Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc các đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chậm đóng, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng BHXH vẫn tồn tại kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ).
Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến hết năm 2023 vẫn còn 18 đơn vị SDLĐ chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền trên 11,5 tỷ đồng. Trong đó có một số đơn vị nợ kéo dài với số tiền lớn như: Lâm trường Lục Yên nợ 146 tháng, số tiền trên 4,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây lắp thuỷ lợi, thủy điện Yên Bái nợ 74 tháng, số tiền gần 1 tỷ 577 triệu đồng; Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái nợ 27 tháng, số tiền trên 898 triệu đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng thương mại Long Phú Cường nợ 53 tháng, số tiền trên 614 triệu đồng; Công ty cổ phần Sứ cách điện Việt Nam nợ 18 tháng, số tiền trên 270 triệu đồng; Công ty TNHH Thương mại Hà My nợ 16 tháng, số tiền trên 153 triệu đồng; Công ty cổ phần Noong Phai nợ 7 tháng, số tiền trên 196 triệu đồng…
Ông Đào Phùng Nghĩa - Trưởng phòng Quản lý Thu - Sổ, Thẻ cho biết: "Tình trạng các đơn vị SDLĐ chậm, trốn đóng BHXH diễn ra phổ biến có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xử lý gặp khó khăn. Ngoài lý do khách quan do một số đơn vị vướng mắc trong quá trình chuyển đổi mô hình, nhiều đơn vị lâm vào cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19, nhưng cũng vẫn có những trường hợp cố tình chây ỳ. Trong khi, mức xử phạt hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH theo quy định hiện hành còn nhẹ, nên chưa đủ sức răn đe”.
Trước tình trạng vẫn còn nhiều đơn vị chậm đóng BHXH, nhằm siết chặt hành vi chậm đóng BHXH, BHXH tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Năm 2023, BHXH tỉnh đã tổ chức 45 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 135 đơn vị về BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, thanh tra chuyên ngành 95 đơn vị, phối hợp kiểm tra, thanh tra liên ngành 7 đơn vị; kiểm tra 20 đơn vị SDLĐ, 6 tổ chức dịch vụ thu, 5 cơ sở khám chữa bệnh... Thanh tra chuyên ngành, liên ngành đột xuất 22 đơn vị. Sau thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 260 triệu đồng.
Trong đó, UBND tỉnh ban hành 1 quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính về chậm đóng BHXH, BHTN đối với 1 đơn vị theo thẩm quyền, số tiền xử phạt là 153 triệu đồng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh ban hành 1 quyết định xử phạt hành vi chậm đóng BHXH, số tiền xử phạt là 35 triệu đồng; Giám đốc BHXH tỉnh ban hành 5 quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính về chậm đóng BHXH, BHTN đối với 5 đơn vị theo thẩm quyền, số tiền xử phạt là 71,5 triệu đồng.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã thu hồi về quỹ BHXH, BHYT, BHTN 2,8 tỷ đồng. Trong đó thu nợ đóng 2,3 tỷ đồng, truy thu do lao động chưa tham gia, tham gia thiếu thời gian, thiếu mức đóng 511,2 triệu đồng, thu hồi về quỹ BHXH ngắn hạn do chi sai quy định 7,5 triệu đồng; hoàn trả do thu sai đối tượng tham gia, sai thời gian, mức đóng 3,7 triệu đồng; xuất toán thu hồi và không chấp nhận thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT 257,3 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính tại 7 đơn vị gần 259,6 triệu đồng...
"Cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính. Mặc dù, việc xử phạt hành chính đối với hành vi trốn đóng đã được quy định tại đểm a, khoản 7, Điều 39, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và khoản 2, Điều 80, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nhưng không có văn bản nào quy định rõ khái niệm thế nào là "trốn đóng", do vậy không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt hành chính về hành vi "trốn đóng" làm cơ sở, tiền đề cho việc xử lý hình sự” - ông Đào Phùng Nghĩa cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, hiện trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đóng không đúng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN quy định… mà không đủ công cụ, phương pháp (như cơ quan điều tra) để xác định được các hành vi đó là trốn đóng hay không phải trốn đóng cũng như không chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn như hướng dẫn tại Điều 2, Nghị quyết số 05/2019/NQ- HĐTP.
Để hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng, chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành BHXH tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đôn đốc thu hồi nợ; đặc biệt chú trọng việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành, qua đó xử phạt vi phạm hành chính. Đối với các đơn vị cố tình chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với cơ quan chức năng lập hồ sơ kiến nghị khởi tố.
Hồng Duyên