Toàn tỉnh hiện có 47 cơ sở sản xuất trồng trọt được chứng nhận VietGAP, Rainforest, nông nghiệp hữu cơ, vệ sinh an toàn thực phẩm với diện tích trên 10.000 ha và hàng trăm cơ sở, hộ gia đình nhỏ lẻ sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hiện nay của thị trường, khi canh tác sản xuất theo hình thức này còn giúp thay đổi thói quen của người nông dân từ sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học sang sinh học, biết sử dụng đúng cách, đủ lượng, giảm tồn dư hóa chất trên đất, nước, không khí.
Vùng trồng cam đạt chứng chỉ tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã (HTX) Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận tại 2 xã Bình Thuận, Chấn Thịnh (huyện Văn Chấn) có 68 ha. Nhiều năm trước đây, quy trình canh tác cam khá tự do, mạnh ai người nấy làm, tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV tràn lan, "vô tội vạ”.
Có nhiều thành viên chia sẻ, ngày ấy vào mỗi mùa hoa, mùa đậu quả, để đảm bảo tỷ lệ đậu quả cao, thuốc BVTV phun trắng trời. Nhưng rồi tình trạng này đã được khắc phục kể từ khi toàn bộ thành viên HTX được tập huấn, hướng dẫn áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật theo hướng VietGAP.
Anh Đỗ Quang Trọng - Giám đốc HTX chia sẻ: "Mỗi thành viên trong HTX đã thay đổi hẳn tập quán sản xuất từ tự do, cảm tính sang một quy trình kỹ thuật cẩn thận, có ghi chép nhật ký sản xuất từng ngày. Phân bón hữu cơ được sử dụng đúng cách, bón đủ, bón đúng thời điểm. Thuốc BVTV cũng được sử dụng "có trách nhiệm”, chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết, đúng dòng, đúng bệnh, cách ly đủ ngày, khi sử dụng hết thuốc sẽ thu gom hết bao bì, chai lọ bỏ vào nơi quy định. Cam đảm bảo an toàn, có thể ăn trực tiếp tại vườn”.
Nhờ sản xuất sạch, sản phẩm cam của HTX tự bao tiêu nhưng khá dễ dàng, thuận lợi. Vụ vừa qua, HTX xuất bán gần 700 tấn cam các loại, doanh thu đạt 12 tỷ đồng.
12 thành viên của HTX Nông sản hữu cơ Phúc Sơn ở xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ cũng đã nói không với phân bón hóa học, thuốc BVTV, chất kích thích kể từ khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Để thay thế, họ sử dụng phân chuồng ủ với chế phẩm vi sinh Emic, rắc thêm vôi bột, ủ nóng trong thời gian từ 13 - 15 ngày để vừa diệt khuẩn, virus, vừa làm hoai phân và làm giảm rất lớn khí thải độc hại phát ra từ phân bón; sử dụng một số loại lá cây, củ, quả như: lá xoan, riềng, tỏi, ớt… nghiền nhuyễn ngâm rượu thay thế thuốc BVTV; sử dụng dung dịch sulfat đồng với vôi để phòng trừ nấm, bệnh…
Bà Hà Thị Cươi ở thôn Lụ 2 cho biết: "Trước kia, mỗi khi đến công đoạn phun thuốc BVTV, tôi thường phải thuê người vì già rồi phun một lúc là hoa mắt, chóng mặt. Nhưng với phương pháp hữu cơ, tôi hoàn toàn có thể tự mình chăm sóc diện tích lúa của gia đình”.
Thực tế, phân vô cơ bón vào đất có tác dụng nuôi dưỡng cây, các loại thuốc BVTV phun lên thân lá cây trồng để diệt sâu bệnh, phun vào đất để diệt cỏ, diệt ốc bươu vàng, diệt nấm bệnh. Tất cả đều đổ vào đất, nước, không khí, trong đó chỉ có khoảng 30-50% được cây trồng hấp thụ. Số còn lại hòa tan trong nước, tồn dư trong đất và tự do di chuyển theo dòng nước chảy, nhất là khi có mưa to, nước chảy tràn lan từ ruộng ra kênh mương, sông suối...
Riêng phần tồn dư trong đất được thẩm thấu theo mạch nước ngầm di chuyển đi khắp nơi và cuối cùng cũng chảy ra sông suối và từ sông suối nước lại được sử dụng tưới cho cây trồng, sử dụng vào nhu cầu sinh hoạt và đời sống của con người. Ngoài phân vô cơ, thuốc BVTV, chất thải từ chăn nuôi nếu không qua xử lý khi thải ra môi trường cũng sẽ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, môi trường đất và không khí, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Sản xuất nông nghiệp không thể không sử dụng phân bón, thuốc BVTV nhưng không vì thế mà chúng ta không có kế hoạch và biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế thấp nhất tình trạng nói trên. Nhân rộng, định hướng nền nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ là cách làm của Yên Bái nhằm góp sức bảo vệ môi trường.
Hoài Anh