Những kiến nghị, khiếu nại của bà Hoàng Thị Phong không có căn cứ

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/6/2023 | 7:34:10 AM

YênBái - Thời gian qua, bà Hoàng Thị Phong trú tại thôn Bản Nả, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên nhiều lần đến một số cơ quan trung ương tại thủ đô Hà Nội để gửi đơn khiếu kiện, bất chấp các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân.

Thửa ruộng bà Phong thưa kiện vì mất đất nhưng thực tế đang thừa 51,9 m2.
Thửa ruộng bà Phong thưa kiện vì mất đất nhưng thực tế đang thừa 51,9 m2.

Bà Hoàng Thị Phong thường kêu gào, khóc lóc, chửi bới tại khu vực các cơ quan trung ương, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Những hành vi trên của bà Phong đã gây sự chú ý của nhiều người đi đường, xuất hiện những video clip trên mạng xã hội với những bình luận mang nội dung có thể gây ra những sự hiểu lầm không đáng có đối với cấp ủy, chính quyền xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên và tỉnh Yên Bái. 

Bà Hoàng Thị Phong đã từng bị Công an phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây mất trật tự tại cổng Văn phòng Chính phủ ngày 27/2/2020.

Ngày 30/5/2023, phóng viên đã về thôn Bản Nả để gặp gỡ người dân, cán bộ, đảng viên trong bản để tìm hiểu thêm về người phụ nữ này. "Bà Hoàng Thị Phong là người có tính cách rất bất thường” - ông Nguyễn Văn Thôi - Trưởng thôn Bản Nả đã mở đầu câu chuyện với phóng viên như vậy. 

Rồi ông Thôi cho biết thêm: "Tôi là người cùng làng, cùng thôn với bà Phong, làm Trưởng thôn nhiều năm, trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến bà ấy nên tôi hiểu. Hàng chục lần thôn bản, Ban Công tác Mặt trận, tổ hòa giải… đứng ra giải quyết các vụ việc liên quan đến bà Phong. 

Nhiều vụ việc hoàn toàn có thể giải quyết ngay tại cơ sở nhưng… chưa bao giờ thành. Thí dụ, có lần cháu nội bà Phong đi làm ruộng giúp bà trẻ (em gái ruột bà Phong), cũng chỉ vớt bèo từ ruộng lúa rồi bỏ lên bờ. 

Xin nói rõ, bờ đó là bờ chung, ngăn cách hai đám ruộng của bà Phong và người em gái. Vụ việc chỉ như vậy mà bà Phong quay ra chửi bới, quay phim, chụp ảnh, rồi gọi điện cho công an và Trưởng thôn tới giải quyết. Xét về lý, bèo dưới ruộng không bỏ lên bờ thì bỏ đi đâu. Chưa kể, bờ đó là bờ chung chứ không phải của riêng nhà bà ấy. 

Tuy nhiên, đã biết rõ tính bà Phong và để ổn định tình hình, giữ yên làng bản, tôi đã vận động em gái bà Phong cùng người cháu vơ bèo bỏ đi nơi khác. Được vận động, em gái và cháu nội bà Phong đã chấp nhận, bèo cũng đã được chuyển đi nơi khác, tất nhiên không thể sạch tuyệt đối được. 

Mọi chuyện tưởng như thế là xong. Nào ngờ, bà ấy quay ra chửi bới chúng tôi, phản ánh với xã là chúng tôi không khách quan, o ép dân lành. Nhiều cuộc họp thôn đã bị bà Phong quấy phá với những phát biểu lung tung, không đúng nội dung, chủ đề của cuộc họp; dùng điện thoại ghi âm, ghi hình, không cho ai phát biểu… 

Không ít lần, tôi phải yêu cầu bà ấy ra khỏi hội trường thôn. Nếu không làm vậy thì đại diện mấy chục hộ dân sẽ bỏ về hết. Họ nói rằng tới để nghe phổ biến chương trình, kế hoạch, không phải nghỉ việc để đến nghe bà ấy chửi bới lung tung”.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu sự việc, rất nhiều người dân Việt Hồng, đặc biệt là người thôn Bản Nả đều có chung câu nói: "Ba bề bốn bên, anh em ruột thịt bà Phong đều đã tranh chấp, kiện tụng rồi. Có những thứ bà ấy không đúng, có những vụ việc nhỏ như con kiến, chỉ cần nhắc nhau một câu, rộng lòng thì chịu nhịn một tí để giữ lấy tình cảm anh em ruột thịt. Vậy mà đơn thư, phản ánh, kêu gào, chửi bới ầm làng, ầm bản… thành chuyện cười cho lũ trẻ, thành chủ đề đàm tiếu cho người rảnh việc”.

Được biết, sau khi bà Phong liên tiếp có đơn thư phản ánh đến nhiều cấp, nhiều ngành, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên đã cử cán bộ trực tiếp tuyên truyền, giải thích và trực tiếp xử lý. Tuy vậy, mọi việc vẫn không thành. Tháng 9/2020, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Trần Đông đã có trả lời nội dung kiến nghị, phản ánh của công dân bằng văn bản.

