam kết bảo đảm ATTP…
Theo đó, năm 2022 và quý I năm 2023, huyện đã triển khai truyền thông, phổ biến văn bản pháp luật, thông tin, giáo dục về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm bằng nhiều hình thức: băng rôn, khẩu hiệu 88 lượt; phát sóng 65 tin, bài trên sóng truyền hình địa phương; phát thanh tại xã, thôn được trên 200 buổi; tổ chức 34 buổi nói chuyện, hội thảo với hơn 700 lượt người tham gia...
Đồng thời, tổ chức tập huấn kiến thức về ATTP cho 115 người SXKD thực phẩm do ngành y tế quản lý; phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng nông - lâm sản, thủy sản tỉnh tập huấn cho cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã 1 lớp, số lượng 48 người tham gia; phối hợp UBND các xã tổ chức 2 lớp tập huấn cho các cơ sở SXKD nông lâm, thủy sản tại xã Hưng Thịnh, Quy Mông cho 130 hộ và cán bộ quản lý về ATTP tham gia cập nhật kiến thức ATTP.
Trong tháng 3/2023, huyện đã tổ chức tập huấn kiến thức về ATTP cho 130 người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, người quản lý và trực tiếp nấu ăn bếp ăn trường học, nấu ăn lưu động; phối hợp với Chi cục ATTP tỉnh tập huấn kiến thức về ATTP cho người kinh doanh thực phẩm chức năng tại các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn.
Đối với người dân, huyện tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi thói quen ăn uống không hợp vệ sinh làm ảnh hưởng tới sức khỏe; phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng; hướng dẫn cách chọn mua, chế biến thực phẩm an toàn; khuyến khích người dân lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và tẩy chay các mặt hàng không đảm bảo VSATTP. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực: tổ chức hội nghị Tháng hành động Vì ATTP; các buổi nói chuyện trực tiếp, tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu, qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, hàng năm huyện mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho cán bộ quản lý, chuyên trách về VSATTP; mở các lớp xác nhận kiến thức ATTP cho các cơ sở SXKD.
Để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện, xã còn chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo VSATTP tại các cơ sở SXKD thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Trong năm 2022, các lực lượng chức năng huyện kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại 42/44 bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục; 1 bếp ăn tại Xí nghiệp May Hưng Thịnh; 1 bếp ăn tại căng tin Trung tâm Y tế huyện; kiểm tra liên ngành 4 đợt tại 871 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra được 57 lượt cơ sở, cấp xã kiểm tra được 804 lượt cơ sở.
Riêng ngành nông nghiệp kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tại các xã: Báo Đáp 2 cơ sở; Quy Mông 2 cơ sở, Y Can 2 cơ sở; Hưng Khánh 4 cơ sở. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản, thủy sản và Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, UBND các xã kiểm tra 15 cơ sở; trong đó, 5 cơ sở SXKD giò chả, 10 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, gạo, cơ sở giết mổ gia súc.
Quý I năm 2023, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra trực tiếp tại 25 cơ sở SXKD thực phẩm; UBND cấp xã, thị trấn thành lập 21 đoàn kiểm tra tại 308 cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Qua kiểm tra, đoàn đã trực tiếp nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời, hướng dẫn cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATTP; lập biên bản vi phạm hành chính bàn giao cho UBND xã xử phạt vi phạm hành chính về ATTP 5 trường hợp với số tiền hơn 3 triệu đồng.
Với việc tăng cường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn huyện Trấn Yên đã có sự chuyển biến tích cực. Phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đã chấp hành nghiêm túc các quy định về VSATTP. Người dân đã có ý thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nhờ vậy, nhiều năm qua, trên địa bàn huyện không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm cũng được kiểm soát kịp thời, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng...
Trần Ngọc