Nhờ tham gia lớp học nghề may công nghiệp, đến nay, chị Nguyễn Thị Minh Xuân ở xã Nga Quán, huyện Trấn Yên có việc làm ổn định tại Công ty TNHH Vina KNF tại thị trấn Cổ Phúc. Theo chị Xuân, lúc trước chị đi làm ở Hà Nội, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị nghỉ việc về quê. Sau khi biết được thông tin Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với Công ty TNHH Vina KNF mở lớp dạy nghề tại Công ty, chị liền đăng ký học.
"Việc học nghề tại Công ty giúp tôi làm quen với máy móc, trang thiết bị. Do đó, khi vào làm, tôi có nhiều thuận lợi, không thấy bỡ ngỡ. Từ ngày đi làm, gia đình tôi có thêm thu nhập, cuộc sống cũng thoải mái hơn” - chị Xuân cho biết.
Anh Nguyễn Minh Khoa ở xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái cũng tìm được việc làm qua thông báo tuyển dụng của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Anh Khoa cho biết: "Mấy tháng trước, qua thông báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tôi biết Công ty TNHH Sửa chữa ô tô Hà Hưng cần tuyển lao động. Do đó, tôi nộp hồ sơ và được tuyển dụng. Nhờ có việc làm, thu nhập gia đình tôi cũng ổn định hơn”.
Xác định tăng cường giải quyết việc làm sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, ngành lao động - thương binh và xã hội đã đẩy mạnh kết nối thị trường lao động nhằm giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc làm và do chưa tìm được công việc phù hợp.
Cùng với đó, công tác quản lý, giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cũng được chú trọng, số người được giải quyết chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là 2.591 người với tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp là 39,84 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 26 người với số tiền 143,5 triệu đồng; số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.709 người.
Trong 8 tháng, các trường đào tạo nghề trên địa bàn đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 15.471/18.000 người (đạt 86% kế hoạch, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022); trong đó: cao đẳng 823 người, trung cấp 2.204 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 12.444 người, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 1.463 người (nghề nông nghiệp là 630 người và nghề phi nông nghiệp là 833 người).
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác lao động, việc làm, đào tạo nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền; triển khai thực hiện kịp thời Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2023; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023; Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 và Chương trình phát triển thanh niên năm 2023 lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Sở cũng xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện điều tra, cập nhật thông tin cung - cầu lao động năm 2023.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động.
Đẩy mạnh tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có tay nghề cao; tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để thực hiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, đa dạng, linh hoạt theo yêu cầu của người học và nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; gắn kết giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động sau khi tốt nghiệp khóa học nghề. Khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập theo loại hình xã hội hóa; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo hướng nghề nghiệp…
Quang Thiều