Dù mới hơn một tháng tuổi nhưng con trai của chị Hoàng Thị Dịp ở xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên đã bị viêm tiểu phế quản. Dù đã rất cẩn trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho bé nhưng do sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn yếu nên gia đình chị Dịp đã đưa con nhập viện Sản Nhi để kịp thời điều trị. Chị Dịp cho biết: "Thời tiết thay đổi thất thường nên 2 bé nhà tôi đều bị ốm. Khi gia đình tôi đưa cháu tới bệnh viện khám thì các bác sĩ yêu cầu nhập viện do cháu nhỏ bị viêm tiểu phế quản".
Những ngày gần đây, tình trạng trẻ em bị mắc các bệnh về hô hấp cần được điều trị nội trú tăng cao khiến các y, bác sỹ của Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái phải làm việc hết công suất. Chỉ tính từ đầu tháng 10 đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái đã có gần 550 trẻ điều trị nội trú với số ngày điều trị là trên 3.000 ngày.
Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Thị Phương Thảo - Phó trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái cho biết: Do thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ thời tiết trong ngày có sự chênh lệch lớn, độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi khiến các loại virus lây truyền qua đường hô hấp phát triển nhanh.
Các trường hợp nhập viện điều trị các bệnh về hô hấp thời điểm này chủ yếu là trẻ dưới 6 tuổi hoặc trẻ có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, diễn biến cũng nhanh hơn và thường phải điều trị nội trú lâu hơn với các bệnh thường gặp là viêm phổi, viêm họng cấp, viêm tai giữa và tiêu chảy cấp…
"Để kịp thời điều trị cho trẻ, Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái đã bố trí các phòng điều trị, tăng cường công tác chỉ đạo, hội chẩn phối hợp giữa các khoa, kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị để phục vụ khám và điều trị cho bệnh nhân” - bác sỹ Thảo nói.
Tại Trường Mầm non Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái những ngày này, số trẻ nghỉ học chiếm tỷ lệ gần 20%. Các em nghỉ ốm được cha mẹ thông báo lại phần lớn là mắc các bệnh theo mùa như: cảm cúm, ho, sốt cao, viêm phổi…
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nguyễn Phúc cho biết: "Như hàng năm, thời điểm giao mùa khiến tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp phải nghỉ học để điều trị gây ảnh hưởng tới tỷ lệ chuyên cần của nhà trường. Chúng tôi đã tăng cường công tác vệ sinh trường, lớp, phun thuốc muỗi, hóa chất khử trùng, đảm bảo các điều kiện về ăn, ở sạch sẽ cho trẻ. Đồng thời nắm bắt thông tin, nhắc nhở cha mẹ theo dõi sức khỏe của con, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần cách ly ở nhà, không để lây nhiễm chéo cho các trẻ trong lớp học”.
Theo khuyến cáo của Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng Phòng Đào tạo chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái, các phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của bệnh cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh hô hấp cho trẻ trong thời điểm giao mùa hiện nay. Trong đó, các bậc phụ huynh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, vệ sinh đường hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ và quan trọng hơn cả là cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cho trẻ uống nhiều nước, trái cây bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng.
Ngoài ra, trẻ nên ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm như: thịt nạc, gan lợn, lòng đỏ trứng… Những thực phẩm này có thể trực tiếp khống chế sự sinh sôi nảy nở của virus và tăng cường khả năng đề kháng cho cơ thể.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng lây nhiễm chéo bệnh trong cùng một gia đình. Khi trong gia đình có người bị nhiễm bệnh cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… tránh lây bệnh cho trẻ nhỏ.
Thu Trang