Ông Ngô Văn Dung, thôn Tĩnh Hưng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên năm nay 70 tuổi đang là chủ doanh nghiệp tư nhân chè Hữu Hùng. Phát huy lợi thế của địa phương có nguồn chè lớn, từ nhiều năm trước, gia đình ông đã đầu tư cơ sở sản xuất chế biến chè đen.
Tuy nhiên, do ban đầu chưa có vốn nên gia đình ông chỉ sản xuất nhỏ lẻ, đến năm 2014, ông quyết định đầu tư gần 3 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở sản xuất, mua sắm trang bị thêm máy móc gồm: 4 máy vò chè, 1 máy sấy, 5 hộc héo, 2 hộc bảo quản chè… Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình ông Dung chế biến khoảng 10 tấn chè tươi, mang về khoản lợi nhuận trên 200 triệu đồng mỗi năm, đồng thời tạo việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương.
Ông Dung chia sẻ: "Thực hiện phương châm "hội viên còn sức khỏe thì trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, dịch vụ để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình; hội viên sức khỏe yếu thì hướng dẫn cho con cháu về kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống”, hàng ngày, tôi vẫn luôn chủ động, sát sao với công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình. Tôi thấy vui và hạnh phúc vì vẫn còn giúp ích được cho gia đình và xã hội”.
Cùng với ông Dung, ông Vũ Hữu Lê - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà có trụ sở tại tổ dân phố Nam Thọ, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái năm nay đã gần 90 tuổi. Đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm”, hoàn toàn có thể nghỉ ngơi, dưỡng già với điều kiện kinh tế khá giả, song, hiện tại, ông Lê vẫn say mê công việc nghiên cứu, chế tạo thiết bị, máy móc nông nghiệp với mong muốn giúp bà con nông dân tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức lao động, từng bước cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Những sản phẩm do Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà sản xuất và lắp đặt được thị trường rất ưa chuộng trong thời gian qua như: máy vò chè, máy ép miến, máy băm chặt cành quế, hệ thống máy sấy cát… Trung bình mỗi năm, tổng doanh thu của Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động với mức thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đỗ Trọng Tài - Phó Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh bày tỏ: "Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên NCT đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gia đình để phát triển kinh tế trên các lĩnh vực: công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và xây dựng quê hương phát triển giàu đẹp”.
Hiện tại, toàn tỉnh có gần 400 hội viên NCT làm chủ trang trại, doanh nghiệp, trên 1.300 NCT làm kinh tế giỏi. Trong đó: thành phố Yên Bái có trên 300 NCT làm kinh tế giỏi; huyện Yên Bình có 45 NCT làm kinh tế giỏi các cấp; Lục Yên có 18 NCT làm kinh tế giỏi cấp cơ sở; huyện Văn Yên có 315 NCT làm kinh tế giỏi cấp cơ sở; huyện Trạm Tấu có 44 NCT làm kinh tế giỏi cấp cơ sở.
Cùng với thi đua phát triển kinh tế, các hội viên NCT còn luôn gương mẫu đi đầu trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giữ gìn an ninh trật tự; bảo vệ môi trường…, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho NCT "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Hồng Oanh