Thời gian qua, việc tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về kinh tế luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng.
Hộ ông Thào A Sử, bản Nả Dề Thàng, xã Khao Mang là một trong những hộ nuôi trâu gần 20 năm nay. Ông Sử chia sẻ: "Gia đình tôi thường xuyên duy trì nuôi từ 5 đến 6 con trâu. Để đảm bảo cho đàn gia súc không bị đói, rét, nhiều năm nay, trong quá trình thu hoạch lúa tôi đều giữ lại toàn bộ rơm phơi khô dự trữ và trồng thêm cỏ.
Hiện tại, trời chưa rét, nên hàng ngày tôi vẫn đi chăn thả để tiết kiệm rơm, cỏ dự trữ. Tôi còn học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, chữa trị một số loại bệnh thường gặp ở gia súc vào mùa đông, nhất là nghé non để vật nuôi phát triển tốt”.
Cũng như hộ ông Sử, hộ ông Giàng A Lù cùng bản cũng có 5 con trâu, nhưng hiện ông đã đưa 2 con cho hộ hàng xóm không có trâu để nuôi chia.
Ông Lù chia sẻ: "Cùng với công tác tuyên truyền của cán bộ trong nhiều năm qua, hiện nay, người dân các bản đều đã nâng cao ý thức tự chủ động dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi của mình. Nhà tôi ngoài dự trữ rơm khô, trồng cỏ thì còn dự trữ thêm cám ngô, thóc để cho ăn thêm những lúc trời rét đậm, rét hại”.
Bên cạnh đó, xã Khao Mang luôn quan tâm làm tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn vật nuôi; triển khai thực hiện kịp thời hiệu quả các chính sách về hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 69; hỗ trợ giống vật nuôi theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được kịp thời.
Riêng năm 2023, đã thực hiện 23 mô hình theo Nghị quyết 69 và hỗ trợ giống cho 16 hộ nuôi trâu, 30 hộ nuôi bò, 44 hộ nuôi lợn và 10 hộ nuôi dê, nâng tổng đàn gia súc chính của xã lên 6.700 con, đạt 111% kế hoạch cùng trên 16.400 con gia cầm các loại với tổng sản lợn thịt hơi xuất chuồng đạt 324/322 tấn.
Ở xã Nậm Khắt, ngoài tuyên truyền, vận động, các hộ dân chăn nuôi đều làm chuồng trại đảm bảo thoáng mát mùa hè, ấm, kín gió mùa đông, chủ động dự trữ thức ăn quanh năm, phòng, chống dịch bệnh... thì những năm gần đây, xã đã định hướng cho bà con nâng cấp chuồng trại, chuyển đổi chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, chăn nuôi hàng hóa đã giúp nâng tổng đàn gia súc chính hiện đạt 11.015/9.787 con, bằng 112% kế hoạch.
Ông Thào A Tồng, bản Hua Khắt chia sẻ: "Nhờ thực hiện mô hình chăn nuôi bò theo Nghị quyết 69 nên gia đình tôi hiện có đàn bò hơn chục con. Để duy trì đàn bò qua mùa đông, ngoài trồng hơn 1 mẫu cỏ voi thì đến mùa vụ, bên cạnh rơm rạ của gia đình, tôi còn đi mua thêm của các hộ khác về phơi khô dự trữ; chủ động che chắn chuồng, củi đốt sưởi ấm, chuẩn bị vỏ chăn cũ, áo cũ để cuốn cho bê ấm áp có sức chống chịu giá lạnh...”.
Nhờ chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc, đã góp phần quan trọng giúp huyện Mù Cang Chải duy trì ổn định con giống để tái đàn được thuận lợi, nên hết 10 tháng năm 2023, toàn huyện có tổng đàn gia súc chính ước đạt 89.870 con, tăng 6,1% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 3.920 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
Ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: với đặc thù khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nên để hạn chế thấp nhất thiệt hại về đàn vật nuôi do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, dịch bệnh gây ra, ngay những ngày đầu tháng 11, huyện đã ban hành kế hoạch phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp cùng các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động kiểm tra, rà soát các điều kiện cần thiết để bảo vệ đàn vật nuôi trước mùa đông giá lạnh được tốt nhất. Đồng thời, theo dõi sát sao thời tiết để thông báo kịp thời cho nhân dân trước những trận rét đậm, rét hại có thể xảy ra, giúp nhân dân không bị động trong công tác bảo vệ vật nuôi.
A Mua