Yên Bái với dấu ấn Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/11/2023 | 7:47:01 AM

YênBái - Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), những ngày qua, trong khí thế phấn khởi, vui tươi, nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT) với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu nước, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nhân dân thôn Làng Câu, xã An Thịnh, huyện Văn Yên chơi trò đẩy gậy trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.
Nhân dân thôn Làng Câu, xã An Thịnh, huyện Văn Yên chơi trò đẩy gậy trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.

Chúng tôi có mặt tại thôn Làng Câu, xã An Thịnh, huyện Văn Yên đúng vào dịp tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT. Ngay từ sáng sớm, tại khu vực tổ chức Ngày hội đã có rất đông bà con tới tham dự. Khác với thường ngày, hôm nay, ai cũng diện bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, khuôn mặt rạng ngời, tươi vui, phấn khởi vì đây cũng là dịp thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. 

Những kết quả có được hôm nay là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong thôn nên Ngày hội ĐĐKTDT năm nay của thôn Làng Câu vì thế cũng trở nên đặc biệt, ý nghĩa hơn. 

Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh thôn, đồng chí Nguyễn Văn Muôn - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Làng Câu phấn khởi: "Phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng NTM kiểu mẫu, bà con nhân dân trong thôn đã tích cực thi đua phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tham gia đóng góp các nguồn lực để xây dựng hạ tầng nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, bởi thế, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên”.

Hiện tại, ở thôn Làng Câu, 100% các tuyến đường đã được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận tiện; 100% hệ thống công trình thủy lợi được kiên cố hóa đảm bảo tưới tiêu; 100% số hộ dân được sử dụng điện an toàn; tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 90%; thu nhập bình quân đạt 51 triệu đồng/người/năm. Thôn có nhà văn hóa và sân chơi thể thao đảm bảo cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. 

Cũng là một không khí vui tươi, sôi nổi không kém, tại bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, 100% các hộ đồng bào dân tộc Mông đều tập trung đông đủ tham dự Ngày hội ĐĐKTDT. Ngày hội năm nay ở bản Lả Khắt có phần trang trọng, đông vui hơn cũng là bởi đây là dịp bản được công nhận bản đạt chuẩn NTM và ra mắt Mô hình "Bản hạnh phúc”. 

Sau khi tham dự phần lễ, cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nghe phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, bà con bản Lả Khắt đã cùng nhau vui chơi, ca hát, biểu diễn văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mông. Buổi lễ diễn ra nhanh gọn, tươi vui, tiết kiệm song đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân. 

Chị Giàng Thị Dở - người dân bản Lả Khắt bày tỏ: "Tôi rất vui vì bản đạt chuẩn NTM. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi lễ, thời gian tới, gia đình tôi và các hộ trong bản sẽ tiếp tục đưa vào các giống cây, con mũi nhọn như: trồng lúa có giá trị kinh tế cao, trồng hoa, trồng rau sạch, nuôi lợn đen, gà đen bản địa; phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, phấn đấu xây dựng bản đạt NTM nâng cao và trở thành bản hạnh phúc trong thời gian tới”. 


Cùng với tổ chức tốt Ngày hội ĐĐKTDT, năm nay, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương; xây dựng, khánh thành "Nhà đại đoàn kết”, các công trình phúc lợi, công trình dân sinh ở cộng đồng; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường… Qua đó, góp phần bồi đắp thêm truyền thống ĐĐKTDT, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Cũng phát huy tinh thần đoàn kết, thời gian qua nhân dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến trên 1.873.000 m2 đất; ủng hộ hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công để xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa kênh mương nội đồng. 

Theo đó, đến tháng 6/2023, toàn tỉnh đã có 99/150 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 18/23 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 3/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 938/1.356 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (đạt 69,2%); 178.005/216.191 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (đạt 82,3%). Toàn tỉnh thành lập được gần 3.500 tổ tự quản trên các lĩnh vực: an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nhân khẩu, hộ khẩu… 

Trong 9 tháng năm 2023, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,27%, đứng thứ 5/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ, đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố; tốc độ tăng trưởng của từng khu vực đạt mức cao so với các địa phương khác trong vùng… 

Những kết quả đạt đó sẽ là nền tảng, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy tốt hơn nữa tinh thần ĐĐK, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Hồng Oanh

Tags Yên Bái dấu ấn Ngày hội Đại đoàn kết

Các tin khác
Công an thị trấn Cổ Phúc hướng dẫn người dân sử dụng hòm thư tố giác tội phạm.

Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên những năm gần đây được duy trì ổn định, không có hoạt động của tội phạm có tổ chức, hoạt động kiểu “xã hội đen”, tội phạm sử dụng vũ khí nóng. Tuy nhiên, trên địa bàn thị trấn vẫn còn xảy ra một số vụ trộm cắp vặt do đối tượng nghiện, sau cai nghiện gây mất an ninh trật tự (ANTT).

Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (Lào Cai) và Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An (Cao Bằng) làm thủ tục bàn giao, tiếp nhận các cá thể chuột túi. (Ảnh: TL)

Ngày 16/11, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) cho biết, đã tiếp nhận 4 cá thể chuột túi từ Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng để nuôi dưỡng, bảo tồn.

Lớp tập huấn sẽ giúp đội ngũ cán bộ Hội các cấp, người dân địa phương nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ mang thai, quyền được chăm sóc sức khoẻ của trẻ.

Trong 2 ngày 16 - 17/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn tuyên truyền, vận động phụ nữ làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ em cho 150 cán bộ Hội cấp huyện, xã, chi hội; đại diện mô hình, các câu lạc bộ về công tác gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc thuộc địa bàn thực hiện Dự án 8 tại các xã có tỷ lệ sinh con tại nhà cao.

Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái nỗ lực san lấp mặt đường bị trận lũ ngày 5/8 cuốn trôi hoàn toàn tại Km 326+250, quốc lộ 32 đoạn qua huyện Mù Cang Chải.

Tôi gọi họ - những công nhân của Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái là những “phu đường”. Tháng 8 vừa qua - những ngày huyện vùng cao Mù Cang Chải bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, nhất là mưa lớn, sạt lở đường, gây ách tắc tuyến lộ 32 trong nhiều ngày; họ là những người đầu tiên có mặt để khắc phục sự cố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục