Yên Bái đào tạo nghề "trúng" nhu cầu của doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/6/2023 | 2:49:03 PM

YênBái - Gắn kết dạy nghề với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngoài chú trọng đổi mới đào tạo nghề còn không ngừng làm tốt công tác hướng nghiệp, nắm bắt nhu cầu thị trường để tuyển sinh, đào tạo nghề "trúng" nhu cầu của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước.

Các em học sinh lớp Điện công nghiệp, Trường Trung cấp Nghề Lục Yên trong giờ thực hành, phân tích các bản vẽ thiết kế lắp đặt điện công nghiệp, dân dụng; lắp đặt, vận hành, kiểm tra, hiệu chỉnh, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống cung cấp điện, máy điện và thiết bị điện trong các công ty, nhà máy, giúp các em tiếp thu, làm quen với các kiến thức thực tế.  

Thầy giáo Nguyễn Anh Lương - Giáo viên Trường Trung cấp Nghề Lục Yên cho hay:  "Ở đây, các em được trang bị kiến thức về văn hóa phổ thông và học nghề điện công nghiệp. Khi ra trường, các em sẽ có 2 bằng. Đối với nghề điện công nghiệp, các em sẽ được trang bị về kiến thức, sau này ra ngoài xã hội, các em có thể tự mở các xưởng sửa chữa điện hoặc vận hành máy ở các doanh nghiệp, công ty”.

Giờ thực hành của các em học sinh lớp Điện công nghiệp, Trường Trung cấp Nghề Lục Yên.

Trường Trung cấp Nghề Lục Yên năm học này có 19 lớp vừa đào tạo văn hóa vừa đào tạo các nghề: điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh, hàn, may mặc, thú y, chăm sóc sắc đẹp, pha chế… với trên 840 học sinh. Thời gian qua, nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng nghiệp trong quá trình tuyển sinh nhằm nâng tỉ lệ đào tạo ngành nghề phù hợp nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động.  

Em Triệu Thị Muội – Học sinh Trường Trung cấp Lục Yên chia sẻ: "Cuối lớp 9, em được tư vấn vào trường nghề để vừa học nghề, vừa học văn hóa. Sau khi vào trường, em lựa chọn học nghề may. Được các thầy cô giảng dạy và được nhà trường cho đi thực tập dưới Hưng Yên nên đến nay em biết được cơ bản kiến thức về nghề may mặc. Em mong muốn ra trường sẽ sớm có công việc ổn định”. 

Khoa Công nghệ ô tô, vận hành máy của Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái hiện có 400 học sinh. Coi trọng hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, tăng thời gian thực hành nghề tại nhà xưởng và trong các doanh nghiệp, nhà trường mong muốn học sinh, sinh viên vững tay nghề sau khi ra trường. 

Thầy giáo Đỗ Ngọc Thịnh - Trưởng Khoa công nghệ ô tô, vận hành máy, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thông tin: "Hiện nay, công nghệ ô tô là một trong những nghề trọng điểm của nhà trường. Do đó, nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, đặc biệt là chất lượng thực hành của các em. Ngay từ khi vào trường, các em được trang bị lý thuyết, sau đó trong những buổi thực hành, các em được đi thực tập, trải nghiệm tại các ga-ra, doanh nghiệp từ 3 đến 5 tháng, tiếp cận với máy móc, thiết bị hiện đại. Sau đó, các em ra trường sẽ được các doanh nghiệp, các hãng xe tiếp nhận luôn”. 


Được đào tạo chuyên sâu để có tay nghề vững, ra trường dễ dàng có việc làm nên Khoa công nghệ ô tô, vận hành máy, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thu hút rất đông học sinh, sinh viên.

Em Dương Trung Quân - Sinh viên lớp Cao đẳng ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái chia sẻ: "Em đã tìm hiểu và yêu thích nghề sửa chữa ô tô từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua tìm hiểu, em nhận thấy nhu cầu của nghề này đối với xã hội rất lớn. Do đó, khả năng tìm kiếm việc làm của nghề này sẽ dễ dàng hơn so với những nghề khác. Hiện tại, em đang học nghề sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng nghề. Em được các thầy chỉ dẫn dạy lý thuyết và thực hành rất sát với thực tế, tạo nền tảng cho chúng em có tay nghề vững để sau này ra trường có thể tìm kiếm công việc tốt với mức lương phù hợp”. 

Với công thức đào tạo "30-70", Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã áp dụng nhiều chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế như: đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, đào tạo các chương trình ở trình độ quốc tế cấp độ ASEAN, cấp độ quốc gia, nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra cho học sinh, sinh viên theo nhu cầu doanh nghiệp. 2 năm qua, nhà trường đã tổ chức gần 60 lớp thực tập sản xuất tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với trên 1.000 lượt học sinh, sinh viên tham gia. 

Thầy giáo Đỗ Duy Thái - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: "Nhà trường từ việc xây dựng chương trình đào tạo cũng như trong quá trình đào tạo đã thường xuyên lấy ý kiến tham khảo, đánh giá của các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia để bổ sung, cải tiến, cập nhật kiến thức mới với tỷ lệ 30% học kiến thức tại nhà trường và 70% thực hành tại doanh nghiệp. Qua đó, đào tạo sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường lao động. Các nghề trọng điểm và các nghề khác, nhà trường đều cam kết giới thiệu việc làm cho sinh viên sau quá trình đào tạo. Việc này, nhà trường đã thực hiện và có kết quả tốt”. 


Với công thức đào tạo "30-70", Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã áp dụng nhiều chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.

Năm 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp của Yên Bái đạt 27,1%, tăng hơn 5% so với mức 22% của năm 2020. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp tăng từ 42% năm 2020 lên 44,5% năm 2022. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 20.000 người, giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động. Những con số đó cho thấy chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động. 
   Thanh Chi – Đức Toàn

Các tin khác
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Một trong những kết quả nổi bật được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, đó là việc sắp xếp bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Huấn luyện lực lượng tự vệ khối các cơ quan tỉnh năm 2023.

Thời gian qua, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”, tỉnh Yên Bái luôn xác định và đánh giá đúng vị trí, vai trò của lực lượng DQTV trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thường xuyên quan tâm xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn và vai trò “dân vận” của lực lượng.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lục Yên tham gia “Ngày cùng dân” tại xã Tô Mậu.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Lục Yên còn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt chức năng “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Bà Vũ Thị Thủy ở tổ dân phố số 9, thị trấn Mậu A rút tiền lương hưu tại cây ATM của ngân hàng.

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Văn Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện chi trả cho người hưởng lương hưu nhận tiền qua thẻ ATM.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục