Hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2023

Yên Bái nỗ lực vì "trường học không ma túy"

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/6/2023 | 8:20:56 AM

YênBái - Ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội. Việc đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy trong học đường để bảo vệ thế hệ trẻ là một yêu cầu cấp thiết đặt ra không chỉ của các cơ quan chức năng...



Xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ma túy đang từng bước tiếp cận học sinh bằng nhiều chiêu thức tinh vi, khiến tỷ lệ người trẻ sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng. Trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 đã xử lý hành chính 4 đối tượng; 5 tháng đầu năm 2023 bắt 3 vụ, khởi tố 3 đối tượng, xử lý hành chính 2 đối tượng về hành vi mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, đều trong lứa tuổi học sinh, sinh viên (HSSV). Đây là những con số đáng lo ngại, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, hữu hiệu hơn để công tác phòng, chống ma túy học đường đạt hiệu quả cao. 

Tháng 2/2023, Công an thành phố Yên Bái bắt giữ 4 đối tượng có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó khởi tố 1 đối tượng nữ mới 17 tuổi. Có thể thấy, tội phạm ma túy ngày càng trẻ hóa bởi nhắm vào HSSV là đối tượng mới lớn. 

Với gia đình chị Phạm Ngọc C, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái thì những ngày vừa qua là chuỗi ngày vô cùng khó khăn khi phát hiện cậu con trai học lớp 8 sử dụng thuốc lá điện tử. 

Chị C kể: "Hôm tôi phát hiện cháu hút thuốc lá điện tử là lúc lên phòng cháu có mùi rất thơm. Đọc trên mạng có nhiều vụ học sinh ngộ độc vì thuốc lá điện tử, biết được các chiêu trò đưa chất ma túy vào trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, nhưng không ngờ con mình cũng "dính”. Dù vô cùng bức xúc và lo lắng, nhưng gia đình tôi cũng chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo để con nhận ra thuốc lá điện tử có hại cho sức khỏe như thế nào. Từ đó, con biết từ chối mỗi khi bạn bè rủ rê”. 

Tâm lý lo lắng của gia đình chị C cũng là tâm lý chung các bậc làm cha làm mẹ đang có con trong tuổi thanh thiếu niên, bởi rất khó để kiểm soát khi trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp "núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống như: "nước vui”, nước xoài, nước dâu, trà sữa, thuốc lá điện tử… có mẫu mã, hình thức, thành phần chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần mới, được giới trẻ ưa chuộng. Các sản phẩm có chứa ma túy này hình thức, màu sắc, mùi vị không khác gì đồ uống thông thường, nên rất khó phát hiện và được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. 



Theo khảo sát của phóng viên bằng gõ từ khóa "thuốc lá điện tử" trên công cụ tìm kiếm Google đã cho ra hàng triệu kết quả tìm kiếm với nhiều chỉ dẫn chi tiết về địa chỉ, thông tin sản phẩm, giá bán cũng như những lời quảng cáo hoa mỹ từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng với giả dạng son môi, USB, bút... và đa dạng hương vị dâu, cam, xoài, dưa hấu, trà sữa hấp dẫn giới trẻ. Thử đánh từ khóa "Vape Yên Bái” cũng thấy hiện ra nhiều nhóm và tài khoản cá nhân quảng cáo bán thiết bị và dung dịch thuốc lá điện tử.

Toàn tỉnh hiện có trên 200 cơ sở giáo dục phổ thông với trên 170.000  HSSV. Đây là những đối tượng mà tội phạm ma túy hướng tới. Khi ma túy len lỏi được vào trường học sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe, quá trình nhận thức và học tập của các em. 

Vậy nguyên nhân do đâu HSSV có thể tiếp cận và sử dụng chất ma túy? Có rất nhiều nguyên nhân từ khách quan đến chủ quan, nhưng nguyên nhân được xem là cốt lõi nhất vẫn là xuất phát từ chính bản thân các em như do thiếu hiểu biết về tác hại của ma tuý nên các em bị những đối tượng xấu kích động, lôi kéo sử dụng, tham gia vận chuyển, mua bán chất ma túy; một số khác sử dụng ma túy vì muốn thư giãn hay muốn vui vẻ, thoả mãn trí tò mò. Cùng với đó, nhiều trường hợp có tâm lý đua đòi, thích hưởng thụ... Và khi đã thử một vài lần rồi dẫn đến bị lệ thuộc lúc nào không hay. 



Để ngăn chặn, phòng ngừa việc HSSV sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất ma túy, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường truyền thông qua Dự án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn theo Kế hoạch số 250 của UBND tỉnh, trang bị kỹ năng, kiến thức cơ bản về đặc điểm của một số loại ma túy mới, các nội dung trọng tâm về hậu quả, tác hại của  ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và các chất gây nghiện, chất hướng thần núp bóng các vỏ bọc, hình thức như: tem giấy, bùa lưỡi, cỏ Mỹ, bóng cười… cho HSSV, nhất là học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú và các bậc cha mẹ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. 

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng phối hợp Công an tỉnh và công an các địa phương tổ chức các buổi giao lưu "HSSV với công tác phòng chống ma túy” tại các cụm trường trọng điểm nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chủ động phòng ngừa ma túy của HSSV; yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp và các đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện có hiệu quả Tháng hành động phòng, chống ma tuý năm 2023 với chủ đề "Phòng, chống ma túy quyết liệt, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm, chủ động phối hợp - Vì một cộng đồng sạch ma túy”. Bên cạnh đó, hàng năm tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh cam kết không tham gia buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy. 

Ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng thì cha mẹ học sinh, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, cập nhật thông tin về những thủ đoạn mới của tội phạm ma túy để trang bị thêm cho các em bản lĩnh và kỹ năng để vượt qua cám dỗ của xã hội. Đặc biệt, bản thân các em tùy vào độ tuổi cần chủ động tìm hiểu các kiến thức nhằm tự "tạo đề kháng” cho bản thân trước những tác hại khôn lường của chất kích thích, ma túy. Đó sẽ là thành trì vững chắc để ngăn chặn tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp và xâm nhập sâu trong giới trẻ, bảo vệ những chủ nhân tương lai của đất nước.



Ở Yên Bái, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia sử dụng, tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp môi trường học đường và bản thân các em.

Phòng, chống ma túy trong học đường là trách nhiệm của toàn xã hội và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau; đặc biệt là công tác tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của ma túy. 

Xác định được trách nhiệm, ngành giáo dục Yên Bái đang tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy trong trường học. 



Trong năm 2022, lực lượng công an đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm ma túy cho 500 cán bộ, công nhân, viên chức ngành giáo dục của tỉnh và 60 đoàn viên, thanh niên tại thành phố Yên Bái; tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy cho 2.569 lượt người tại 8 xã, phường trên địa bàn tỉnh. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 5 lượt tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các trường học trên địa bàn thành phố Yên Bái cho trên 500 học sinh, sinh viên; tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tội phạm ma túy tại 4 hội nghị cho 225 cán bộ, nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải. 

Trong Tháng hành động phòng chống ma túy, Ngày Quốc tế và Ngày Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, đã tuyên truyền cho 100 đoàn viên công đoàn và công nhân lao động; phối hợp tổ chức 4 buổi tuyên truyền cho 1.408 lượt học sinh, sinh viên các trường dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, Trường THCS trên địa bàn tỉnh.  



Để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi ma túy học đường, bên cạnh sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, gia đình, nhà trường, sự nỗ lực của mỗi cá nhân học sinh, trước mắt, ngành giáo dục cần đẩy mạnh phối hợp với cơ quan chức năng liên quan có các khóa tập huấn, đào tạo thường xuyên cho các thầy cô giáo, nhận diện sự thay đổi liên tục của ma túy, dấu hiệu nhận biết, cách xử lý khi nghi ngờ học sinh sử dụng ma túy. 

Nhà trường cần phối hợp với các đoàn thể tổ chức các chương trình truyền thông lồng ghép học mà chơi, chơi mà học như: hoạt động "Phiên tòa giả định” của đoàn thanh niên; hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của lực lượng công an; Phong trào "5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ tỉnh… 

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền giúp học sinh được giao lưu, chia sẻ, nhận được lời tư vấn từ chính những người trong cuộc, người đã sử dụng ma túy; những tác hại, mất mát qua cuộc đời của họ…, giúp các em có cái nhìn khách quan, toàn diện để tránh xa ma túy. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông trong cộng đồng cũng cần được đẩy mạnh để trang bị kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh, giúp các em có kỹ năng, bản lĩnh, có "sức đề kháng” trước những cám dỗ của ma túy và các tệ nạn xã hội.



Giờ đây, sự xuất hiện tinh vi của nhiều dạng ma túy thế hệ mới đang đe dọạ trực tiếp đến sự phát triển của thế hệ trẻ, có nguy cơ làm suy giảm chất lượng giống nòi và nguồn lao động tương lai. Đặc biệt, trường học là nơi trẻ được bảo vệ, chăm sóc và phát triển thì giờ đây cũng đang bị tấn công bởi ma túy. 

Hàng loạt vụ việc liên quan đến các thanh thiếu niên sử dụng ma túy thế hệ mới bị phát hiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra hậu quả khó lường đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của các cơ quan chức năng cũng như sự chung tay, phối hợp của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. 



Tháng 11/2022, tại thôn Khe Cạn, xã Đông An, Công an huyện Văn Yên đã bắt quả tang 2 đối tượng là Lê Tuấn A và Nguyễn Hoàng A. sinh năm 2005 là học sinh một trường THPT trên địa bàn huyện có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 1,86 gam ketamine (ma túy thế hệ mới). 

Đặc biệt, qua mở rộng điều tra, Công an huyện đã bắt giữ thêm 2 đối tượng liên quan có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, trong đó có một nữ sinh sinh năm 2006. Các đối tượng đã thông qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook để thực hiện hành vi mua bán, trao đổi trái phép này. 

Trong một vụ án tiếp theo, lực lượng Công an huyện đã bắt giữ 2/4 bị can trong vụ án là thanh niên, trong đó có 1 đối tượng dưới 16 tuổi tham gia vào vụ mua bán trái phép chất ma túy tại tổ dân phố số 3, thị trấn Mậu A, thu giữ 43,164 gam ma túy tại ADB BUTUNCA (dạng đầu lọc thuốc lá). 

Ngoài ra, qua công tác nắm tình hình, trong thời gian gần đây, Công an huyện đã phát hiện nhiều học sinh thuộc các trường THPT trên địa bàn có biểu hiện tụ tập theo nhóm để sử dụng cỏ Mỹ (cần sa), thuốc lá điện tử, thuốc lào Ả Rập… Ma túy thế hệ mới đang có nguy cơ xâm nhập môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hậu quả khó lường. 

Ma túy thế hệ mới có nhiều chất độc, nó có thể biến người trẻ tuổi thành một "ông già". Sau khi hút các chất gây nghiện, người trẻ tuổi rất nhanh chóng bị co thắt mạch vành, hẹp mạch máu gây tổn thương cơ tim. Có những trường hợp người trẻ sử dụng ma túy tổng hợp dài ngày gây ra tổn thương não bộ nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, xuất huyết não, co thắt làm vỡ mạch, tử vong…, nặng hơn rất nhiều so với nguyên nhân thiếu máu não ở người có tuổi. 

Thượng tá Phạm Song Tùng - Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết: "Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về ma túy trong lứa tuổi học sinh có chiều hướng gia tăng với những diễn biến phức tạp. Ma túy thế hệ mới trá hình dưới nhiều hình thức như thuốc lá điện tử, shisha, bóng cười… Tinh vi hơn ma túy còn núp bóng trá hình dưới dạng tem thấm, cỏ thơm hay, thực phẩm chức năng hay được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống...". 



Học sinh là những đối tượng mới lớn, đang trong độ tuổi hình thành và hoàn thiện nhân cách, tâm lý chưa ổn định, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bạn bè cùng lứa tuổi, chủ quan, dễ dao động, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, trải nghiệm những cái mới và thể hiện bản thân. Do vậy, học sinh trở thành đối tượng mà tội phạm ma túy muốn hướng đến. Không những thế, lợi dụng sự phát triển của Internet, tội phạm sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube… để quảng cáo, môi giới, buôn bán ma túy và tổ chức sử dụng ma túy, gây khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm. 

Việc đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy trong học đường để bảo vệ thế hệ trẻ là một yêu cầu cấp thiết đặt ra không chỉ của các cơ quan chức năng mà cần có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và toàn xã hội mới có thể tạo nên sức mạnh thống nhất, bền chặt giúp đẩy lùi tệ nạn ma túy xâm nhập vào môi trường học đường, góp phần bảo vệ thế hệ tương lai phát triển lành mạnh, hướng thiện và có ích.

                                                                                                Bài:  Thanh Chi - Hoài Văn - Thu Trang  
                                                                                                Ảnh: Thanh Chi - Hoài Văn - Thu Trang
Đồ họa: Thành Trung - Thanh Thủy

Tags Yên Bái ma túy học đường xã hội học sinh sinh viên thuốc lá điện tử cần sa

Các tin khác
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và lãnh đạo Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần Khoáng chất công nghiệp Việt tại Lễ công bố Quyết định thành lập.

2 năm qua, các chỉ tiêu triển khai thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU đều hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao.

Các đại biểu tham quan mô hình đổi rác thải lấy cây xanh của phường Minh Tân.

Hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH)” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, thời gian qua, thành phố Yên Bái đã phát động sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý RTSH tại nguồn” trên toàn địa bàn, đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Một giờ học bơi của trẻ em tại Trung tâm I Fitness & Yoga đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái.

Hè đến các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em Yên Bái lại sôi động. Trong đó, bơi, lặn là một trong những hoạt động vừa có nhiều lợi ích cho sức khỏe vừa giúp tăng cường kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Vì vậy, đây là một trong những hoạt động được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con tham gia mỗi dịp hè đến và cũng là hoạt động dành được sự yêu thích, thu hút đông đảo trẻ em.

Hội viên CCB xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cùng nhân dân bê tông hóa đường nông thôn.

Thời gian qua, các cấp hội cựu chiến binh (CCB) huyện Trạm Tấu tập trung vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Từ các phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục