Mù Cang Chải chủ động bảo vệ vật nuôi trong mùa rét

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/11/2022 | 7:33:17 AM

YênBái - Rút kinh nghiệm từ mùa rét những năm qua và đặc biệt là đợt rét đậm, rét hại kéo dài hồi đầu năm, ngay từ đầu tháng 11, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi.

Nhân dân xã Khao Mang chủ động dự trữ rơm làm thức ăn và chuồng nuôi nhốt gia súc đảm bảo an toàn trong mùa đông.
Nhân dân xã Khao Mang chủ động dự trữ rơm làm thức ăn và chuồng nuôi nhốt gia súc đảm bảo an toàn trong mùa đông.

Các địa phương đã triển khai họp bản, tổ dân phố để tuyên truyền những tác động, ảnh hưởng của thời tiết khi có mưa gió, giá rét và thiếu thức ăn, dịch bệnh lên đàn vật nuôi và giải pháp khắc phục; chủ động phân công cán bộ xuống từng thôn, bản rà soát, thống kê những hộ chăn nuôi trâu, bò chưa có chuồng nuôi nhốt; những hộ có chuồng nhưng chưa đảm bảo khả năng tránh rét cho gia súc để đôn đốc, giám sát việc làm mới và tu sửa chuồng trại cho đảm bảo. 

Là xã đã nhiều năm thực hiện tốt công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi nên nhân dân xã Khao Mang cũng đã tự giác hơn trong thực hiện các biện pháp phòng tránh đói, rét cho đàn gia súc. 

Ông Thào A Tồng, bản Nả Dề Thàng chia sẻ: "Gia đình tôi có 4 con trâu, năm nào tôi cũng chủ động dự trữ toàn bộ rơm rạ, trồng thêm cỏ voi, cho trâu ăn thêm thân cây chuối trộn với muối và cám ngô, cám gạo nấu. Che chắn, dọn vệ sinh chuồng trại thường xuyên đảm bảo sạch sẽ, kín gió, ấm áp về mùa đông và thoáng mát về mùa hè nên những năm qua gia đình chưa để thiệt hại gì về gia súc, gia cầm do đói, rét”. 

Ông Giàng A Dình - Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi xã Khao Mang cho biết: "Phần lớn người dân đã tự giác thực hiện. Nhưng mỗi năm đến mùa đông, xã vẫn luôn chủ động tuyên truyền để bà con chấp hành tốt, đầy đủ hơn. Theo đó, những hộ chăn nuôi đều giữ lại rơm rạ sau thu hoạch lúa rồi phơi khô dự trữ toàn bộ cùng với trồng cỏ, thân cây ngô và thức ăn tinh như: cám gạo, bột ngô, bột sắn làm thức ăn cho trâu, bò; chuẩn bị bao tải, vỏ chăn, quần áo cũ làm áo chống rét, nhất là đối với những con bê, nghé, gia súc già yếu; tận dụng các tấm bạt cũ, ni lon che chắn chuồng trại, chuẩn bị củi, vỏ trấu để đốt thêm lửa trong chuồng giữ ấm cho trâu, bò vào những ngày rét đậm... 

Trong những ngày giá rét, nhiệt độ xuống dưới 12oC tuyên truyền nhân dân không được đưa trâu, bò đi chăn thả trên đồi mà nuôi nhốt tại chuồng cho ăn rơm và bổ sung thức ăn tinh bột, nước ấm pha muối tăng cường sức khỏe, thân nhiệt chống rét”. 

Ngoài ra, xã chú trọng tuyên truyền nhân dân quan tâm làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhờ đó đàn vật nuôi phát triển khá tốt với tổng đàn trâu, bò hiện nay trên 1.600 con, đàn lợn, dê hơn 5.500 con cùng đàn gia cầm các loại trên 27.500 con. 

Nậm Có là một trong những xã có địa bàn rộng, đông dân cư, hiện xã có hơn 1.100 hộ đang chăn nuôi trâu, bò; tổng đàn gia súc chính của xã 10.474 con, trong đó đàn trâu, bò 4.161 con. Phần lớn các hộ chăn nuôi ở các bản Lùng Cúng, Làng Giàng, Tu San, Thào Xa Chải... vẫn chăn thả tự nhiên trên bãi ở các triền đồi núi cao nên nguy cơ chết khi xảy ra rét đậm, rét hại cao. Bởi vậy, bước vào đầu mùa đông, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động tổ chức hội nghị triển khai phòng, chống đói, rét cho vật nuôi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động làm mới, tu sửa, che chắn chuồng trại; chuẩn bị rơm rạ, cỏ, làm thức ăn đảm bảo cho đàn vật nuôi được an toàn trong mùa đông, nhất là khi thời tiết có băng giá, hạn chế thấp nhất thiệt hại về vật nuôi. 

Ông Chang A Nủ, bản Lùng Cúng cho biết: "Gia đình tôi có 8 con trâu, bò, do ở đây thời tiết lạnh quanh năm, cỏ xanh phát triển chậm nên trâu, bò chủ yếu chăn thả ở trên bãi là chính. Nhưng hàng năm, sau khi thu hoạch lúa, gia đình tôi đều dự trữ toàn bộ rơm rạ, làm chuồng đảm bảo cũng như thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, biết trước các đợt rét đậm, rét hại sắp xảy ra để chủ động đưa vật nuôi về chuồng nhốt tránh rét vào mùa đông”.

Cùng với chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, huyện Mù Cang Chải sát sao chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai tiêm vắc-xin phòng các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi đầy đủ theo định kỳ; hướng dẫn nhân dân phun dung dịch tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên đảm bảo đàn vật nuôi của huyện sinh trưởng, phát triển ổn định với tổng đàn gia súc chính tính đến tháng 10 trên 84.730 con, đạt 102% kế hoạch giao, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 560 tỷ đồng.
Châu Á

Tags Mù Cang Chải rét đậm rét hại vật nuôi

Các tin khác
Ngập úng trong thành phố Yên Bái khi mưa lớn.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái dự báo từ chiều tối nay (17/11) đến 19/11 các khu vực trong tỉnh tiếp tục có mưa rào, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Tổng lượng tích lũy phổ biến 20 - 40mm/24h, có nơi trên 80mm/24h. Mưa lớn tập trung vào đêm ngày 18 và 19/11.

Không khí lạnh yếu lệch Đông liên tiếp tràn xuống Bắc bộ những ngày tới.

Khoảng ngày 19/11, một đợt không khí lạnh yếu, lệch Đông sẽ tràn xuống nước ta. Do tác động của đợt không khí lạnh yếu này nên từ đêm 18/11, vùng núi Bắc bộ có mưa rào rải rác và có nơi có giông. Ngày 19/11, miền Bắc có mưa giông rải rác.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, mùa đông năm nay, nền nhiệt toàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C.

Chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan đưa ra lý giải và nhận định về hình thái thời tiết nắng nóng khi sang giữa tháng 11 và đã lập đông.

Sương muối là một hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo quan sát của du khách, sương muối xuất hiện với cường độ nhẹ ở nơi có độ cao từ 3.000m trở lên; sương phủ một lớp trắng mỏng trên đường đi, bậc đá lên xuống, sàn gỗ sân tham quan đỉnh Fansipan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục