Dịp cuối năm, những cán bộ, công chức, người dân các xã vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình tham gia lớp tập huấn phòng PCCC, CNCH tại trụ sở UBND xã Yên Thành đã trở thành những người lan truyền kiến thức, kinh nghiệm học tập về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tới người dân cùng xóm làng.
Căn nhà sàn bằng gỗ của ông Hoàng Hữu Định ở xã Yên Thành là nơi tụ họp, sinh hoạt, lao động của đông đảo người Dao trong thôn. Họ tới nhà ông Định để sinh hoạt văn nghệ dân gian, người mượn địa điểm để đan rọ tôm, cũng có người đến chơi, chuyện trò, nghỉ chân những lúc nông nhàn. Vừa tham gia lớp tập huấn phòng cháy, chữa cháy trở về, ông Định liền giới thiệu cho mọi người xem đoạn video ông ghi được về cách thực hành dập lửa bằng bình chữa cháy chuyên dụng. Đây cũng là lần đầu tiên ông Định được thực hành với bình chữa cháy nhưng chỉ sau vài lần được hướng dẫn và sử dụng ông đã như quen thuộc.
"Phải cầm bình chữa cháy bằng 2 tay lên để lắc nhẹ, rồi lại đặt bình xuống và rút chốt an toàn. Tiếp theo, một tay vừa sách bình cứu hỏa vừa bóp chốt để khí phụt ra, còn tay kia cầm vòi thoát khí chốc thẳng xuống vị trí đang cháy, xịt thật mạnh, hướng tới trọng điểm cháy” – ông Định chia sẻ với mọi người.
Từ kiến thức được học, ông cùng bà con giải thích về nguyên nhân dẫn đến một số sự cố cháy nhà tại các vùng Đông hồ Thác Bà trong thời gian qua. Trong đó, chủ yếu xuất phát từ sự bất cẩn của người dân trong sử dụng điện, lửa, bình ga và sự cố chập cháy điện trong quá trình sử dụng lâu dài. Ông Định chia sẻ, hầu hết căn nhà ở trong thôn đều được làm bằng gỗ, tre nứa, lợp lá cọ là những vật liệu dễ cháy nên nếu bất cẩn rất dễ gây hỏa hoạn. Thêm vào đó, việc mua thêm các đồ gia dụng công suất lớn mà không nâng cấp đường dây điện, đường điện lại ít được bảo dưỡng cũng dễ chập điện gây ra cháy.
"Ví dụ như nhà chị Lan, Tết năm ngoái thằng cu - con trai chị đi làm ăn xa về có mua thêm cái tủ lạnh to, cộng thêm cái tivi, máy bơm có từ trước nữa nếu đồng loạt sử dụng sẽ dẫn tới quá tải, dễ gây cháy, chập điện. Thế nên mình cần sử dụng các đồ dùng một cách hợp lý, thường xuyên rút các thiết bị điện không cần thiết và có phương án nâng cấp đường dây điện" - ông Định lấy ví dụ để mọi người dễ hiểu hơn.
Ông cũng mong muốn từ những câu chuyện chia sẻ, mọi người sẽ cùng hiểu hơn về bản làng mình còn nhiều khó khăn nên rất cần nâng cao ý thức bảo vệ tài sản, tương trợ, giúp đỡ, nhắc nhở nhau trước mọi sự việc bởi "Nước xa không cứu được lửa gần".
Xác định việc tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm để hạn chế hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn, xã Phúc An, huyện Yên Bình đã lựa chọn những cán bộ, công chức, người dân có khả năng tiếp nhận, thực hành và truyền đạt kiến thức PCCC tham gia lớp tập huấn. Xác định đây là những lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, lan tỏa mạnh mẽ ý thức, tính tự giác PCCC cho nhân dân trong thời gian tới.
Theo ông Trần Tiến Thơm - Chủ tịch UBND xã Phúc An, địa phương đã cử 50 cán bộ, công chức, các bí thư chi bộ, tổ trưởng các thôn bản, lực lượng dân quân tự vệ, các thành viên tổ xung kích cộng đồng để tham gia tập huấn PCCC. Đây cũng là lực lượng chính tham gia vào công tác "4 tại chỗ” của địa phương. Sau khi được tập huấn, xã cũng xây dựng kế hoạch, phương án tuyên truyền, tập huấn cho người dân về công tác PCCC, đặc biệt mỗi cá nhân tham gia tập huấn cũng tự xây dựng kế hoạch, phương thức tuyên truyền riêng cho mọi người. Cùng với đó, xã đã xây dựng một mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC tại thôn Đồng Tha gồm 4 hộ gia đình liền kề nhau và tổ chức diễn tập tình hướng giả định. Đây là mô hình thiết thực nhằm giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc PCCC tại chính gia đình, xóm làng mình, đảm bảo cuộc sống an toàn hơn.
Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Dương - Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Yên Bái chia sẻ tại các lớp tập huấn cho cán bộ, người dân tại các cơ quan, đơn vị. Sự cố cháy, nổ là một trong những hiểm hoạ gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản nhất. Trong những năm gần đây, tình trạng cháy, nổ tại Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung đang có xu hướng gia tăng, gây ra nhiều thiệt hại đáng tiếc. Để ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc xảy ra, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Thông qua các lớp tập huấn, mọi người sẽ hiểu thêm về công tác phòng cháy là biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa cháy, nổ xảy ra.
Để phòng cháy hiệu quả, mỗi người dân cần thực hiện tốt việc kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện, đường dây điện, thiết bị điện; không dùng dây điện không có vỏ bọc, dây điện cũ, hở. Không sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt trong phòng kín, nơi có nhiều vật liệu dễ cháy nổ. Không để trẻ em nghịch lửa, xăng dầu, khí đốt. Khi xảy ra cháy, nổ, người dân cần bình tĩnh, giữ vững tinh thần, tìm cách thoát nạn nhanh chóng. Nếu có thể, hãy sử dụng các dụng cụ, thiết bị chữa cháy để dập tắt đám cháy nhỏ.
Thiếu tá Dương cũng cho biết thêm, hiện tỉnh Yên Bái đang triển khai mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, đây là mô hình có từ 5 đến 10 hộ gia đình sống liền kề nhau. Các hộ gia đình trong tổ sẽ liên kết hệ thống báo cháy lại với nhau, từ đó khi một gia đình xảy ra sự cố cháy nổ thì cả hệ thống sẽ báo động, các gia đình lân cận sẽ biết được sự việc sẽ thuận tiện việc thông báo, cứu hỏa, cứu nạn và đảm bảo an ninh trật tự.
Có thể khẳng định, việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong công tác PCCC là trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi người dân cần tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về PCCC, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể chủ động phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra cháy, nổ.
Hoài Văn