Theo nội dung trả lời của Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, cả 6 nội dung, vấn đề của bà Hoàng Thị Phong, xã Việt Hồng phản ánh, kiến nghị đều không đúng và không có căn cứ pháp lý để giải quyết. Thí dụ như: Kiến nghị, phản ánh "6 hộ dân đã có đường đi về nhà mà còn đổ đất xuống ruộng để làm đường cho ô tô vào nhà, mở tuyến đường đó có xứng đáng không, vừa gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, vừa mất ruộng đất”. 

Vấn đề này đã được UBND huyện Trấn Yên xem xét, giải quyết và trả lời cho bà Phong tại Văn bản số 785 ngày 13/9/2019. Theo đó, tại thửa đất số 512, tờ bản đồ số 1 (bản đồ số 299), diện tích 350 m2 mục đích sử dụng đất lúa, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Ngọc Hồ (là chồng bà Phong). 

Hiện trạng thực địa khu đất, kết quả kiểm tra không có việc các hộ gia đình đổ đất xuống ruộng của gia đình bà, phần bờ ruộng của gia đình bà tiếp giáp với đường đi bê tông được kè bằng gạch. Theo kết quả đo đạc tại thực địa, gia đình bà Phong đang quản lý, sử dụng diện tích thửa ruộng đó là 401,9 m2, như vậy so với diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình bà Phong đang sử dụng không thiếu đi mà còn thừa 51,9 m2.

Kiến nghị, phản ánh "các dự án hỗ trợ đưa về xã như dự án nuôi trâu, các gia đình ở Bản Nả như chị Hạt, anh Sơn, chị Hoạt khổ hơn nhà chị Hiệp mà không được hỗ trợ, chị Hiệp là cán bộ xã… lại được hưởng, như thế có công bằng không?” (trích đơn của bà Hoàng Thị Phong). 

Về vấn đề này, huyện Trấn Yên trả lời như sau: Năm 2019, huyện Trấn Yên có văn bản hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Trấn Yên. 

Đối với gia đình bà Hoàng Thị Hiệp, Bản Nả, xã Việt Hồng, ngày 3/7/2019, Bản Nả tổ chức họp để bình xét các hộ đủ điều kiện thụ hưởng chính sách, cuộc họp có 38 người đại diện các hộ đến tham dự. Kết quả, 7 hộ trong bản được bình xét, khi thực hiện thì chỉ có 6 hộ tham gia Chương trình (2 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo), trong đó có hộ ông bà Nguyễn Quốc Huỳnh và bà Hoàng Thị Hiệp, là con của bà Nguyễn Thị Bé là Bí thư Chi bộ thôn Bản Nả. Đây là hộ gia đình thuộc đối tượng cận nghèo, cuộc họp được người dân bình xét công khai, phát biểu thẳng thắn, bản thân gia đình bà Hiệp được hưởng thụ hoàn toàn khách quan, đúng với quy định.

UBND huyện Trấn Yên cũng yêu cầu bà Hoàng Thị Phong cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gây ảnh hưởng đến uy tín của người bị khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương. 

Bà Hoàng Thị Phong đã nhiều lần được chính quyền xã Việt Hồng và các cơ quan chức năng của huyện Trấn Yên kiên trì tuyên truyền, giải thích về các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết đơn thư. Song, dường như bà Phong vẫn cố tình không hiểu, có những việc làm, hành động thái quá như đã nêu ở trên. Những việc làm, hành động thái quá tới mức coi thường, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, nhân dân sẽ có lúc bị xử lý nghiêm khắc.
Lê Phiên

Tags kiến nghị khiếu nại tranh chấp Việt Hồng Trấn Yên vùng quế

Các tin khác
Người dân thôn Đại Thắng, xã Đại Phác tích cực lao động, bảo đảm giao thông nông thôn sạch đẹp.

Các xã của huyện Văn Yên đã tổ chức lễ phát động cụ thể hóa hưởng ứng phong trào “Mỗi người - mỗi ngày một việc, góp phần làm sạch môi trường” của Ủy ban MTTQ huyện với trên 7.200 lượt người tham gia ở nhiều nội dung, hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhân Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023, thành phố Yên Bái trao 75 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong ảnh: Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH thành phố trao quà cho trẻ em phường Nam Cường.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thành phố Yên Bái đã huy động nhiều nguồn lực quan tâm, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Đồng bào dân tộc Dao huyện Văn Yên thực hiện chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp.

Huyện Văn Yên có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 50%. Hiện tại, toàn huyện có 9 hợp tác xã, doanh nghiệp do người DTTS làm chủ.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Yên Bái làm hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Với mục tiêu hỗ trợ người thất nghiệp sớm ổn định cuộc sống và nhanh chóng tìm được việc làm mới, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ra đời và trở thành “điểm tựa” giúp người lao động (NLĐ) khi họ gặp khó khăn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2 năm vừa qua, BHTN cũng đã phát huy tối đa vai trò hỗ trợ NLĐ và cả người sử dụng lao động vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục