- Kể từ thời điểm Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, đến nay, xin ông đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã có thay đổi như thế nào?
Ông Phạm Hoài Nam: Năm 2007, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng. Tận dụng lợi thế của thời kỳ này, nhiều chính sách đã được ban hành để phát triển kinh tế. Đặc biệt là các chính sách về phát triển nguồn nhân lực và gia tăng đóng góp của lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh. Kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, trung bình giai đoạn 2011-2018 đạt 6,21%/năm. Riêng năm 2020, tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, thấp nhất giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 5,99%/năm, không đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra (6,5-7%/năm). Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất so với các nước trong khu vực ASEAN. GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm 2021 đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2021 do nền kinh tế dần được khôi phục trở lại.
Tuy vậy, nước ta vẫn nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Một trong những lý do là nền kinh tế mặc dù đã tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng lại chủ yếu dựa vào khai thác lao động giá rẻ và giản đơn.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề cập: "Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, tận dụng và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm mức tăng dân số hợp lý và cân bằng giới tính khi sinh” .
|
- Mốc 100 triệu dân mở ra cơ hội lớn, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Theo ông, đâu là những thuận lợi, nguy cơ có thể xảy ra?
Ông Phạm Hoài Nam: Quy mô dân số vượt mốc 100 triệu người, cơ cấu dân số với gần 70% người trong độ tuổi lao động là nền tảng, cơ hội cho Việt Nam tận dụng để tăng trưởng và phát triển. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì việc Việt Nam đạt quy mô dân số 100 triệu người được coi là dấu mốc đáng tự hào, giúp nâng cao vị thế với bạn bè và đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, thách thức cũng là không nhỏ, khi mức sinh thay thế có xu hướng giảm. Trong đó, hai vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế. Mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến nguy cơ già hóa dân số quá nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động, gia tăng những vấn đề an sinh xã hội.
Đáng lưu ý, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh. Thách thức về già hóa dân số làm giảm nguồn lực lao động và tăng gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019, năm 2022 có số này khoảng 13% và dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Dự báo đến năm 2039, Việt Nam kết thúc thời kỳ dân số vàng và chính thức chuyển sang giai đoạn "dân số già”.
Bên cạnh tác động làm suy giảm nguồn cung lao động, quá trình già hóa dân số cũng đặt ra đồng thời những thách thức lớn về phát triển và cơ cấu lại hệ thống an sinh xã hội để thích ứng với cơ cấu dân số già từ sau năm 2040.
- Vậy, thưa ông, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội, cũng như giải quyết khó khăn, thách thức?
Ông Phạm Hoài Nam: Thời kỳ cơ cấu dân số vàng là cơ hội hiếm hoi để các quốc gia cất cánh về kinh tế. Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Đối với nước ta, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam chỉ kéo dài trong khoảng 30 năm.
Vì thế, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất nhằm tạo dựng và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường lao động linh hoạt, hội nhập và bền vững đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Cùng đó là chủ động đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc; đồng thời thực hiện phương châm học suốt đời, học linh hoạt nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động.
Đặc biệt, Chính phủ cần đổi mới hơn nữa công tác quản lý, sử dụng đánh giá và đào tạo lại đội ngũ nhân lực. Đổi mới căn bản và toàn diện chính sách tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và đề bạt đội ngũ nhân lực trong bộ máy nhà nước.
(Theo TPO)