Mù Cang Chải: Niềm vui trong những ngôi nhà sau lũ

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/10/2023 | 2:18:07 PM

YênBái - Lao Chải và Hồ Bốn là hai địa phương của huyện Mù Cang Chải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận mưa lũ lịch sử ngày 5/8 vừa qua. Gần 3 tháng sau lũ, được sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của cộng đồng, nhiều ngôi nhà mới ở các khu tái định cư được dựng lên, cuộc sống người dân nơi đây đang hồi sinh.

Những ngôi nhà mới tại Khu tái định cư Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải
Những ngôi nhà mới tại Khu tái định cư Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải


Mấy ngày này, không khí trên khu tái định cư ở Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải nhộn dịp hẳn. Nhiều hộ dân đang tất bật, khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để làm thủ tục về nhà mới.

Gia đình anh Sùng A Sinh ở bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải là một trong những hộ dân có nhà ở bị sập đổ hoàn toàn sau cơn mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua. Toàn bộ tài sản chắt chiu bấy lâu cùng ngôi nhà bị trôi theo dòng lũ dữ, may mắn là toàn bộ người thân trong gia đình đều an toàn. Sau gần 3 tháng được cấp ủy, chính quyền quan tâm, người thân cho ở nhờ, nay gia đình anh đang chuẩn bị chuyển về nhà mới.

"Lũ qua, tài sản trôi hết, tôi tuyệt vọng lắm. Trong khó khăn, tôi được chính quyền địa phương, dân bản hỗ trợ tiền và cấp đất, giúp dựng lại ngôi nhà. Ở khu khu tái định cư này rộng rãi và an toàn. Bây giờ làm được nhà rồi, gia đình sẽ tập trung lao động sản xuất bắt đầu làm cuộc sống mới”, anh Sinh chia sẻ.

Gia đình anh Thào A Chú thuộc diện nguy cơ cao bị sạt lở đất buộc phải chuyển nơi ở nên cũng được cấp đất trong khu vực tái định cư dành cho hộ bị lũ quét, sạt lở đất cuốn trôi nhà ở. Sau khi đến khu tái định cư Hồng Nhì Pá, anh đã cùng người thân trong gia đình và nhờ hàng xóm hỗ trợ chuyển nhà đến khu tái định cư để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Anh Chú cho biết: "Mình rất vui khi được Nhà nước bố trí đến khu tái định cư mới rất rộng rãi, bằng phẳng. Ngoài sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, anh em trong gia đình, tôi tiếp tục vay mượn thêm để mua sắt thép làm nhà lắp ghép, vừa chắc chắn lại kiên cố lâu dài. Bây giờ gia đình yên tâm rồi, không còn lo mưa lũ nữa”.

Cũng như A Chú, A Sinh, các gia đình: Thào A Dê, Sùng A Súa, Giàng A Đu, Cứ A Thái, Mùa A Vĩnh, Giàng A Tông, Giàng A Sử, Mùa A Sùng ...sau khi được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân về kinh phí và vật chất, cũng đã chuyển về khu tái định cư ở bản Hồng Nhì Pá để ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất. 

Ông Giàng A Vàng - Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải cho biết: "Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn xã có 502 hộ bị thiệt hại về nhà ở, trong đó 35 ngôi nhà bị sạt lở, lũ quét làm sập đổ, cuốn trôi và 39 hộ phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.... Để đảm bảo cuộc sống cho các hộ dân, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, sự phối hợp của các phòng, ban chuyên môn của huyện, chúng tôi đã chủ động tìm và bố trí quỹ đất để san gạt và phân bổ cho các hộ dân mất nhà và các hộ dân sống trong khu vực nguy cơ cao. Hiện nay các hộ dân đã làm lại nhà cửa, đảm bảo ổn định cuộc sống”.

Rời bản Hồng Nhì Pá, chúng tôi ngược theo quốc lộ 32, tiếp tục hành trình lên bản Trống Là, xã Hồ Bốn - một trong những địa phương bị thiên tai tàn phá khốc liệt nhất với nhiều ngôi nhà bị "xóa sổ” hoàn toàn, hàng chục ngôi nhà phải di dời khẩn cấp bởi nguy cơ sạt lở đất và lũ ống, lũ quét… mới thấy được sự thay đổi và vươn lên của đồng bào sau lũ.

Anh Vừ A Lâu ở bản Trống Là cho biết: "Như nhiều hộ dân khác trong bản, trận mưa lũ đó làm nhà tôi bị sập hoàn toàn. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con trong bản, nay gia đình tôi được bố trí về khu tái định cư để làm nhà ở rộng rãi và an toàn hơn”.

Cùng với anh Lâu, hiện 20 hộ có nhà bị sập hoàn toàn và 13 hộ diện phải di dời khẩn cấp ở Hồ Bốn đều  đã được bố trí đến khu tái định cư và người dân tự tìm đất ở đã làm được nhà mới, sớm ổn định cuộc sống.


Được sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, gia đình ông Giàng A Sử đã dựng lại được ngôi nhà mới tại khu tái định cư Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải

Ông Phạm Việt Cường - Bí thư Đảng ủy xã Hồ Bốn chia sẻ: Trong khó khăn, người dân trong và ngoài xã đã đùm bọc nhau lẫn nhau, đoàn kết rất cao. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà từ thiện, họ đã giúp nhau rất nhiều trong quá trình di dời và làm lại nhà ở. Đặc biệt, cán bộ từ các phòng, ban của huyện đến già làng, trưởng bản, lượng dân quân, công an, các hội viên..., không ai bảo ai đều hết nhiệt tình xắn tay vào giúp dân. Nhờ vậy, đến nay, những hộ gia đình bị mất trắng nhà cửa và những hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp đều đã được bố trí về nơi ở mới an toàn, bảo đảm cuộc sống”. 

Tổng giá trị thiệt hại trong trận mưa lũ lịch sử ngày 5/8 vừa qua, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải ước tính 392.126 triệu đồng. Trong đó, nhà cửa: 32.200 triệu đồng; nông nghiệp 21.289 triệu đồng; cơ sở hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, nước sạch, giáo dục, y tế, công nghiệp, thông tin liên lạc) 326.767 triệu đồng và thiệt hại khác 11.870 triệu đồng.

Với truyền thống "lá lành đùm lá rách” và phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy mà đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trong tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực giúp huyện Mù Cang Chải khắc phục hậu quả do thiên tai, đặc biệt tìm các quỹ đất để giúp người dân có nơi ở an toàn, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện đã nghiêm túc thực hiện, quyết liệt và triệt để. Các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã nỗ lực chung tay giúp sức. Kết quả là gần 3 tháng sau thiên tai, những ngôi nhà ấm áp, vững chãi đã nhanh chóng mọc lên từ các khu tái  định cư, từ nơi người dân san sẻ nhường đất giúp người dân có thêm động lực vực lên sau lũ. 

Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, huyện đã họp và tìm các giải pháp sát với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, các giải pháp để hỗ trợ người dân làm nhà được thực hiện bài bản và hiệu quả. Hơn nữa, huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, làm tốt công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ để người dân sử dụng đúng mục đích, không cho phép đem tiền hỗ trợ làm nhà sử dụng vào việc khác.

Hiện nay, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các xã Lao Chải, Hồ Bốn huy động các lực lượng tập trung giúp đỡ xây dựng các hạng mục khác như nhà vệ sinh, nhà bếp, hệ thống chuồng trại để người dân ở các khu tái định cư ổn định sinh hoạt và sản xuất”. 

Chia tay các khu tái định cư trên bản Hồng Nhì Pá và bản Trống Là, chúng tôi xuống núi. Niềm vui lộ rõ trên gương mặt của đồng bào khi cùng nhau lợp mái, ghép ván, đổ nền cho những ngôi nhà mới. Đám trẻ hồn nhiên tung tăng nô đùa bên những ngôi nhà mới kiên cố, sạch đẹp. Phía xa, những ruộng ngô và hoa mùa vụ đông đã bắt đầu lên xanh... hứ hẹn mùa no ấm. 

Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã hỗ trợ 8.380 kg gạo, 11.000 m ống nước, 1.400 m2 ván lịa, 40 téc nước, 170 tấn xi măng, 600 tấm lợp cho các hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn và ảnh hưởng bởi mưa lũ; giúp 48 hộ có nhà ở; khắc phục xong 607/607 nhà bị hư hỏng nặng; di dời xong 49/65 nhà; khắc phục xong 5/5 công trình nước sách, đảm bảo nước sinh hoạt ban đầu cho người dân và 158/168 công trình công trình thủy lợi. 


Văn Tuấn- Lê Ánh Tuyết

Tags Mù Cang Chải khu tái định cư nhà mới Hồ Bốn Lao Chải mưa lũ

Các tin khác
Gia đình người có công ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái được ở trong ngôi nhà kiên cố.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản số 4146/BXD-QLN trả lời cử tri Yên Bái kiến nghị Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở để tỉnh Yên Bái có cơ sở triển khai thực hiện, chăm lo tốt hơn nữa tới đời sống của người có công.

Toàn cảnh Lớp bồi dưỡng

Sáng 26/10, Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lớp bồi dưỡng “Nhận thức về tin giả, tin xuyên tạc và kỹ năng khai thác thông tin trên mạng xã hội”.

Cán bộ BHXH huyện Trạm Tấu tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.

Tính đếnhết tháng 9/2023, toàn tỉnh Yên Bái có 80.702 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); trong đó, có 55.490 người tham gia BHXH bắt buộc, 25.212 người tham gia BHXH tự nguyện.

Tiểu phẩm ngắn với sự tham gia của trẻ em tại buổi tuyên truyền về TH&HNCHT do Câu lạc bộ và Hội đồng Đội tỉnh tổ chức tại huyện Trạm Tấu.

Thành lập từ năm 2020 đến nay, Câu lạc bộ (CLB) Tư vấn, trợ giúp trẻ em tỉnh, trực thuộc Hội đồng Đội tỉnh đã tích cực tư vấn nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội trong tham gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ em; lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và lên tiếng bảo vệ trẻ em trước các vụ việc xâm hại trên địa bàn tỉnh…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục