Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với già hóa dân số, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết cho người cao tuổi (NCT), cũng như đẩy mạnh việc phát triển các cơ sở chăm sóc, hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của NCT. Việc đẩy mạnh các mô hình chăm sóc NCT là điều quan trọng để họ sống vui - khỏe - có ích.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có khoảng 93 nghìn NCT. Số lượng NCT ngày càng đông, mỗi năm, tăng từ 1.500 - 3.000 người. Trên địa bàn tỉnh có nhiều gia đình có nhu cầu, điều kiện kinh tế muốn đưa ông bà, người thân vào sống tại cơ sở bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo điều kiện chăm sóc về cả vật chất lẫn tinh thần.
Từ tháng 3/2018, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh đã triển khai mô hình dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện. Mô hình dành cho những người không thuộc diện bảo trợ có nhu cầu theo hình thức tự nguyện đóng góp kinh phí.
Đối tượng tiếp nhận chủ yếu là NCT không có khả năng tự phục vụ sinh sống trên địa bàn thành phố Yên Bái, được con cháu, người thân đưa vào Trung tâm để sử dụng dịch vụ. Trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có duy nhất Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh là đơn vị sự nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ dưỡng lão tự nguyện cho NCT.
Với điều kiện cơ sở vật chất tốt, đội ngũ cán bộ, nhân viên có kinh nghiệm chăm sóc NCT, mức thu phí hiện nay dao động từ 4 triệu đồng đến 5,3 triệu đồng tùy theo mức độ, khả năng tự phục vụ của NCT. Đây là mức thu khá phù hợp với điều kiện kinh tế của NCT và các gia đình. Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 26 NCT, người khuyết tật theo diện trên.
6 năm qua, Trung tâm đánh giá đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có cơ hội phát triển và là mảng nhiệm vụ mà đơn vị có thể tập trung phát huy lợi thế, tạo vị thế, uy tín trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc NCT trên địa bàn. Cơ sở vật chất của Trung tâm hiện có khả năng đáp ứng cho nhu cầu của hàng trăm đối tượng.
Ông Phạm Công Quyết - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: "Để dịch vụ dưỡng lão tự nguyện tại Trung tâm thực sự tạo ra một môi trường sống phù hợp, ý nghĩa cho bộ phận NCT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, Trung tâm xác định một số giải pháp, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa, vai trò của việc chăm sóc, hỗ trợ NCT thông qua dịch vụ dưỡng lão tự nguyện”.
Theo đó, Trung tâm sẽ truyền thông về chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc NCT trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua việc phát tờ rời, mạng xã hội, trang thông tin điện tử của ngành, của đơn vị; kiện toàn về mặt tổ chức hoạt động và cung cấp dịch vụ hướng tới chuyên nghiệp, chất lượng cao.
Năm 2024, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp để mảng dịch vụ tự nguyện thành bộ phận trực thuộc nhằm chuyên nghiệp hóa trong việc cung cấp dịch vụ. Chú trọng chăm sóc toàn diện cho NCT không chỉ về mặt dinh dưỡng, sức khỏe mà còn tập trung cung cấp dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ tâm lý, tinh thần, phục hồi chức năng và các giao tiếp xã hội cho NCT, hướng đến cung cấp dịch vụ chất lượng cao; tiếp tục mở rộng nhóm đối tượng tiếp nhận tự nguyện như: nhóm người khuyết tật nặng, dịch vụ chăm sóc bán trú đối với trẻ em khuyết tật.
Đồng thời, đơn vị cũng nghiên cứu, đề xuất mức thu phí phù hợp với các nhóm đối tượng không tự phục vụ được hay nhóm có nhu cầu cung cấp dịch vụ chất lượng cao… Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu thực hiện chi trả tiền công phù hợp đối với người lao động hợp đồng làm công việc chăm sóc trực tiếp, giúp họ gắn bó, yên tâm làm việc.
Qua thực tế triển khai, mô hình dưỡng lão tự nguyện ở Yên Bái đã tạo môi trường sống phù hợp, ý nghĩa cho NCT trong xu thế già hóa dân số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thu Hiền